Nhân quả báo ứng: Phát lời thề độc quả nhiên ứng nghiệm
Lòng dạ đã hiểm ác lại còn phát lời thề độc. Cuối cùng, những gì diễn ra sau đó quả thật ứng nghiệm với lời thề “người chết nhà tan, tuyệt tử tuyệt tôn”.
Mẹ chồng tôi từ nhỏ đã mồ côi mẹ, ngay từ khi còn bé đã phải sống nhờ tại nhà của một người cô. Còn bố chồng tôi là một người tàn tật cần phải có người chăm sóc, vậy nên vừa khi chỉ mới mười mấy tuổi, mẹ chồng tôi đã kết hôn với bố chồng tôi.
Ngày ấy, gia đình bố chồng tôi có thể nói là một đại gia đình giàu có. Nhà có năm người con trai, bố chồng tôi là người con thứ 3, dưới ông còn có hai người em trai, ba người em gái đã xuất giá đều sống gần đó. Mẹ chồng tôi bởi vì gia cảnh bần hàn, trong cái nhà có đến hai, ba chục người này, bà là người phải làm việc nhiều nhất, cũng là người bị bắt nạt nhiều nhất.
Tháng 8 năm 1945, người em chồng nhỏ nhất lúc bấy giờ vẫn còn chưa lập gia đình, đang học ở Bắc Kinh. Khoảng thời gian nghỉ hè, bà nội dặn mẹ chồng tôi làm một đôi giày lót bông cho chú út vẫn còn đang đi học, chuẩn bị khi mùa đông đến thì có cái mà đi. Một ngày kia, vừa khéo cô em chồng thứ ba của mẹ chồng tôi về nhà mẹ để ở một thời gian, liền hỏi là ai may giày cho em trai? Bà nội nói là chị ba của con làm đấy, bởi vì chị ba của con là giỏi việc thiêu thùa nhất.
Tuổi tác của mẹ chồng và cô ba vốn tương đồng, cô ba trước nay vẫn thường hay khinh rẻ và bắt nạt mẹ chồng tôi. Cô lén lén đâm một cây kim lớn vào trong phần bông dưới đế giày, sau đó tố cáo lên với bà nội rằng : “Chị ba có đâm một cây kim lớn ở trong giày lót bông, nhằm ám hại em con đó mẹ”.
Bà nội nghe xong liền kiểm tra thử, quả nhiên là có chuyện này, liền đánh đập chửi mắng mẹ chồng tôi, cô ba cũng nhân cơ hội mà hùa theo đánh mắng mẹ chồng tôi, mẹ chồng tôi giải thích rằng cô ba đã dựng chuyện vu oan cho bà.
Chị dâu em chồng tranh cãi mãi không thôi. Cãi đến lúc cao trào nhất, cô ba liền chọn một bãi đất nhỏ, rồi cắm vào đó ba que củi, coi như là thắp hương vậy, quỳ trên mặt đất hướng lên trời mà thề: nếu như là cô hãm hại chị dâu, sau này hãy để cô tuyệt tử tuyệt tôn, người chết nhà tan. Vừa dập đầu vừa bái lạy.
Đợi cô ba phát thệ xong, mẹ chồng tôi cũng muốn thề, vừa mới mở miệng, liền bị người chị dâu cả (vợ người anh cả) bịt miệng, ra sức kéo bà vào trong phòng.
Chính lúc ấy cũng là thời gian quân Nhật đầu hàng, mưa to liên tục, nước lũ dâng cao, lại xảy ra ôn dịch, khắp nơi đều là người chết, còn có cúm gà, cúm heo. Hai cô em chồng bên nhà chồng và hai đứa con của cô ba đều bị nhiễm, một nhà tám người đã chết mất một nửa. Lại qua hơn một năm, chồng cô ba và hai cụ già cũng lần lượt qua đời, chỉ còn lại cô ba lẻ loi một mình, thật sự ứng nghiệm với lời thề “người chết nhà tan, tuyệt tử tuyệt tôn”.
Sau này, cô ba lại lần lượt cải giá vào hai gia đình, trước khi bà nội qua đời, cô cũng từng về thăm hỏi mẹ mình. Về sau nghe nói, lại chuyển đến vùng Kê Tây của Hắc Long Giang. Nếu như vẫn còn sống, nghĩ cũng đã gần trăm tuổi rồi, đây là câu chuyện có thật xảy ra ở nhà mẹ chồng tôi.
Trong nền văn hóa truyền thống từ xa xưa, những câu chuyện lời thề ứng nghiệm thì quả thật là nhiều vô số kể. Vậy nên mới nói rằng: “Họa phúc vốn không có cửa, chỉ là con người tự mình rước lấy mà thôi”, và phát lời thề độc tự chuốc đau thương là vậy. Một lời thề nặng tựa như núi, con người ta chính là phải xem trọng lời thề.
Tác giả: Vũ Hoàn
Hồng Khang, dịch từ zhengjian.org