Xét nghiệm 10 “làng ung thư” tại Việt Nam – Kết quả mâu thuẫn
Ngày 21/12, Bộ Y tế cho biết đã có văn bản thông báo kết quả xét nghiệm tại 10 “làng ung thư” ở Việt Nam. Tuy nhiên kết quả này lại mâu thuẫn với kết quả trước đó của Bộ TN&MT.
Chiều 21/12, ông Đỗ Mạnh Cường, Phó Trưởng phòng Sức khỏe môi trường cộng đồng, Cục Quản lý môi trường, Bộ Y tế, cho biết Bộ ra văn bản này gửi Sở Y tế các tỉnh để thông báo tới người dân kết quả điều tra mà Bộ Y tế đã thực hiện để người dân yên tâm, không nên hoang mang, lo lắng.
Ông Cường cho biết mới đây Bộ TN&MT đã đưa ra kết quả điều tra, đánh giá về 10 làng có nguồn nước bị ô nhiễm nặng nghi ngờ nguyên nhân gây ung thư. Tuy nhiên, theo ông Cường, Bộ TN&MT không có chức năng, chuyên môn về y tế nhưng họ lấy mẫu nước, lấy số liệu về bệnh tật rồi đưa ra kết quả về bệnh tật. Do đó đã xảy ra sai số lớn, đặc biệt là sai số về tỉ lệ người mắc bệnh ung thư tại những địa phương này.
“Phương pháp điều tra của Bộ TN&MT không chính xác. Họ lấy mẫu nước mặt (nước sông) và nước ngầm để điều tra và nói rằng đó là nước sinh hoạt của người dân bị ô nhiễm nặng, gây ra tỉ lệ người mắc ung thư cao. Nhưng thực tế hiện nay người dân đâu có dùng nước sông, giờ các hộ gia đình đều dùng nước máy. Như vậy, kết quả điều tra mà Bộ TN&MT đưa ra là không có cơ sở khoa học, gây hoang mang cho người dân, cần lập hội đồng khoa học để làm sáng tỏ vấn đề” – ông Cường cho biết.
Về số liệu người mắc bệnh ung thư, ông Cường khẳng định số liệu điều tra của Bộ Y tế không khác biệt so với con số điều tra mà toàn quốc đã thực hiện.
Cụ thể, tỉ lệ mắc ung thư các làng đã điều tra dao động 73-169 trường hợp/100.000 dân, tương đương với tỉ lệ mắc ung thư chung của toàn quốc (tỉ lệ mắc mới ung thư tại Việt Nam là 135/100.000 dân đối với nữ và 181,3/100.000 dân đối với nam), thấp hơn so với tỉ lệ chung của thế giới (182/100.000 dân). Các loại ung thư chủ yếu gặp phải là ung thư gan, phổi, dạ dày, vòm, hầu họng, lưỡi, tử cung, máu, xương.
“Số liệu chúng tôi thu được từ các viện nghiên cứu đầu ngành của Bộ Y tế, theo đó tỉ lệ mắc ung thư tại những địa phương này đều nằm trong mức trung bình toàn quốc, không có gì khác biệt. Việc Bộ TN&MT dùng từ “làng ung thư” là không có cơ sở khoa học. Chúng tôi sẽ lập hội đồng khoa học để đánh giá lại vấn đề này, đồng thời sẽ mời Bộ TN&MT sang trình bày về kết quả điều tra của họ để các thành viên hội đồng khoa học đánh giá” – ông Cường nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Cục Quản lý môi trường y tế cũng cho biết: “Đây mới chỉ là khảo sát ban đầu, để có thể xác định nguyên nhân gây ung thư cần phải có những nghiên cứu dịch tễ học sâu hơn”.
Kết quả mâu thuẫn?
Trái với trước đó, theo thông tin từ năm 2015, Trung tâm quy hoạch và điều tra tài nguyên môi trường quốc gia thuộc Bộ TN-MT cho biết, tại 10 “làng ung thư” của Việt Nam có chất lượng nước chưa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và có số người chết do ung thư cao.
Dựa vào số liệu thống kê từ trang điện tử sunny-eco: Năm 2011, dự án “Điều tra, tìm kiếm nguồn nước hợp vệ sinh phục vụ cấp nước sinh hoạt cho một số “làng ung thư” của Việt Nam” giai đoạn 1 do Liên đoàn Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước miền Trung – Bộ Tài nguyên thực hiện đã điều tra 37 làng, trải dài trên khắp các tỉnh thành trong cả nước.
Trong đó, 10 làng được xác định là hậu quả của việc ô nhiễm nguồn nước thuộc các tỉnh Hà Nội, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Hà Nam, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Nam, Bình Định, Bình Thuận,Phú Thọ. Đã có tới 1136 người chết trong vòng từ 5-20 năm trở lại đây do mắc các bệnh ung thư khác nhau, trong đó nơi có nhiều người chết vì ung thư nhất là Thạch Khê, xã Thạch Sơn, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ với 136 người chết trong 10 năm vì nguồn nước nhiễm chất độc hóa học. Còn ở làng ít nhất cũng có 6 người chết. Tại làng Cờ Đỏ, xã Diễn Hải, huyện Diễn Châu (Nghệ An), khi điều tra có tới 5 người bị ung thư và 3 người trong đó đã chết.
Và danh sách công bố “10 làng ung thư” có nguồn nước ô nhiễm nặng nhất như sau:
1. Làng Thống Nhất, xã Đông Lỗ, H.Ứng Hòa, TP Hà Nội.
2. Làng Lũng Vỵ, xã Đông Phương Yên, H.Chương Mỹ, TP Hà Nội.
3. Làng Mẫn Xá, xã Văn Môn, H.Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.
4. Làng Thổ Vỵ, xã Tế Thắng, H.Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.
5. Làng Yên Lão, xã Hoàng Tây, H.Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.
6. Làng Cờ Đỏ, xã Diễn Hải, H.Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
7. Làng An Lộc, xã An Lộc, H.Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
8. Làng Phước Thiện, xã Bình Hải, H.Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
9. Làng Xuân Vinh, xã Hoài Mỹ, H.Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.
10. Làng Mê Pu, xã Mê Pu, H.Đức Linh, tỉnh Bình Thuận.
Tổng hợp