Chết vẫn ôm con trong tay, tình mẫu tử 4.800 năm tuổi
Đây có thể là một trong những phát hiện khảo cổ vô cùng chấn động được tiến hành trong thời gian gần đây: Một bộ hài cốt hóa thạch gần 4.800 năm tuổi, của một bà mẹ đang ôm đứa con của mình trong vòng tay, đặt nằm trong ngôi mộ.
Tại thành phố Đài Trung, Đài Loan, các nhà khảo cổ học trong lúc đang khai quật một khu chôn cất hàng loạt của thổ dân Đài Loan thời tiền sử, đã phát hiện ra bộ hài cốt hóa thạch của một người mẹ trẻ và đứa con của cô.
Được biết, khu chôn cất này trước khi được đem ra khai quật, là do một nhà phát triển bất động sản phát hiện, trong lúc tiến hành đào thử khu đất, trước khi khởi công xây dựng. Công cuộc khai quật bắt đầu vào tháng 5/2014, và phải mất 1 năm để hoàn thành.
Theo Reuters, đây là 1 trong số 48 bộ hài cốt còn sót lại nguyên vẹn được tìm thấy vào năm 2014.
Những phát hiện khảo cổ này, chính là những dấu tích thời đầu của con người, được tìm thấy ở miền trung Đài Loan. Nhưng điều thu hút sự chú ý của các nhà khảo cổ học, chính là bộ hài cốt của hai mẹ con đang nằm ôm nhau trông rất xúc động.
Tiến sĩ Chu Whei-lee, người phụ trách, kiêm giám đốc Khoa Nhân chủng học tại Bảo tàng Khoa học Tự nhiên Quốc gia Đài Loan, đã phát biểu với tờ Reuters: “Khi bộ hài cốt được khai quật, toàn bộ các nhà khảo cổ học và các thành viên trong đội ngũ đều bàng hoàng. Vì sao? Bởi đó là một người mẹ đang nhìn xuống đứa con đang nằm trong vòng tay cô ấy”.
Người mẹ trong bộ hài cốt, được xác định là một phụ nữ trẻ trong độ tuổi từ 20 đến 25, cao 1,6m. Cô đang bồng một đứa trẻ trên tay trái và nhìn vào đứa bé.
Theo United Daily, ban đầu, các nhà khảo cổ nghĩ rằng đứa trẻ bị chết do sẩy thai hoặc sinh khó, nhưng sau khi xác định chiều cao của đứa trẻ là 50cm và cấu trúc xương cho thấy, đây là một trẻ sơ sinh 6 tháng tuổi, các nhà khảo cổ xác nhận, khả năng là cả hai mẹ con đã qua đời cùng nhau.
Nhưng nguyên nhân cái chết của hai mẹ con, cũng như chuyện gì đã xảy ra với họ thì vẫn còn là một ẩn số.
Để xác định tuổi đời của mẫu hóa thạch, các nhà khảo cổ đã áp dụng phương pháp định niên đại bằng carbon phóng xạ, dựa trên 4.000 mảnh gốm và 200 chiếc răng cá mập từ mẫu khảo cổ. Khả năng cao khu đất này trước đây gần với bờ biển.
Các di tích được tìm thấy có niên đại khoảng 4.800–5.000 năm tuổi, rơi vào giai đoạn đầu và giữa của thời đại đồ đá mới, và là một phần của nền văn hóa Dapenkeng.
Những mẫu khảo cổ này, có tuổi đời lâu hơn 1.000 năm so với những mẫu vật được phát hiện trước đấy.
Theo Bảo tàng Khoa học Tự nhiên Quốc gia Đài Loan, vào giai đoạn này, nam giới làm nhiệm vụ đánh cá và săn bắn, trong khi phụ nữ sử dụng công cụ bằng đá để thu hoạch mùa màng.
Theo tờ Taipei Times, địa điểm chôn cất hiện được gọi là “Di tích Anhe”, nằm gần giao lộ giữa Đường Anhe, Đại lộ Đài Loan và Đường Chaoma ở thành phố Đài Trung.
Người mẹ trong mẫu hóa thạch được coi là “Bà mẹ thời đầu của thành phố Đài Trung”. Bảo tàng Khoa học Tự nhiên Quốc gia Đài Loan đã thực hiện một video về mẫu khảo cổ với tiêu đề “Tài Trung của 5000 năm trước – Câu chuyện về một bà mẹ tại Anhe”.
Chúc Di
Theo theepochtimes.com