Indonesia: Động đất 7,1 độ richter khiến người dân hoảng sợ
Trưa nay, một trận động đất mạnh 7,1 độ richter đã xảy ra tại khu vực vùng núi phía Đông Indonesia khiến nhiều người dân phải chạy ra khỏi nhà vì hoảng sợ. Tuy nhiên không có thương vong hay thiệt hại về tài sản.
Thông tin được hãng tin AP và AFP đăng tải dẫn thông tin từ Cơ quan địa chất và khí tượng Indonesia tại Jakarta và Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ. Theo đó tâm chấn xảy ra ở độ sâu khoảng 75km tại khu vực vùng núi hẻo lánh của tỉnh Papua.
Ông Ali Imran, đại diện Cơ quan địa chất và khí tượng Indonesia cho biết tâm chấn nằm cách khu dân cư Tolikara của tỉnh Papua khoảng 56 km về phía Đông Bắc. Vụ động đất không gây cảnh báo sóng thần do nằm trong khu vực đồi núi, ông Imran cho biết thêm.
Tuy không gây thiệt hại về vật chất nhưng theo một số người dân địa phương, rung chấn mạnh khiến họ hoảng sợ chạy ra khỏi nhà. “Trận động đất rất mạnh. Nó khiến chúng tôi hoảng sợ…vợ tôi hét lên còn lũ trẻ bật khóc”, ông Yosef Roa sống tại Tolikara thuật lại trước khi cho biết thêm không có thiệt hại với nhà cửa ở khu vực xung quanh do hầu hết đều chỉ làm bằng gỗ, đơn sơ.
Vẫn theo ông Imran, rung chấn của trận động đất còn được cảm nhận ở nhiều khu vực tại Papua trong đó có thủ phủ Jayapura, thị trấn Timika và Wamena. Nhiều người dân đã chạy ra khỏi nhà và ở ngoài khá lâu do lo ngại còn có rung chấn tiếp tục xảy ra.
Tại Jayapura nhiều nhân chứng khẳng định với hãng tin AFP rằng rung chấn là rất mạnh và hàng trăm người đã đổ ra đường. Narsi Bay cho biết cô đang có cuộc họp ở tầng hai tại một khách sạn ở Jayapura thì thấy bị “rung lắc mạnh”. “Tôi chạy xuống đất nhanh nhất có thể bởi tôi sợ tòa nhà sẽ sập”, nhân chứng 21 tuổi chia sẻ.
“Tôi thấy đèn, bàn và ghế rung lắc. Một số người la hét vì hoảng sợ và hô hoán mọi người trong khách sạn chạy ra ngoài”, Narsi cho biết thêm.
Trong khi đó, ông Suharjono, đại diện cơ quan khí tượng, thời tiết và địa chất Indonesia cho biết rung chấn được cảm thấy mạnh nhất tại thành phố Mulia. Nó đủ mạnh để “khiến mọi người thức dậy nếu đang ngủ và làm vỡ cửa sổ nhưng không khiến các ngôi nhà bị sập”, Suharjono khẳng định.
Kể từ sau vụ động đất cực mạnh ngoài khơi tỉnh Aceh gây sóng thần năm 2004 đến nay, người Indonesia rất cảnh giác với động đất. Vào thời điểm đó 170.000 người tại đảo Sumatra và hàng chục nghìn người tại các nước xung quanh đã thiệt mạng.
Theo Dantri