Đại hội Đảng: Muốn “đốt lò”, “củi tươi” lẫn “sắt thép” đều làm mồi lửa
Đại hội Trung Ương còn hai tháng nữa sẽ diễn ra, thế nhưng nhiệt tình đốt lò chống tham nhũng từ thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đến nay dường như hãy còn sục sôi.
Sáng 14/10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thuộc đơn vị bầu cử số 1 thành phố Hà Nội tiếp xúc cử tri trước kỳ họp 10, Quốc hội khóa XIV.
Mở đầu cuộc tiếp xúc, cử tri đã phản ánh và nêu nhiều ý kiến về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và công tác chuẩn bị nhân sự. Cử tri Nguyễn Quyết Thắng (quận Hoàn Kiếm) cho biết, nhân dân hết sức quan tâm và kỳ vọng rất lớn về công tác nhân sự của đảng.
Theo ông, vừa qua vẫn có một số tư lệnh ngành, lãnh đạo địa phương để xảy ra những việc như tiêu cực trong đấu thầu trang thiết bị y tế, gian lận thi cử, rửa tiền hay chiếm đoạt tài liệu mật… “Tuy chỉ là những trường hợp cá biệt được phát hiện kịp thời trong đấu tranh phòng chống tham nhũng nhưng cũng thấy có lỗ hổng trong công tác nhân sự nhiệm kỳ qua”, ông Thắng nhấn mạnh.
Do đó theo ông Thắng, vẫn cần làm tốt hơn nữa công tác nhân sự; thực hiện nghiêm túc công tác kê khai tài sản của cán bộ, công chức, đặc biệt cán bộ lãnh đạo tầm chiến lược. Đồng thời, có chế tài kiểm tra, giám sát chặt chẽ, răn đe đủ mạnh.
Đại biểu Đỗ Bá Quát (Quán Thánh) cho rằng, nhân dân mong muốn loại bỏ những cán bộ có tư tưởng tham vọng quyền lực, tham vọng cá nhân; lôi kéo gia đình, họ hàng, người cùng quê, phe cánh, bè nhóm vào làm việc. Đây là những tư tưởng, hành vi rất nguy hiểm cần loại ngay.
Ông Quát cho rằng, tham nhũng là “giặc nội xâm”, cần có chủ trương, phân tích đánh giá những địa bàn nào, ngành nào dễ có tham nhũng để có cơ chế phòng ngừa hiệu quả; đồng thời có cơ chế chính sách thích hợp. “Thời gian qua lò đã nóng, song tới đây cần phải nóng hơn để sắt thép khi bị đưa vào lò cũng phải tan chảy chứ không chỉ củi tươi, củi khô”, ông Quát nhấn mạnh.
Tiếp tục nêu ý kiến về việc bầu cử ĐBQH nhiệm kỳ tới, ông Quát bày tỏ mong muốn cơ cấu bảo đảm tỷ lệ 50% ĐBQH là hoạt động chuyên trách để chuyên tâm với công việc. “Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương là đại biểu Quốc hội thì khi họp cũng rất “nhấp nhổm”. Nếu tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách sẽ thể hiện dân chủ công bằng, có tính cạnh tranh”, ông Quát nói.
Ngoài ra, ông Quát cũng lưu ý, ĐBQH cần là người dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm thì mới xứng đáng là đại biểu của nhân dân.
Từ Thức (t/h)