TP.HCM đặt mục tiêu năm 2045 sẽ trở thành trung tâm kinh tế, tài chính của châu Á
TP.HCM đề ra chỉ tiêu đến năm 2045 trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao, GDP bình quân đầu người khoảng 40.000 USD, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu.
Tại nội dung trong bản Trình bày báo cáo tóm tắt dự thảo Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Đảng bộ khóa X mới đây, ông Nguyễn Thành Phong – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố đã đề cập đến mục tiêu phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Cụ thể, TP.HCM đề ra mục tiêu đến năm 2025 là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. GDP bình quân đầu người khoảng 8.500 – 9.000 USD.
Đến năm 2030 là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, GRDP bình quân đầu người khoảng 13.000 – 14.000 USD, là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học – công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á.
Tầm nhìn đến năm 2045, TP.HCM đặt mục tiêu trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao, GDP bình quân đầu người khoảng 40.000 USD, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu.
Lại là một giấc mơ?
Nước ta có một thứ không bao giờ thiếu đó là ước mơ. Năm 2006, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh từng ước mơ rằng Việt Nam sẽ cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020. Ước mơ đó cơ bản đã phá sản. Tuy vậy, ước mơ chưa bao giờ bị tính phí, thế nên hôm nay phải chăng chúng ta tiếp tục mơ ước chuyện của 25 năm sau?
Lại nói, cũng là một ước mơ của 20 – 30 năm sau, ông Trần Quốc Vượng Thường trực Ban Bí thư tuyên bố hồi tháng 7, rằng đến giữa thế kỷ XXI, Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Những ước mơ kiểu này thậm chí còn không chỉ giới hạn trong người Việt. Ví như hồi đầu năm 2019, cựu Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu (Eurocham) – ông Andreas Stoffers đánh giá Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng kinh tế mạnh nhất trên thế giới vào năm 2050 và trở thành một trong 20 cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới.
Rồi như cuốn “Cường quốc trong tương lai – vẽ lại bản đồ thế giới năm 2030” của tác giả Hamada Kazuyuki cũng cho ra một cái nhìn tương tự.
Bất kể là việc những cái nhìn này có dựa trên các quan điểm nghiêm túc hay không, những tuyên bố kiểu này cũng được người ta dễ dàng đón nhận. Tuy nhiên, dù đó là tờ báo nổi tiếng thế giới cũng vậy, hay đó là tổ chức toàn cầu cũng vậy, họ không có trách nhiệm nào đối với dân tộc Việt Nam.
Thế nhưng người xưa có câu “quân vô hí ngôn”. Nếu như đó là lời tuyên bố của những người lãnh đạo đất nước như ông Nguyễn Thành Phong, thì người ấy phải chịu trách nhiệm cho điều mình nói, và trách nhiệm ấy là phải chịu trước toàn dân.
Từ Thức (t/h)