Cây tre trong nghệ thuật truyền thống: Biểu tượng của sự kiên cường và trường thọ
Tre trúc luôn là hình ảnh quen thuộc trong các bức tranh nghệ thuật truyền thống Á Đông. Thời cổ đại, tre đại diện cho các giá trị đạo đức trong Nho Giáo như thẳng thắn, kiên cường, thông tuệ. Trong nhiều thế kỷ, các họa sĩ Á Đông đã tạo nên vô số bức tranh tre để đời trên nhiều vật liệu khác nhau như giấy cuộn, màn cửa,…, đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Ngoài việc có nhiều công dụng trong đời sống, tre trúc còn là loài cây có vẻ đẹp giản dị thu hút các họa sĩ. Hình ảnh hoa tre hay ngọn tre đung đưa trong gió,… luôn mang một vẻ đẹp có tính nghệ thuật và khiến tâm hồn người ta trở nên thư thái. Đây là một trong những đề tài phổ biến và đơn giản nhất trong các bức tranh thủy mặc của Trung Quốc và Nhật Bản. Tre trúc được vẽ bởi mọi đối tượng, từ học sinh cho đến các họa sĩ nổi tiếng suốt nhiều thế kỷ.
Nghệ thuật tranh tre trúc ở các nước Á Đông luôn có lịch sử lâu đời và mang ý nghĩa sâu sắc hơn nhiều so với hầu hết chúng ta vẫn nghĩ. Vậy ý nghĩa đằng sau một bức tranh tre là gì? Những họa sĩ nổi tiếng thời cổ đại chuyên vẽ tranh tre là ai? Tất cả sẽ được khám phá trong bài viết sau đây.
1. Tre trúc ở châu Á
Tre trúc là loài cây phổ biến ở châu Á. Nó được tìm thấy ở các khu vực phía Đông và phía Nam của châu lục. Các quốc gia nổi tiếng nhất về nghệ thuật vẽ tre trúc là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam.
Thân tre trúc rất chắc chắn nhưng cũng lại mềm dẻo. Loài cây này xanh tốt quanh năm và hiếm khi trổ hoa. Chúng có thể sinh trưởng tốt trong mọi điều kiện thời tiết. Sau khi bị đốn hạ, chúng sẽ nhanh chóng phát triển trở lại. Ở Trung Quốc, tùng, trúc, mai được biết đến là “ba bạn hữu trong gió rét” (Tuế hàn tam hữu). Vì chúng có thể chịu được sự khắc nghiệt của thời tiết và vẫn nở hoa hoặc xanh tốt trong suốt mùa đông.
Tre có nhiều công dụng khác nhau như: làm vật liệu xây dựng nhà, thức ăn (măng), đồ dùng gia dụng, giấy, vũ khí,…
2. Ý nghĩa của tre
Thời Trung Quốc cổ đại, tre đại diện cho các giá trị đạo đức trong Nho Giáo. Người có ý chí kiên cường thường được ví như cây tre, đó là đủ linh hoạt, mềm dẻo để ứng phó với những khó khăn trong cuộc sống, và vẫn bền bỉ, cứng cỏi để đứng vững và tiếp tục phát triển vươn lên. Ngoài ra, ruột tre được xem là biểu tượng của trí tuệ thông suốt, không bị những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực quấy nhiễu. Tre có tuổi thọ dài, nên loài cây này còn là biểu tượng của sự trường thọ. Sự ngay thẳng và kiên định của tre cũng đại diện cho đức hạnh của con người.
Những điều trên là ý nghĩa cơ bản của tre trong nghệ thuật Trung Hoa và các quốc gia Đông Á khác. Tranh tre trúc truyền thống vừa là một loại tranh vẽ vừa là một loại thư pháp. Chúng được vẽ bằng cùng một loại mực và cùng kiểu đường nét giống như trong thư pháp Trung Hoa. Thông thường, trên nhiều bức tranh tre trúc truyền thống Trung Hoa (và cả các nước láng giềng) sẽ viết một bài thơ được đề tựa để ca ngợi và lý giải ý nghĩa của nó.
Trong hội họa Trung Hoa, cúc, trúc, mai, lan là bộ “tứ quý” đại diện cho 4 mùa trong năm. Cụ thể, hoa lan là biểu tượng của mùa xuân, trúc mùa hè, cúc mùa thu và mai là mùa đông. Trong nghệ thuật Trung Hoa, mỗi loài cây này thường đại diện cho mỗi mùa trong năm và được vẽ đặc trưng trong cảnh quan của các mùa. Trúc thường được vẽ kết hợp với tùng và mai. Ngoài ra trong các bức tranh, tre còn được phác họa bên cạnh những động vật như: khỉ, gấu, chim sẻ…
Theo thời gian, những bức tranh này trở nên rất phổ biến ở Trung Quốc cổ đại, đến nỗi tre trúc đã trở thành một chủ đề trong các kỳ thi của Hoàng gia cùng với thư pháp.
Ở một số nước Á Đông như Trung Quốc và Nhật Bản, các bức tranh cuộn hoặc tranh treo tường vẽ tre trúc trong các ngôi chùa Phật Giáo không phải là điều hiếm thấy. Chúng giúp cho các nhà sư cảm thấy được hòa hợp với thiên nhiên.
Các danh họa Trung Quốc
Ở Trung Quốc cổ đại có một số nghệ sĩ nổi tiếng là bậc thầy về vẽ tre trúc. Nổi tiếng nhất trong đó là họa sĩ Văn Đồng (1018 – 1079 TCN). Ông đến từ Tứ Xuyên và có niềm đam mê lớn với tre. Ông vẽ tre rất giỏi. Ông có thể cùng lúc vẽ hai cây tre bằng hai cây cọ trong cùng một tay. Ông còn rất điêu luyện trong kỹ thuật vẽ lá tre theo kiểu thư pháp.
Vương Phất (1362 – 1416) là một họa sĩ vẽ tranh tre nổi tiếng khác. Ông là họa sĩ, nhà thư pháp, họa sĩ vẽ phong cảnh và nhà thơ thời kỳ đầu triều đại nhà Minh. Ông thường vẽ tranh tre bằng các đường thư pháp, ngoài ra ông còn vẽ cả các tranh phong cảnh từ đơn giản đến phức tạp. Tranh của ông khiến nhiều người rất ấn tượng.
Hạ Sướng (Xia Chang) (1388 – 1470) là họa sĩ được truyền cảm hứng từ các tác phẩm của Vương Phất và đã trở nên nổi tiếng theo cách riêng. Danh tiếng của ông đã lan ra khắp phía đông châu Á, các bức họa của ông rất nổi tiếng ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Hạ Sướng là một nhà thư pháp điêu luyện và biết phát huy hết kỹ năng của mình. Ông thường sử dụng một kỹ thuật thư pháp theo phong cách chữ viết cổ của Hoàng gia để vẽ lá tre và dùng chữ thảo để vẽ cỏ quanh gốc tre.
Quản Đạo Thăng (1262 – 1319) là một nữ thi nhân, họa sĩ và nhà thư pháp. Bà là vợ của học giả, họa sĩ, nhà thư pháp nổi tiếng Triệu Mạnh Phủ thời nhà Nguyên. Bà rất giỏi vẽ tranh về các loại trúc. Bà thường dùng những nét vẽ nhẹ nhàng, uyển chuyển để tạo nên những bức tranh trúc đầy ấn tượng. Những bài thơ mang phong cách khác lạ so thời bấy giờ của bà cũng làm tăng thêm vẻ thanh nhã cho bức tranh.
Một họa sĩ vẽ tranh tre đáng chú ý khác là nhà sư Thiền tông Dapeng Zhenkun (1691-1774), hay còn gọi là Taiho Seikon, một nhà sư thuộc phái Phật giáo Thiền Obaku. Ông đã cho ra đời một số tác phẩm tuyệt vời về tre. Các bức tranh của ông thường có những cây tre lớn làm tâm điểm của toàn bức tranh. Vào năm 1722, sau khi nhà Minh sụp đổ, ông đã di cư đến Nhật Bản và xây dựng ngôi đền Obaku. Ông chính là một trong số những nhà sư Obaku Thiền tông mang văn hóa của nhà Minh đến Nhật Bản trong thời kỳ Tokugawa.
Video cách vẽ tranh tre
Tranh tre Nhật Bản
Tại Nhật Bản và nhiều quốc gia Đông Á khác, tranh tre cũng được vẽ trên giấy. Chúng mang những ý nghĩa tương tự như ở Trung Quốc. Thực tế, phần lớn nghệ thuật Nhật Bản chịu ảnh hưởng chủ yếu từ nghệ thuật truyền thống Trung Quốc qua nhiều thế kỷ và kết quả là nhiều bức tranh tre cuộn của Nhật Bản rất giống với tranh Trung Quốc.
Ngoài ra, tre trúc cũng là một chủ đề phổ biến trong các thể loại nghệ thuật khác của Nhật Bản như: nghệ thuật thiền và ukiyoe (tranh Phù thế), cùng nhiều thể loại mang phong cách khác nhau của Nhật Bản trước thời kỳ Edo (1603 – 1868). Một số nghệ sĩ nổi tiếng nhất của Nhật Bản như Hasegawa Tohaku, Katsushika Hokusai, và Ando Hiroshige đã vẽ nên những bức tranh tre ấn tượng và đầy màu sắc.
Trước khi có sự xuất hiện của dòng tranh ukiyo-e vào thời Edo (thời kỳ đại đa số thường dân đều có thể thưởng thức nghệ thuật), các bức tranh tre theo phong cách Trung Quốc chỉ được dành riêng cho giới quý tộc và hoàng tộc Nhật bản. Tranh tre là một trong những bức tranh phổ biến nhất được vẽ cho giới thượng lưu. Trường nghệ thuật Kano có một số bức tranh tre rất nổi bật trên nền vàng và trường Hasegawa có những bức tranh tre mù sương trên các tấm cửa.
Tranh tre Hàn Quốc
Tranh tre là một trong những loại hình nghệ thuật chính của Hàn Quốc kể từ triều đại Choson (1392 – 1897). Tuy nhiên, nó đã tồn tại từ thời xa xưa trong thời Koryo (918 – 1392 TCN).
Trong thời kỳ Choson, tranh tre trúc có vai trò rất quan trọng, đến mức nó đã trở thành thứ đầu tiên được dùng để thử tài nghệ của các họa sĩ trong các cuộc thi của triều đình.
Tương tự như Nhật Bản, nghệ thuật tranh Hàn Quốc cũng chịu sự ảnh hưởng mạnh mẽ của phong cách hội họa Trung Quốc. Theo đó, các họa tiết tre trúc được sử dụng phổ biến cả trong các bức tranh thủy mặc đơn sắc và gốm sứ. Trên các sản phẩm gốm sứ, hình ảnh tre trở nên nổi bật bên cạnh các loài động vật như chim sẻ, chim hạc và các loài cây như thông, nho, hoa cúc. Tranh tre Hàn Quốc thời kỳ này được chia theo 2 phong cách: phong cách bảo thủ (dùng đường nét phác thảo hình ảnh tre và sử dụng màu nước) và phong cách thư pháp (từng nét vẽ và nét cọ đều mang vẻ đẹp thanh nhã).
Một trong các họa sĩ nổi tiếng nhất Hàn Quốc là Yi Chong (1541 – 1622), hậu duệ của vua Sejong. Ông là một nhà thơ, nghệ sĩ và nhà thư pháp. Ông đã vẽ nên một số bức tranh tre đơn sắc tuyệt đẹp và chúng đã góp phần tạo nên ảnh hưởng lớn cho các họa sĩ tranh tre thời kỳ sau.
Hai họa sĩ trứ danh khác là Yu Tok-Chang (1694 – 1774) và Sin Wi (1769 – 1847). Cùng với Yi Chong, họ được xem là 3 họa sĩ vẽ tranh tre nổi tiếng của triều Choson.
Tranh tre trúc và nghệ thuật vẽ tre đã tồn tại trong nhiều thế kỷ. Các kỹ thuật tương tự được dùng để vẽ từ hàng nghìn năm trước vẫn được sử dụng đến tận ngày nay. Và khi nhiều người trên khắp thế giới đang học cách vẽ và viết về tre, chúng chắc chắn sẽ ngày càng trở nên phổ biến.
Hồng Liên, Theo Owlcation