Không thể chủ quan với diễn biến của virus H7N9
Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhận định, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm mặc dù đã cơ bản được kiểm soát nhưng nguy cơ tái phát dịch là rất cao. Các địa phương cần tăng cường xét nghiệm các mẫu gia cầm tại các chợ, khu vực biên giới để kịp thời phát hiện, ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm virus cúm A H7N9 nguy hiểm vào nước ta.
“Diễn biến của virus H7N9 và các dịch bệnh khác là không thể chủ quan. Theo quy luật hàng năm, chúng ta đang trong thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh. Vì vậy cần tăng cường các biện pháp tăng cường trong thời gian tới, đặc biệt là đối với dịch cúm gia cầm và virus H7N9 trên người”, ông Tám nói.
|
Hiện tại, diễn biến của của virus H7N9 vẫn rất khó lường, điều đáng lo ngại là virus bắt nguồn từ gia cầm nhưng vì độc lực thấp không làm chết gia cầm nên khó phát hiện nguồn nhiễm bệnh; chủng virus này cũng có thể thay đổi để thích ứng với động vật có vú. Cho tới thời điểm hiện tại, cơ quan chức năng chưa xác định được nguồn bệnh, đường lây truyền cũng như bằng chứng cho thấy dịch bệnh này có lây từ người sang người hay không.
Theo Bộ Nông nghiệp, cả nước phát hiện 15 ổ dịch cúm A/H5N1 tại 15 xã, phường thuộc các tỉnh Khánh Hòa, Tây Ninh, Điện Biên, Kiên Giang, đã buộc tiêu hủy hơn 28.000 con gia cầm. Diễn biến tiếp theo cho thấy tình hình dịch cúm lan rộng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành lấy mẫu gia cầm sống tại 425 chợ thuộc 30 tỉnh, thành phố để xét nghiệm. Kết quả cho thấy, có 20/30 tỉnh, thành phố và 95/425 chợ có mẫu gia cầm dương tính với virus cúm A/H5N1. Sau cuộc kiểm tra này, cơ quan chức năng đã phát hiện 2 mẫu vịt tại An Giang, Đồng Tháp dương tính với virus H7.
Tuy nhiên, khi tiến hành phân tích gien thì không phát hiện mẫu virus H7 nào giống với virus H7N9 đang gây bệnh tại Trung Quốc.
Tại cuộc họp chiều 7/5, ông Đàm Xuân Thành – Phó Cục trưởng Cục Thú y cũng cho biết, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm đã cơ bản được kiểm soát nhưng nguy cơ tái phát dịch là rất cao.
Vị Cục phó cho hay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với Tổ chức Nông lương thế giới giám sát các mẫu gia cầm nhập lậu, điểm tập trung gia cầm tại các tỉnh giáp biên giới với Trung Quốc – quốc gia ghi nhận nhiều trường hợp tử vong nhất do virus H7N9 cho đến nay. Các mẫu xét nghiệm được tiến hành trong khoảng 2 tháng và sẽ được mở rộng nếu cần thiết để khẳng định hoặc loại trừ sự xuất hiện của chủng virus cúm AH7N9 trên các mẫu gia cầm, xác định nguy cơ virus cúm gia cầm có thể biến đổi trong thời gian qua.
“Bản chất của virus là biến đổi kể cả virus cúm gia cầm và virus trên người. Việc lấy mẫu xét nghiệm giải trình tự gen rất quan trọng để chúng ta phát hiện sớm và có vaccine đối phó kịp thời”, ông Thành cho biết.
Hiện trên cả nước có 5 địa phương có dịch lợn tai xanh là: Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Thái Bình, Nam Định và Bắc Ninh. Số lợn mắc bệnh và tiêu hủy là hơn 21.000 con, trong đó Nam Định là tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất.
Cũng tại cuộc họp này, đại diện của Cục Thú y thông tin, sau khi phát hiện chim yến chết dương tính với virus H5N1 tại tỉnh Ninh Thuận, các cơ quan chức năng đã chỉ đạo thực hiện tích cực các biện pháp phòng chống dịch, do đó từ ngày 22/4 đến nay không còn hiện tượng chim yến chết tại các hộ và cơ sở nuôi chim trên toàn bộ địa bàn thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, Ninh Thuận. Toàn bộ cơ sở nuôi chim yến tại đây đã được vệ sinh, khử trùng và đàn chim yến khỏe mạnh vẫn tiếp tục về làm tổ.
Theo giaoduc