Nghiên cứu mới tiết lộ chủng người đầu tiên đến châu Âu nhờ khí hậu ấm lên
Một nghiên cứu mới cho thấy, nhiệt độ tăng cao vào 1,4 triệu năm trước có thể chính là yếu tố khiến tông người hominin di cư từ châu Phi đến châu Âu.
Tiến sĩ Jordi Agusti và các đồng nghiệp đã công bố một nghiên cứu trên Tạp chí Tiến hóa của Con người (Human Evolution). Nghiên cứu này cho rằng khí hậu thời tiền sử ảnh hưởng đến đất đai và tài nguyên sẵn có của chủng người cổ xưa. Những chủng người đầu tiên có thể đã tiến hành việc di cư tìm kiếm thức ăn trong điều kiện biến đổi khí hậu, thời tiết, cùng nhiệt độ môi trường tăng lên.
Giáo sư nghiên cứu của Viện Nghiên cứu và Phát triển Catalan (ICREA) nhận thấy rằng, sự lan rộng của Tông người Hominin đã phải tạm dừng do nhiệt độ lạnh hơn vào chu kỳ băng giá trong thời kỳ Canh Tân (Pleistocene). Không có nhiều bằng chứng chứng minh về sự hiện diện của người châu Âu trong thời đại này. Tuy nhiên, phát hiện khảo cổ từ Tây Ban Nha cho thấy, một khi điều kiện khí hậu thuận lợi hơn, loài người trước đây đã có thể di chuyển.
Bằng chứng cổ nhất của Tông Hominin được tìm thấy ở Tây Âu là một chiếc răng và công cụ bằng đá. Các công cụ này được khai quật vào năm 1993 ở di tích khảo cổ Barranco León, trong lưu vực đầm Guadix-Baza, phía Đông Nam Tây Ban Nha. Trang Khảo cổ học Đại chúng cho biết, những công cụ đá Oldowan thuộc niên đại 1,4 triệu năm trước.
Các công cụ bằng đá có thể đã được sử dụng để làm thịt thú ăn cỏ, cũng như làm sạch phần xác thừa sau khi thú ăn thịt đã xong bữa. Những dấu vết của săn bắt và lưu trú đã tiết lộ việc Tông người hominin đi khỏi châu Phi và đến một vùng đất rộng lớn khác.
Thông qua phân tích động vật không xương sống ở Barranco León, các nhà nghiên cứu đã có thể xác định nhiệt độ trung bình hằng năm của hồ cổ xưa gần đó. Họ phát hiện nhiệt độ ấm áp và độ ẩm cao là đặc trưng của khoảng thời gian này. Sự thay đổi khí hậu tương ứng với sự xuất hiện các công cụ bằng đá và đồ tạo tác trên trục thời gian.
Tờ ZeeNews thông tin: “Các nhà nghiên cứu cho biết vào đầu kỷ Canh Tân (Pleistocen, thời kỳ kéo dài từ 2,59 triệu năm đến 11.700 năm trước) có dạng thời tiết đặc trưng là lạnh và khô hơn. ‘Điều này có thể cản trở sự định cư của nhóm người Hominin từ vùng phía Nam Caucasus’. […] Nhưng ngay sau đó, ‘khi các điều kiện khí hậu thuận lợi trở lại, sự hiện diện của người Hominin lại đột nhiên xuất hiện.“
Cuối cùng, các nhà nghiên cứu kết luận: “Rõ ràng sự định cư của người Hominin ở châu Âu được khí hậu và môi trường hỗ trợ, chứ không phải do các yếu tố địa chất và văn hóa“.
Theo kết quả nghiên cứu của Tiến sĩ Agustí, khí hậu của hàng triệu năm trước đây đã tạo ra một giai đoạn chuyển tiếp quan trọng cho tổ tiên của loài người. Khí hậu dường như vẫn duy trì sức mạnh quá độ của nó cho đến ngày nay. Khi khí hậu tiếp tục thay đổi, các tạo tác cổ đại và những tàn tích đặc biệt của con người sẽ vẫn tiếp tục xuất hiện, mang lại nhiều thông tin về thời tiền sử quá khứ, cho phép chúng ta hiểu được những câu chuyện liên quan đến toàn nhân loại và vị trí của chúng ta trên hành tinh này.
Thanh Phong, dịch từ Ancient Origins