Phát hiện nhiều dấu vết của nước trên sao Hỏa
Những bức ảnh mới nhất được gửi về cho thấy có sự xuất hiện của những khối cuội kết cổ. Đây là loại đá được tạo thành từ sỏi và cát. Các nhà khoa học cho rằng với kích cỡ và hình dạng tròn của đá cuội trong khối đá này cho thấy chúng đã bị nước cuốn đi và bào mòn. Và rất có thể Curiosity đã tìm được một mạng lưới các dòng suối cổ.
Hình ảnh cho thấy sao Hỏa có thể từng có nước
Theo miêu tả của NASA trong buổi công bố thông tin tại phòng thí nghiệm Jet Propulsion, California, những tảng đá này có thể đã được tạo thành từ “vài tỷ năm trước”. Nhưng các dòng suối thực sự có thể đã chảy qua bề mặt của các tảng đá trong một thời gian dài. “Chúng tôi dự đoán rằng hiện tượng này có thể diễn ra trong vài ngàn tới vài triệu năm”, nhà khoa học Bill Dietrich của đại học California, Berkeley nhận định.
Các vệ tinh tại sao Hỏa từ lâu đã chụp được hình ảnh các rãnh trên bề mặt “hành tinh đỏ” bị cắt ngang bởi một dạng dòng chảy, được cho là nước. Phát hiện của Curiosity tại địa điểm hạ cánh trên miệng núi lửa Gale gần xích đạo đã đem đến bằng chứng thực sự đầu tiên cho những giả thuyết này.
Rất may mắn robot thăm dò của NASA đã tình cờ di chuyển qua một khối cuội kết tuyệt vời. Đó là một phiến đá lớn, dày từ 10 – 15 cm và nằm nhô ra khỏi mặt đất. “Chúng tôi đặt tên nó là Hottah”, nhà khoa học John Grotzinger của dự án thăm dò sao Hỏa cho biết.
“Với chúng tôi nó như thể đã có ai đó đi khắp bề mặt sao Hỏa và dùng một chiếc búa chèn cậy hết vỉa hè lên, giống như bạn từng thấy ở các công trường xây dựng ở trung tâm Los Angles”, ông Grotzinger đùa vui. Các nhà khoa học hiện đang nghiên cứu các bức ảnh về sỏi cuội trong phiến đá này. Kích thước và hình dạng của chúng có thể gợi mở về tốc độ và khoảng cách của các dòng nước cổ.
Thanh Tùng Theo BBC(dantri.com.vn)