Ai là người được giới thiệu vào ghế Bí thư TP.HCM? Và những việc phải đối mặt
Sáng 11/10, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội nghị công bố quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ. Điều bất ngờ là không như quy hoạch trước đó vào năm 2016, ông Nguyễn Văn nên mới là người được Bộ Chính trị giới thiệu vào ghế Bí thư Thành ủy Hồ Chí Minh.
Nhân vật sẽ ngồi vào một trong những vị trí tối quan trọng ngoài “tứ trụ” ra là Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh đã dần dần rõ nét hơn sau quyết định nói trên của Bộ Chính trị. Khiến không ít người bất ngờ là vì trước đó năm 2016, Bộ Chính trị từng nhận định ông Võ Văn Thưởng mới là cán bộ được quy hoạch làm Bí thư Thành ủy TP.HCM.
Theo đó, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã thay mặt Bộ Chính trị trao quyết định của Bộ Chính trị về việc cho ông Nguyễn Văn Nên thôi giữ chức Chánh Văn phòng Trung ương Đảng. Đồng thời, chỉ định ông Nên tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM nhiệm kỳ 2020-2025 và giới thiệu để Ban Chấp hành bầu giữ chức Bí thư Thành ủy TPHCM nhiệm kỳ 2020-2025.
Việc ông Nên có ngồi vào ghế như Bộ Chính trị hay không sẽ được quyết định vào Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 sắp diễn ra từ ngày 14 đến ngày 18/10. Đại hội sẽ có sự tham dự của 445 đại biểu, bao gồm 59 đại biểu đương nhiệm và 386 đại biểu được bầu từ Đại hội Đảng bộ các quận, huyện và cấp trên cơ sở. Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân vẫn điều hành Đại hội Đảng bộ TPHCM nhiệm kỳ 2020-2025 đến khi Đại hội bầu Ban chấp hành Đảng bộ khóa mới.
Một số trọng trách mà tân Bí thư TP.HCM phải đối mặt
Như đã nói, ghế Bí thư thành ủy TP.HCM là một trong những vị trí quan trọng nhất, hơn nữa cũng rất “nóng bỏng tay”. Người tiền nhiệm trước của ông Nguyễn Thiện Nhân là Đinh La Thăng đã vướng vòng lao lý, còn ông Lê Thanh Hải thì cũng đã bị kỷ luật. Nhiệm kỳ tới đây thậm chí còn khó khăn hơn khi người cầm cờ phải đối mặt các vấn đề sau:
Đất đai: Ông Nguyễn Thiện Nhân nhậm chức Bí thư Thành ủy từ ngày 10/5/2017 đến nay thì ngoài các thành tựu đạt được, vẫn chưa thể giải quyết được vấn đề Thủ Thiêm. Hàng loạt các vụ án tranh chấp đất đai bị dư luận lên án (như vụ Phan Quý). Thành phố mới Thủ Đức nếu như được triển khai, khó tránh khỏi tạo thêm nhiều bất công và gây thống khổ cho người dân.
Tư pháp: Như đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng từng nói “chưa bao giờ niềm tin tư pháp Việt Nam thấp như bây giờ”. Tư pháp TP.HCM những năm qua đã xảy ra nhiều vụ án khiến người dân bức xúc và mất niềm tin. Tuy không phải là vùng trũng nhất, nhưng việc chấn chỉnh lại nền tư pháp của thành phố là điều không thể chậm trễ.
Thoát nước: Đây là vấn đề muôn thuở của thành phố, và dường như càng ngày càng khó giải quyết hơn.
Kinh tế: Thành phố Hồ Chí Minh đang đối mặt với cơ hội lẫn thách thức trong giai đoạn tới đây, về phương diện kinh tế. Hiệp định EVFTA thông qua đã mang cho thành phố cơ hội rộng mở hơn trong tương lai, việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu thậm chí còn là một cơ hội lớn hơn thế nữa. Tuy nhiên cho đến nay, hiệu quả thu hút FDI chưa cao, ảnh hưởng xấu đến môi trường – tài nguyên thiên nhiên. Ảnh hưởng của đại dịch lên nền kinh tế đã bức tử hàng vạn doanh nghiệp trong năm qua, hậu quả mà nó để lại khó có thể khắc phục một sớm một chiều.
Chỉ điểm sơ qua các vấn đề trên, cũng đủ để thấy trách nhiệm nặng nề của người lãnh đạo thành phố nhiệm kỳ tới. Điều đó yêu cầu người cầm cờ phải vừa có tâm, vừa có tầm, nếu không cuối cùng khó có thể “hạ cánh an toàn”, thậm chí vướng vào vòng lao lý như ông Đinh La Thăng.
Từ Thức