Vì sao Putin không đánh chặn tên lửa Tomahawk của Mỹ?
Sau hành động Mỹ phóng hơn hàng chục tên lửa hành trình vào Syria hôm 7/4, nhiều người đặt câu hỏi vì sao Nga khoanh tay đứng nhìn mà không kích hoạt hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 để ngăn chặn cuộc tấn công này?
Giới quan sát lâu nay vẫn thắc mắc liệu Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ làm gì nếu bị thách thức trực tiếp trong vấn đề Syria. Bất ngờ, sáng 7/4, Mỹ phóng loạt tên lửa hành trình Tomahawk từ tàu USS Ross và USS Poter ở đông Địa Trung Hải, nhắm tới các mục tiêu tại căn cứ Shayrat thuộc tỉnh Homs, Syria. Đây được xem như một đòn giáng vào nỗ lực phá băng quan hệ Nga – Mỹ.
Phía Mỹ đã thông báo cho Nga trước khi tiến hành cuộc tấn công bởi thời điểm đó, vẫn còn các sĩ quan Nga đồn trú tại căn cứ bị ngắm bắn. Với thông tin này, Nga hoàn toàn có thể tìm cách ngăn chặn các tên lửa Mỹ. Tuy nhiên, Moscow không làm vậy. Lý do là gì?
Tạp chí chuyên về khoa học – công nghệ Popular Mechanics bắt đầu tìm câu trả lời bằng cách đánh giá hoạt động quân sự của Nga ở Syria.
Quân đội chính phủ Syria có triển khai các hệ thống phòng không Nga nhưng chúng đều đã cũ nên không đủ khả năng xử lý cùng lúc nhiều tên lửa hành trình.
Nga cũng đã chuyển các hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân S-300 và S-400 tới Syria nhằm bảo vệ những căn cứ Syria. Song vấn đề nằm ở chỗ tất cả những hệ thống hiện đại trên đều chỉ được triển khai tại các cơ sở của Nga. Theo Bộ Quốc phòng Nga, các hệ thống S-400 và Pantsir hiện đặt ở căn cứ Hmeymim, gần sân bay al-Assad, và căn cứ hải quân Nga tại Tartus.
Dù vậy, căn cứ Syria bị tấn công nằm cách hai địa điểm trên không quá xa. Moscow hồi cuối năm 2015 nâng cấp đường băng và chuyển trang thiết bị tới đây để các chiến đấu cơ Nga thực hiện những cuộc không kích từ căn cứ này. Nhưng Nga không đặt các hệ thống phòng không bởi căn cứ Shayrat vẫn nằm dưới sự bảo vệ của hệ thống S-300, với tầm bắn lên tới hơn 145 km, radar bao phủ gần 300 km. Thực tế, tên lửa Tomahawk có thể được lập trình để tránh các mạng lưới radar nhưng với độ phủ sóng kín kẽ như ở Shayrat, đây dường như là nhiệm vụ bất khả thi.
Nga biết việc Mỹ phóng tên lửa. Báo chí Mỹ đưa tin Washington đã cảnh báo Moscow ít nhất một tiếng trước khi hành động, quãng thời gian đủ để Nga khởi động radar, di chuyển các bệ phóng di động và điều những đội vận hành tên lửa tốt nhất tới các căn cứ.
Vì thế, theo giới chuyên gia, Tổng thống Putin hoàn toàn có thể bắn hạ loạt tên lửa Tomahawk Mỹ sau đó tuyên bố ông muốn bảo vệ tính mạng cho đồng minh Syria đang chiến đấu chống khủng bố.
Chuyên gia phân tích Alex Kocharov cho rằng S-400 hoàn toàn có khả năng đánh chặn các tên lửa của Mỹ phóng tới Syria nhưng quân đội Nga có lý do “chính trị” khi không làm vậy.
“Tôi nghĩ Nga đã chọn cách tránh đối đầu trực diện về quân sự với Mỹ, ngay cả khi cuộc đối đầu đó xảy ra trên lãnh thổ một nước thứ 3 như Syria, vì điều này có thể dẫn tới sự leo thang căng thẳng không thể kiểm soát được. Nga đã được Mỹ cảnh báo về vụ tấn công này từ trước, điều đó giải thích tại sao không có thương vong nào của Nga tại căn cứ không quân bị tấn công. Nga cũng đủ khả năng để đánh chặn Tomahawk nhưng họ đã chọn cách không làm gì cả”, chuyên gia Kocharov cho biết.
Hơn nữa, theo suy luận của một số chuyên gia, mục đích của việc Nga triển khai S-400 tại Syria là để bảo vệ các cơ sở của Nga tại đây, chứ không phải bảo vệ tất cả các cơ sở của đồng minh Syria. Đó là lý do tại sao họ không kích hoạt S-400 khi Mỹ phóng Tomahawk.
Vậy nên việc ông Putin quyết định không bắn hạ tên lửa Mỹ nhiều khả năng là một lựa chọn chiến thuật, giới phân tích nhận định. Tổng thống Nga có lẽ muốn truyền thông điệp tới người đồng cấp Syria Bashar al-Assad rằng sự hậu thuẫn của ông cũng tồn tại những giới hạn nhất định.
Trước đó, quân đội chính quyền Syria được cho là đã thực hiện vụ tấn công bằng chất hóa học tại thị trấn Khan Shaikhoun, tỉnh Idlib, Syria, khiến ít nhất 70 người thiệt mạng, bao gồm cả trẻ em.
Trong thế giới quốc phòng, câu hỏi những hệ thống phòng không Nga phát huy hiệu quả đến đâu trong việc khắc chế các công nghệ vũ khí Mỹ luôn gây tò mò, tranh cãi. Nhờ bán các hệ thống mà họ khẳng định có khả năng vô hiệu hóa vũ khí Mỹ, Nga mỗi năm thu về hàng tỷ USD lợi nhuận. Nếu tiến hành ngăn chặn tên lửa Mỹ nhưng thất bại, Nga chắc chắn phải hứng chịu một cú phản đòn chí mạng bởi lúc này cả thế giới sẽ biết những lời quảng cáo mà Moscow đưa ra không thực. Đây dường như cũng là một phần nguyên nhân khiến Tổng thống Putin quyết định không bắn.
“Ông Putin hoàn toàn có thể bắn những tên lửa Tomahawk kia nhưng hành động này không mang lại lợi ích lâu dài về mặt địa chính trị”, cây bút Joe Pappalardo từ Popular Mechanics bình luận.
Giới chuyên gia cho rằng vụ tấn công của Mỹ cũng đặt Nga vào một tình huống khó xử. Theo đó, Nga dường như cũng bất ngờ trước sự quyết đoán của Mỹ với Syria. Đây cũng không phải là điều mà Moscow mong đợi, nhất là khi cuộc tấn công này gắn liền với hình ảnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump – người từng tuyên bố muốn hợp tác với Nga trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria hồi năm ngoái.
TinhHoa tổng hợp