YouTube thừa nhận xóa các bình luận chống ĐCSTQ và gọi đó là “lỗi hệ thống”
Đại diện YouTube mới đây thừa nhận kênh video của họ đã xóa một số cụm từ bình luận bằng tiếng Trung có nội dung chỉ trích Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), và cho biết đó là do do ‘lỗi hệ thống’, Epoch Times đưa tin.
“Đây dường như là một lỗi trong cơ chế thực thi hệ thống của chúng tôi và chúng tôi hiện đang điều tra chuyện này”, phát ngôn viên của YouTube nói với tờ Verge.
Một tuần trước đó, Epoch Times đã nêu ra thắc mắc trên với Google – công ty sở hữu YouTube. Công ty này đã không thừa nhận việc xóa bình luận, mặc dù đã có bằng chứng đầy đủ.
Ngày 13/5, việc các bình luận biến mất được cô Jennifer Zeng ghi nhận. Cô Zeng, một blogger và chủ một tài khoản trên kênh YouTube đã đăng các tin tức, bình luận có nội dung liên quan đến Trung Quốc.
Cô Zeng cũng đăng video chứng minh việc Youtube xóa bình luận và được nhiều người xác nhận. Vấn đề này cũng được Đài Loan đưa tin.
Tờ Verge cho biết, một số người dùng đã phàn nàn về việc Youtube xóa các bình luận sớm nhất là vào tháng 10/2019 trên các trang trợ giúp chính thức của YouTube.
Một cụm từ bị cấm rõ ràng là “Cộng Phỉ” (共匪), có nghĩa là tên cướp cộng sản, một cách gọi có từ thời nội chiến Trung Quốc.
Một cụm từ khác đã bị xóa là “Ngũ mao” (五毛), có nghĩa là “5 hào (50 xu)”, thường được sử dụng để mô tả đội ngũ dư luận viên trên internet mà ĐCSTQ sử dụng để tuyên truyền trực tuyến. Nhiều tin tức cho biết mỗi dư luận viên sẽ được trả trả khoảng 50 xu cho mỗi bài bình luận.
Epoch Times đã kiểm tra cả hai cụm từ liên tục trong các tài khoản YouTube và các video khác nhau, kết quả thu được đều luôn giống nhau. Các bình luận đã bị xóa trong khoảng 20 giây.
Ngày 26/5 trong một bức thư, Dân biểu – Jim Banks của bang Indiana đã đặt câu hỏi với Google về việc xóa bình luận, yêu cầu họ phác thảo chính sách ngăn chặn sự chỉ trích của nhóm tuyên truyền trên internet của ĐCSTQ.
Ông chỉ ra, Google một mặt nói rằng họ không thể kiểm soát việc buôn bán chất gây nghiện, khủng bố hoặc các nội dung bất hợp pháp. Do đó cần có sự bảo vệ từ trách nhiệm đối với nội dung của người dùng theo Mục 230 của Đạo luật về Thông tin truyền thông, nhưng mặt khác, công ty có đủ nguồn lực để ngăn chặn sự chỉ trích về một chế độ độc tài tàn bạo.
Dính dáng với ĐCSTQ
Google đã nhiều lần bị lên án gay gắt vì thái độ nhúng nhường trước ĐCSTQ.
Kể từ năm 2018, công ty này đã hợp tác với một cơ quan nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) hàng đầu tại Đại học Thanh Hoa (Tsinghua), một tổ chức học thuật uy tín của Trung Quốc và đang nghiên cứu AI cho quân đội Trung Quốc.
Google cũng phải đối mặt với những lời chỉ trích sau khi bị tiết lộ rằng, họ đang bí mật phát triển một ứng dụng tìm kiếm kiểm duyệt cho thị trường Trung Quốc, như một phần của dự án có tên Dragonfly (chuồn chuồn).
Intercept tiết lộ thông tin rò rỉ, ứng dụng Google được thiết kế để liên kết lịch sử tìm kiếm của người dùng với số điện thoại của họ, giúp chính quyền Trung Quốc nhắm mục tiêu vào người bất đồng chính kiến dễ dàng hơn.
Các nhà lập pháp, những người ủng hộ nhân quyền và thậm chí một số nhân viên của Google đã lên tiếng chống lại dự án, do đó nó dường như đã bị gác lại.
Google đã chạy phiên bản kiểm duyệt công cụ tìm kiếm tại Trung Quốc từ năm 2006-2010, nhưng đã dừng lại sau khi phát hiện một cuộc tấn công mạng có nguồn gốc từ Trung Quốc, đã nhắm vào tài khoản Google của hàng chục nhà hoạt động vì nhân quyền Trung Quốc.
Sự lạm quyền của ĐCSTQ
Theo các cơ quan giám sát, chính quyền Trung Quốc là một trong những tổ chức lạm dụng nhân quyền tồi tệ nhất thế giới. Trong những thập kỷ gần đây, chế độ này đã giết chết hàng trăm ngàn tù nhân lương tâm, bán nội tạng của họ để cấy ghép. Thông tin này đã được xác nhận dựa trên nghiên cứu sâu rộng về tội ác của ĐCSTQ, xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2006.
Năm 2019, một tòa án độc lập ở London kết luận rằng, việc cưỡng bức mổ cướp nội tạng các tù nhân lương tâm ở Trung Quốc đã diễn ra nhiều năm với quy mô rất lớn, và vẫn tiếp tục xảy ra cho đến ngày nay.
ĐCSTQ điều hành hệ thống kiểm duyệt internet tinh vi nhất thế giới, sử dụng hàng chục ngàn người để xóa nội dung theo cách thủ công, tạo các bài đăng và nhận xét tiêu cực hoặc tích cực dựa trên các chỉ thị của chính quyền.
Bắc Kinh yêu cầu các công ty nước ngoài đang hoạt động tại Trung Quốc phải kiểm duyệt các chủ đề mà họ cho là nhạy cảm, như: dân chủ, nhân quyền, cuộc đàn áp các học viên Pháp Luân Công, Kitô hữu ngầm, khu vực Nội Mông, các nhà hoạt động nhân quyền và những người khác. Các công ty này cũng buộc phải chia sẻ với chính quyền Trung Quốc bất kỳ dữ liệu nào của họ lưu trữ tại đại lục.
Giám đốc điều hành Google – Sundar Pichai trước đây đã nói rằng, công ty đã đầu tư vào Trung Quốc trong nhiều năm và đang có kế hoạch tiếp tục làm như vậy.
Chính quyền Trump đã tập trung mạnh vào việc đẩy lùi tham vọng bành trướng của ĐCSTQ, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ và hệ thống mạng.
“Chúng ta cần đảm bảo các công ty của chúng ta không thực hiện các thỏa thuận tăng cường quân đội đối thủ hoặc thắt chặt đàn áp tại các khu vực của quốc gia đó,” Ngoại trưởng Mike Pompeo nhấn mạnh.
Thiện Thành (Theo Epoch Times)