64% người dân Hồng Kông phản đối “Luật An ninh Quốc gia phiên bản HK”
Chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã cưỡng ép ban hành “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông” khiến dư luận lên án mạnh mẽ. Trong một cuộc phỏng vấn thăm dò gần đây, 64% người dân Hồng Kông đã phản đối việc ĐCSTQ bỏ qua Hội đồng Lập pháp để ban hành “Luật An ninh Quốc gia” đối với Hồng Kông.
Tờ “Minh Báo” của Hồng Kông mới đây đã ủy quyền cho Trung tâm khảo sát ý kiến và truyền thông của Đại học Trung Văn Hồng Kông, phỏng vấn 815 người về các vấn đề liên quan. Trong đó, 64% số người được phỏng vấn phản đối việc ĐCSTQ bỏ qua Hội đồng Lập pháp để tự ý ban hành luật pháp và 24,3% bày tỏ sự ủng hộ.
Trước đó, vào ngày 28/5, Đại hội Đại biểu toàn quốc ĐCSTQ đã biểu quyết thông qua dự thảo “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông”, điều này đã tạo ra một làn sóng phản đối mạnh mẽ từ người dân Hồng Kông và cộng đồng quốc tế.
Các chính trị gia ở Anh, Hoa Kỳ, Úc, Canada, Nhật Bản và các nước khác đã lên án ĐCSTQ vì đã đe dọa tự do dân chủ của người dân Hồng Kông và làm suy yếu quyền tự trị của Hồng Kông.
Vào ngày 29/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã giáng một đòn nặng nề, ra lệnh bãi bỏ vị thế thương mại đặc biệt của Hồng Kông, đồng thời áp dụng các biện pháp chế tài đối với các quan chức Trung Quốc và Hồng Kông.
Sau khi ban hành “Dự luật dẫn độ” vào năm ngoái, ĐCSTQ lại tiếp tục đề xuất “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông” khiến các cuộc biểu tình ở Hồng Kông càng lúc càng diễn ra mạnh mẽ.
Dự luật lần này cũng nhắm vào 4 loại hành vi mà tiến hành lập pháp, bao gồm các vấn đề liên quan đến “lật đổ quyền lực nhà nước, chia rẽ đất nước, hoạt động khủng bố và sự can thiệp từ các thế lực bên ngoài”.
Trong Điều 23 của “Luật cơ bản” Hồng Kông quy định rằng Hồng Kông sẽ lập pháp để cấm các loại hành vi như phản quốc, chia rẽ đất nước, kích động nổi loạn, lật đổ ĐCSTQ và đánh cắp bí mật nhà nước; cấm các tổ chức hoặc các nhóm chính trị nước ngoài thực hiện các hoạt động chính trị ở Hồng Kông, và cấm Hồng Kông thiết lập liên lạc với các tổ chức hoặc nhóm chính trị ở nước ngoài.
Chính phủ Hồng Kông đã từng thúc đẩy việc ban hành luật này từ năm 2002 đến 2003, nhưng nó đã gây ra một sự phản đối mạnh mẽ trong người dân Hồng Kông, khiến 500.000 người Hồng Kông phải xuống đường để biểu tình kháng nghị. Từ đó, việc lập pháp cũng rơi vào trạng thái “quên lãng”.
Sau hơn 10 năm bị “quên lãng” cộng thêm việc “Dự luật dẫn độ” bất thành đã khiến ĐCSTQ cho rằng Hội đồng Lập pháp Hồng Kông không có khả năng hoàn thành việc lập pháp, do đó tại Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc, Trung Quốc đã quyết định đề xuất “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông” và ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc xây dựng luật liên quan và hoàn thành luật pháp ở cấp quốc gia, sau đó đưa vào Phụ lục III của “Luật cơ bản” Hồng Kông, yêu cầu chính phủ Hồng Kông ban hành luật này.
Đảng Dân chủ Hồng Kông cho rằng việc ĐCSTQ ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc “trực tiếp ban hành luật” mà không thông qua Hội đồng Lập pháp Hồng Kông cho thấy Hồng Kông đã mất đi quyền tự lập pháp, đồng thời cũng phá hủy “một quốc gia, 2 chế độ” của Hồng Kông, biến những lời hứa như “người Hồng Kông cai trị Hồng Kông”, “mức độ tự trị cao”… của ĐCSTQ đối với Hồng Kông đều trở thành vô nghĩa.
Những năm gần đây sự bất mãn của người dân Hồng Kông đối với chính phủ càng lúc càng dâng cao. Đảng Dân chủ lo ngại rằng sau khi dự luật này được thực thi, các cuộc biểu tình trên đường phố hoặc những phát biểu thể hiện sự bất mãn với chính phủ sẽ bị truy tố là “vi phạm an ninh quốc gia”.
Ngoài ra, trong làn sóng phản đối “Dự luật dẫn độ” đang diễn ra mạnh mẽ, nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế đã bày tỏ sự lo ngại và phản đối. Nhiều người Hồng Kông lo lắng rằng trong tương lai những hành động này có thể sẽ bị gán nhãn là “sự can thiệp của lực lượng nước ngoài tại Hồng Kông”. Nếu vi phạm nhân quyền xảy ra ở Hồng Kông, thì cộng đồng quốc tế sẽ khó có thể can thiệp hỗ trợ.
Gia Hưng (Theo NTDTV)