Văn hóa Thần truyền: Vua Vũ kính Trời, vì dân tạo phúc
Vua Vũ là một Thánh Đế thời kỳ thượng cổ Trung Hoa. Ông kế thừa mỹ đức “Chỉ vì muôn dân không vì bản thân” của Nghiêu Thuấn, thành kính Thần linh, trị thủy, thực hành nhân đức để giáo dục dân chúng.
Vua Vũ có công lao to lớn, người ta nói ông tuân theo Thiên Mệnh mà đến để trừ lũ lụt, cứu vớt trăm họ, do vậy ông được gọi là Đại Vũ hoặc là Thần Vũ.
Lúc ấy ở Trung Nguyên đang có nạn lũ lụt, nước tràn ngập núi đồi, khiến người dân không còn chỗ ở, lầm than cơ cực. Vua Thuấn hiểu rõ Vũ là một thanh niên có hoài bão mà lại thông minh chăm chỉ, danh thơm lan xa, thế là ra lệnh cho Vũ trị thủy. Vũ vâng lệnh liền triệu tập trăm họ tới trợ giúp. Tính anh hết sức khiêm nhường, anh thường cảm kích khom người chắp tay bái tạ những ai cho anh những lời khuyên hay. Anh lắng nghe mọi người góp ý về cách trị thủy, và cuối cùng chọn dùng biện pháp khai thông dòng nước lũ. Anh trèo đèo lội suối, quyết định làm một đường nước để dẫn nước lũ chảy ra biển khơi.
Vũ tế lễ Trời Đất một cách cực kỳ thành kính, nghi thức nghiêm trang. Bước chân có phong thái cung kính của anh được gọi là “Vũ bộ”. Tương truyền anh dẫn dắt dân công trị thủy ở khắp nơi, khiến Thiên thần cảm động và trợ giúp cho anh. Thủy thần sông Hoàng Hà ban cho anh Hà Đồ. Trong khi trị thủy các sông Hoàng Hà, Trường Giang thì xuất hiện rồng vàng vẫy đuôi giúp anh khai thông đường sông. Thiên thần tặng cho anh búa thần, một cái ống Ngọc gọi là “Ngọc Đồng”, một kiếm thần trị thuồng luồng gọi là “Trảm giao thần kiếm”.
Vũ dùng Ngọc Đồng để đo lường thiên địa, xác định thủy vị của sông biển, dùng búa thần tạc ra Long Môn ở Hà Nam Lạc Dương, khiến nước sông được thông suốt. Anh dùng Trảm giao thần kiếm diệt một con ác long chuyên khuấy nước làm mưa làm gió, nhờ đó trị tận gốc được lũ lụt.
Vũ dãi nắng dầm mưa, không sợ gian khổ, trải qua 13 năm trường dấu chân in khắp nơi trên đất nước. Ông khai thông được 9 đường sông, tu trì được 9 đầm lớn, đục thông được 9 con đường núi, không những trị được lũ lụt mà còn khiến tất cả các con sông đều chảy thuận về biển lớn, trăm họ được an cư lạc nghiệp.
Đồng thời với việc trị thủy, Vũ còn chỉ đạo nhân dân phát triển sản xuất nông nghiệp và vận tải đường thủy, trồng những loại cây nông nghiệp như kê, đậu, vừng…, ở những chỗ có địa thế trũng thì trồng lúa nước. Như thế, đông tới biển rộng, tây tới sa mạc, Cửu Châu thống nhất, khiến sự giáo hóa đạo đức của Thiên tử vươn đến được 4 phương biên giới xa xôi. Trên một vùng đất rộng hàng triệu cây số vuông xuất hiện một cảnh tượng hoành tráng, hài hòa trật tự, nhân dân giàu có sung túc và hạnh phúc. Bằng nghi thức cúng tế long trọng, vua Thuấn ban cho Vũ một chiếc ngọc khuê, tuyên dương ông đã trị thủy thành công.
Sau khi Vũ trị thủy xong, ông lại kính cẩn phụ tá cho vua Thuấn, hết mực trung thành, làm tròn chức trách. Ông nói với vua Thuấn:
“Thuận theo thiện thì cát, thuận theo ác thì hung, giống như hình ảnh và tiếng vọng thuận theo hình thể và âm thanh. Do đó bất kỳ lúc nào cũng đều cần đặt đức hạnh lên hàng đầu. Các quan đại thần phò tá có đức thì người trong thiên hạ đều sẽ hưởng ứng và ủng hộ Ngài. Ngài dùng tâm thanh tĩnh để thừa hành mệnh lệnh của Thượng đế, thì Thiên thượng sẽ thường xuyên ban cho Ngài nhiều may mắn tốt đẹp”.
Vua Thuấn ra lệnh cho thiên hạ đều học tập đức hạnh của Vũ. Vua Thuấn làm vua 33 năm, chính thức tiến cử Vũ với Thiên thượng, nhường ngôi vị Thiên tử cho Vũ.
Sau khi Vũ lên ngôi, ông càng siêng năng lo nghĩ cho dân, thực hành những chính sách tốt đẹp vì dân, đẩy mạnh giáo dục đạo đức, thành khẩn chiêu mộ kẻ sỹ, lắng nghe ý kiến của dân chúng.
“Mang mang vũ tích, họa vi cửu châu” (Tạm dịch: “Mênh mang dấu tích vua Vũ thuở xưa, đã vẽ nên bức họa Cửu Châu”), đối mặt với nạn hồng thủy “cuồn cuộn ngập trời”, vua Vũ đã dũng cảm gánh sứ mạng vĩ đại: trị thủy an dân.
Tinh thần và văn hóa của vua Vũ là cực kỳ phong phú. Ông có tư tưởng lấy dân làm gốc: kính Trời, dưỡng dục muôn dân. Ông có đường lối chính trị: lấy đức sáng làm gốc, cố gắng làm lợi cho dân, làm cho đời sống nhân dân được sung túc, coi trọng chữ “Hòa”. Ông biết kế thừa những mỹ đức truyền thống: thiên nhân hợp nhất, gặp lợi nhớ nghĩa, nghiêm khắc với bản thân, phụng sự việc công,… Tất cả những điều đó đều có ảnh hưởng sâu sắc đối với đời sau.
Văn hóa truyền thống của chúng ta mãi mãi lấy tín ngưỡng làm gốc, đạo đức làm tôn chỉ, cho nên kính Trời thương dân là mỹ đức mà người ta từ xưa tới nay hằng tôn kính.
Đời sau có thơ ca ngợi vua Vũ:
Quỷ phủ thần công thế sở vô,
Tuyên long điêu phượng xảo tạc đồ.
Thiện nguyện thành tựu thiên thu nghiệp,
Trảm khước ác long họa hoạn trừ.
Đức phong ngưỡng chỉ dân tâm hướng,
Nhân huân thụy khí mãn lăng đô.
Tạm dịch:
Tài nghệ siêu quần thế gian chưa từng có,
Chạm rồng trổ phượng giỏi tạc thành.
Từ nguyện vọng làm việc thiện mà xây dựng thành công cơ nghiệp nghìn thu,
Chém ác long trừ họa.
Đức hạnh quang minh lòng dân quy thuận,
Khí lành bao phủ tràn ngập khắp nơi nơi.
Theo minhhue.net