Vén mở bí ẩn: ‘Lông vũ không thể nổi, hoa lau cũng phải chìm’ của sông Lưu Sa trong Tây Du Ký
Sông Lưu Sa là địa điểm mà Sa Tăng gặp Đường Tam Tạng. Trong ‘Tây Du Ký’ nơi đây được mô tả là “lông vũ không thể nổi, hoa lau cũng phải chìm”, vậy ngoài đời thật con sông này ẩn chứa bí mật gì?
Sông Lưu Sa vốn có tên thật là ‘Mạc Hạ Diên Thích’, hay còn được gọi là ‘Bát Bách Lý Hãn Hải’. Hiện nay người dân gọi nó là ‘Ha Thuận Qua Bích’, con sông nằm giữa La Bố Bạc và Ngọc Môn Quan thuộc khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, Trung Quốc.
Theo ghi chép cổ thì sông Lưu Sa dài 800 dặm, hoàn cảnh tự nhiên vô cùng khắc nghiệt: bên trên không nhìn thấy chim bay, dưới không có dấu thú chạy, đáy nước không có thuỷ tảo…
Trong tác phẩm ‘Tây Du Ký’ hồi 22 miêu tả con sông này như sau: Tiếng sóng vỗ tựa non, nước cuộn dâng như núi. Cạnh bờ sông có đặt một tấm bia đá khắc 3 chữ ‘Lưu Sa Hà’ (sông Lưu Sa), ở giữa bia khắc 4 câu: “Bát Bách lưu sa giới.Tam thiên nhược thủy thâm. Nga mao phiêu bất khởi. Lô hoa định để trầm”. Tạm dịch: “Sông Lưu Sa rộng 800, nước sâu 3.000, lông vũ không thể nổi, hoa lau cũng phải chìm.”
Giải mã bí ẩn: “Lông vũ không thể nổi, hoa lau cũng phải chìm”
Vì con sông có một lớp cát dày hơn 100m, đồng thời dòng chảy của sông luôn cuốn theo cát đi, từ đó người ta mới gọi nó là ‘Lưu Sa’. ‘Lưu Sa’ là tiếng Hán-Việt có nghĩa là mang theo cát.
Bởi vì cát trong sông Lưu Sa luôn chuyển động theo dòng nước. Tức là lớp cát dày này không nằm yên dưới sông như những con sông khác mà luôn cuồn cuộn theo dòng. Điều này khiến thuyền, bè sẽ rất khó khăn khi di chuyển trên sông, nếu đi quá nhanh, lực cản của nước có thể tạo ra những con sóng cao tới 2m và có thể nhấn chìm con thuyền bất cứ lúc nào.
Đây cũng chính là lý do giải thích cho 2 câu thơ cuối trên tấm bia đá “lông vũ không thể nổi, hoa lau cũng phải chìm”. Bởi vì dòng chảy trộn lẫn với cát khiến những thứ ở trên mặt nước khó có thể nổi được.
Truyền thuyết về sông Lưu Sa
Tương truyền từ rất lâu về trước, hoàn cảnh thiên nhiên của con sông này hết sức khốc liệt: có lốc xoáy, cát bụi cuồn cuộn, lại thêm tiếng sấm rền vang… Người muốn qua sông thì phải cầu xin một vị thần, ngài ấy có thân hình vô cùng cao lớn, dùng 2 bàn tay của mình làm chiếc cầu giúp con người qua sông. Sau khi đưa người qua sông xong vị này sẽ chắp 2 bàn tay trước ngực để tiễn chân họ.
Trong cuốn ‘Đại Đường đại từ ân tự Tam Tạng pháp sư truyện’ miêu tả về dòng sông này như sau: Sông Lưu Sa, vào buổi tối thường nổi lên những đốm lửa quỷ dị như những ngôi sao rực rỡ, gió thổi cát bay mù mịt như trời mưa.
Có lẽ chính vì những bí ẩn này của sông Lưu Hà mà nó trở thành nguồn cảm hứng của nhiều tác phẩm trong đó có ‘Tây Du Ký’.
Tử Vi (t/h)