Vương Dương Minh đánh thổ phỉ: Phải có tâm học và trí tuệ thực tiễn
Theo thời gian trôi đi, Vương Thủ Nhân cuối cùng đã phát hiện ra rằng, chỉ hiểu triết học là chưa đủ, cả ngày luận bàn “Tâm học” thật không có hiệu quả gì,“Tâm học” không thể đánh được thổ phỉ. Ông lờ mờ cảm giác rằng, muốn lập nghiệp thành công cần phải có thứ công cụ khác nữa, đó chính là trí tuệ về thực tiễn.
Vương Dương Minh, còn gọi là Vương Thủ Nhân, là một trong những nhà triết học vĩ đại nhất trong lịch sử Trung Quốc. Triết học của ông tuyệt đối không phải triết học không tưởng trong thư phòng, đó là thứ triết học thực tế hữu dụng: áp dụng vào việc giúp ích cho nhân dân và đất nước, Vương Dương Minh có thể gọi là chính trị gia hàng đầu, những đối thủ tranh đua với ông cho dù mạnh mẽ thế nào cuối cùng cũng chịu thất bại; áp dụng trong chiến tranh, Vương Dương Minh là một nhà quân sự đáng sợ nhất, có sức mạnh vô địch.
Triết học của Vương Dương Minh gọi là Dương Minh Tâm học, cho rằng Tâm là nguồn gốc của vạn sự vạn vật, chỉ có cứu trị nhân tâm mới có thể cứu vãn xã hội, mới có thể giải quyết những vấn đề hiện thực xã hội. “Tâm học” không phải thứ học vấn trên giấy mà là trí tuệ của thực tiễn. Cuộc đời của Vương Dương Minh chứng minh cho triết học của ông. Ông không chỉ vĩ đại về tư tưởng mà còn vĩ đại cả trên phương diện hành động.
Triết học của Vương Dương Minh gọi là Dương Minh Tâm học, cho rằng Tâm là nguồn gốc của vạn sự vạn vật, chỉ có cứu trị nhân tâm mới có thể cứu vãn xã hội.
Câu chuyện diệt thổ phỉ Giang Tây
Công trạng của Vương Dương Minh có thể viết thành một bộ tiểu thuyết, bắt đầu từ năm Chính Đức thứ 11 (1516), Vương Dương Minh bình định nội loạn lập chiến công hiển hách. Ông mất nhiều năm dẹp loạn giúp dân tại 4 tỉnh biên giới gồm Giang Tây, Phúc Kiến, Hồ Nam, Quảng Đông; bình định phản loạn Ninh Vương ở Giang Tây, chinh phục tù trưởng vùng Quảng Tây, khai phá Nam Cương, bình định biên cương.
Năm Chính Đức thứ 12 (1517), Vương Thủ Nhân đến Giang Tây, bắt đầu nhậm chức Tuần phủ. Khi đó khu vực ông quản lý thịnh hành loại người đặc biệt gọi là thổ phỉ.
Đám thổ phỉ này tuyệt đối không đơn giản. Chúng không những người đông thế mạnh mà còn tác chiến dũng mãnh, thông tin nhanh nhạy, mỗi khi quan binh xuất kích nếu không vô ích thì cũng bị mai phục. Hiếm khi nào có đủ điều kiện để triển khai tác chiến.
Tại sao thổ phỉ có thể biết trước được hành vi của quan binh? Câu trả lời đơn giản là phải có nội ứng, nghĩa là trong quan phủ có nội ứng thổ phỉ.
Vương Thủ Nhân quyết định phải giải quyết những kẻ này. Thế rồi không lâu sau ông bất ngờ ban bố mệnh lệnh, chuẩn bị tập trung binh lực để tiêu diệt thổ phỉ. Nhưng mọi người thấp thỏm chờ đợi rất lâu mà vẫn không thấy có lệnh khai chiến. Thế rồi sau đó ông bỗng cho bắt một số thuộc cấp mà trước đó bị phát hiện “mất tích”.
Vậy là đã trúng kế của Vương Thụ Nhân. Trước tiên ông đưa ra thông tin, sau đó cho người theo dõi quan viên các cấp trong nha môn, nếu phát hiện có người ra ngoài bất thường lập tức ghi lại, sau khi trở về liền bị tóm ngay. Nhưng điểm cao minh nhất của ông là không giết hại những người này mà dùng đạo lý để thu phục, hỏi rõ nơi ở của gia đình họ cùng các thành viên trong nhà, nói vài câu mang tính an ủi như “mong sao thân mẫu, con gái của ngươi khỏe mạnh, chúng ta sẽ thường xuyên đi thăm họ”. Nhờ áp dụng chính sách khôn khéo, những người này lại bằng lòng trở thành nội ứng của phủ quan, thành gián điệp hai mang. Chiêu này khiến bọn thổ phỉ lúng túng, nhiều tên đầu xỏ bị sa lưới.
Vương tuần phủ quyết tâm diễn cho hết bài “Diệt thổ phỉ Giang Tây”, ông đưa ra tuyệt chiêu “thập gia bài pháp”. Có nghĩa là cứ 10 nhà làm thành một tổ, luân phiên kiểm tra nhau mỗi ngày, nếu xuất hiện vấn đề gì (ví dụ dư thừa nhân khẩu…- ND) thì 9 nhà kia đều liên lụy. Cách làm này quả vô cùng kinh khủng, nó khiến bọn thổ phỉ bản địa ngay đến ngày Tết cũng không dám về nhà, phải trốn trong núi sâu, vừa ăn nhai vỏ cây vừa chửi Vương Thủ Nhân.
Bọn thổ phỉ không cách nào chịu đựng được, chúng nghĩ chết kiểu này chẳng bằng liều mạng một phen!
Mềm cứng đều thua
Bọn thổ phỉ không biết rằng Vương Thủ Nhân không chỉ giỏi kinh sử sách vở mà còn là thiên tài về quân sự.
Thiên tài của ông nằm ở chỗ cách làm không theo bài vở trường lớp nào. Ông không những biết đánh trận mà còn vẽ ra nhiều kiểu đánh khác nhau. Phương pháp dụng binh của ông có thể dùng hai chữ để hình dung: kỳ lạ.
Sáng tạo binh pháp kỳ lạ
Về cách đánh trận, Vương Thủ Nhân thường không bao giờ giao chiến giáp mặt với địch mà dùng cách dương đông kích tây, địch nghĩ hướng Nam thì ông lại quay qua hướng Bắc, làm sao cho địch mất phương hướng.
Ông có những cách làm không theo lý lẽ thông thường, cho dù binh lực ít vẫn dám xuất chiến. Binh sĩ không đủ thì dùng mưu mẹo, không phải là đào hố mai phục gì đó, đây chỉ là chuyện bình thường. Kỳ lạ là cho dù chiếm ưu thế tuyệt đối thì ông cũng chỉ vây đối thủ lại như nhốt thùng sắt mà không tùy tiện phát động tấn công. Nếu thời gian cho phép ông sẽ làm cho đối thủ bị đói khiến dở sống dở chết, đợi khi đối phương đột phá vòng vây chui vào vòng mai phục ông mới cho tổng tấn công. Với những chiêu thức như vậy ít ai có thể chịu nổi.
Nói công bằng, trong cuộc sống thường ngày Vương Tuần phủ là người chính trực và trung hậu. Thế nhưng khi đánh trận ông lại lập tức biến thành người rất kiên quyết, cơ trí và uy nghiêm dứt khoát.
Thế rồi bọn thổ phỉ nhanh chóng kết thành liên minh, chúng tập trung binh lực chuẩn bị liều mình với Vương đại nhân. Thuộc cấp của Vương Thủ Nhân thấy thế có phần lo lắng, khuyên ông sớm có sự chuẩn bị. Nhưng Vương Thủ Nhân vẫn tỉnh bơ: “Cứ đến đây ta tóm hết một thể, như vậy đỡ mất công ta đi tìm chúng, có gì mà chuẩn bị?”
Câu nói này thế rồi cũng tới tai bọn thổ phỉ, chúng không khỏi thấy tức tối vì bị khinh thường, nhưng nhất thời vẫn chưa dám động thủ, vì đây cũng đang là thời cơ tốt để chúng chuẩn bị lực lượng.
Thế nhưng ngay trong lúc tưởng như yên bình nhất, bọn thổ phỉ đang trốn trong núi để tập trung binh lực thì Vương Thủ Nhân bất ngờ tập hợp quân đội tấn công quy mô lớn khiến đám thổ phỉ trở tay không kịp, bị bao vây trong núi Cán Nam không thoát ra được.
Nhưng sau khi bao vây xong, Vương Thủ Nhân lại án binh bất động, lờ đi cứ như việc này không do mình làm. Bọn thổ phỉ sốt ruột nhưng cũng không thể ra ngoài được, lương thực thì không đủ ăn.
Không còn cách nào, khi bị dồn đến đường cùng thì phải tìm cách phá vòng vây. Trong khi đám thổ phỉ đang mải tiến lên trước chuẩn bị tấn công phá vòng vây thì số đông binh mã của phủ quan tiến lên vây chặn phía khiến đường lui của đám thổ phỉ cũng bị chặn lại, cuối cùng chúng bị đánh tan tác khiến đa số chịu đầu hàng, một số nhỏ chạy thoát thân được.
Sau đợt dẹp loạn này Vương Thủ Nhân ngày càng nổi danh, một số kẻ chạy thoát trắng trợn tuyên truyền Vương Tuần phủ có 8 cái đầu, 9 cánh tay, lợi hại vô biên. Thế rồi bọn thổ phỉ còn lại bàn kế trong tình hình trước mắt chẳng bằng giả phục tùng, tạm thời dùng kế giả đầu hàng. Chúng nghĩ dù sao lão già Vương cũng chuẩn bị ra đi, đến lúc đó lại nổi dậy cũng chưa muộn.
Các thủ lĩnh thổ phỉ dắt tay nhau đi đến nha môn tuần phủ tỏ ý phục tùng theo sự quản lý của chính quyền, tỏ vẻ cải tà quy chánh, trở thành lương dân. Kỳ thực chiêu này cũng không tệ, nhưng với Vương đại nhân thì không thể qua mắt được.
Vì Vương đại nhân có thói quen tìm hiểu nguồn gốc lý lịch rõ ràng, phần thật phần giả trong những kẻ này ông đều nắm rõ. Thế rồi 2 ngày sau, bất ngờ Vương đại nhân nổi loạn, cho xử tội chết vài người. Vốn là mấy người này trước đây từng giả đầu hàng triều đình, vì thế ông hiểu rõ thủ đoạn lưu manh của chúng. Với chiêu “giết gà cho khỉ xem” này, những kẻ còn lại không ai dám cựa quậy nữa, bọn còn lại từ giả đầu hàng biến thành đầu hàng thật.
Thế là bọn thổ phỉ Giang Tây gây phiền nhiễu cho triều đình hơn chục năm trời nhưng Vương Thủ Nhân chỉ mất vài tháng đã thanh toán xong.
Chủ ý “tri hành hợp nhất”
Vấn đề diệt thổ phỉ Giang Tây nếu đặt trong suốt thời lịch sử triều Minh thì cũng không có gì đáng để xem trọng, nhưng đối với Vương Thủ Nhân lại có ý nghĩa không nhỏ.
Cần nhìn vào dòng lịch sử để thấy rõ muốn trở thành triết gia phải có tối thiểu 2 điều kiện: Thứ nhất là chỉ số thông minh phải thuộc loại siêu hạng; thứ hai là cần có đủ thời gian nhàn rỗi.
Có thể nói Vương Thủ Nhân có đủ 2 điều kiện này, vì thế mà ông đã trở thành nhà triết học, còn đám thổ phỉ Cán Nam thì lại xuất hiện kịp lúc để cho ông có cơ hội đột phá.
Theo thời gian trôi đi, Vương Thủ Nhân cuối cùng đã phát hiện ra rằng, chỉ hiểu triết học là chưa đủ, cả ngày luận bàn “Tâm học” thật không có hiệu quả gì,“Tâm học” không thể đánh được thổ phỉ. Ông lờ mờ cảm giác rằng, muốn lập nghiệp thành công cần phải có thứ công cụ khác nữa, đó chính là trí tuệ về thực tiễn.
Theo daikynguyenvn.com/NTDTV