Người biểu tình Tây Ban Nha thách thức lệnh cấm
Người biểu tình Tây Ban Nha thách thức lệnh cấm
Khoảng 25 ngàn người biểu tình Tây Ban Nha đã thách thức lệnh cấm của chính phủ và biểu tình qua đêm tại một quảng trường ở thủ đô Madrid.
Những người biểu tình tức giận về chính sách kinh tế của chính phủ đã chiếm khu vực Puerta del Sol trong cả tuần qua.
Ủy ban bầu cử Tây Ban Nha ra lệnh cho họ phải rời đi trước cuộc bầu cử địa phương vào hôm nay, Chủ Nhật.
Lệnh cấm này có hiệu lực vào lúc nửa đêm, và khi thời hạn đến, đám đông reo hò trong khi cảnh sát không có động thái can thiệp.
Cuộc biểu tình bắt đầu cách đây sáu ngày tại khu Puerta del Sol của Madrid, là cuộc biểu tình tự phát của giới trẻ Tây Ban Nha vốn thất vọng về tình trạng thất nghiệp tới 45% trong thanh niên.
Đám đông đã gia tăng về số lượng tại thủ đô và lan ra các thành phố khác trên khắp đất nước. Hàng trăm người vẫn ở lại qua đêm tại Madrid.
Họ yêu cầu phải có việc làm, có chất lượng sống tốt hơn, hệ thống dân chủ công bằng hơn và có thay đổi trong các kế hoạch thắt lưng buộc bụng của chính phủ theo đường lối Xã hội.
Natividad Garcia, một người biểu tình, nói: “Họ muốn để mặc chúng tôi không có y tế công cộng, không có giáo dục công cộng, một nửa số thanh niên đang thất nghiệp, rồi họ lại còn tăng tuổi về hưu”.
“Đây hoàn toàn là một cuộc tấn công vào những phúc lợi bé nhỏ còn lại của chúng tôi”.
Gia tăng biểu tình
Một người biểu tình khác nói cô tham gia vì không thấy có triển vọng kiếm được việc làm cho dù có bằng cấp.
Inma Moreno, 25 tuổi, nói: “Chuyện này nên khiến cho các tầng lớp chính trị biết rằng có điều gì đó không ổn”.
Rất nhiều người tham gia đã so sánh cuộc biểu tình của họ với các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ tại Cairo, vốn tạo ra cuộc cách mạng ở Ai Cập.
Luật Tây Ban Nha cấm các cuộc tập trung chính trị ngay trước bầu cử, để cho phép mọi người có một “ngày suy ngẫm” – là phán quyết mà ủy ban bầu cử vẫn giữ.
Một số người biểu tình nói họ lo ngại sẽ bị cảnh sát đàn áp, nhưng bộ trưởng Nội vụ Alfredo Perez Rubalcaba nói cảnh sát sẽ “không giải quyết một vấn đề bằng cách tạo ra một vấn đề khác”.
Khi hạn chót là nửa đêm phải giải tán tới, rất nhiều người biểu tình dùng băng keo bịt miệng để ám chỉ họ cảm thấy họ bị ngăn không cho cất lên tiếng nói.
Phóng viên BBC Sarah Rainsford có mặt tại Madrid nói khi lệnh cấm có hiệu lực, ban đầu có một khoảnh khắc im lặng, sau đó cả quảng trường vỡ òa tiếng hò reo.
Cảnh sát có mặt tại hiện trường nhưng không can thiệp, và cuộc biểu tình ngồi có vẻ tăng thêm chứ không chấm dứt.
Phóng viên BBC nhận xét cuộc biểu tình, vốn bắt đầu là một phong trào tự phát, có thể sẽ còn tiếp tục trong một thời gian.
Tỉ lệ thất nghiệp của Tây Ban Nha hiện nay là 21.3%, là cao nhất trong Liên hiệp châu Âu. Hiện, số người không có công ăn việc làm lên đến mức kỷ lục, 4.9 triệu, rất nhiều trong số đó là thanh niên.
Thủ tướng Jose Luis Rodriguez Zapatero đã bày tỏ thông cảm với những người biểu tình, và cũng ghi nhận “phong cách hòa bình” của họ.
Theo BBC