Văn hóa Thần truyền: Quả đào và quả táo trong văn hóa Đông – Tây
Trong văn hóa truyền thống, phương Đông rất ưa chuộng quả đào, còn Tây phương lựa chọn đầu tiên lại là quả táo. Tuy nhiên, vào thời hiện đại này, tình trạng của 2 loại quả này ra sao? Điều này sẽ phản ánh văn hóa truyền thống được đối đãi và lưu giữ như thế nào ở hai miền đất ấy.
Quả đào là loại quả quý được Thần linh ban tặng
Truyền thống văn hóa Trung Quốc thời xa xưa là nền văn hóa nửa Thần, nguyên lai là có mối liên quan mật thiết với Thần. Quả đào cũng là có nguồn gốc từ xa xưa, đào vốn là thức ăn của thần tiên và có tên gọi là đào tiên hoặc quả bàn đào. Trong Sơn Hải kinh có ghi chép về quả đào, đây là ghi chép đầu tiên về đào tiên. Trong những truyền thuyết thần thoại, đào tiên là hoa quả mà thần tiên thường dùng để đãi khách. Trong Hán Vũ nội truyền viết: ngày 7/7, Tây Vương Mẫu hạ phàm, mang bốn quả đào tiên dâng hoàng đế. Hoàng đế nhận lấy, ăn luôn cả hạt, nói: “Ta rất thích ăn loại quả này”. Vương mẫu nói: “Đào tiên này trồng 3.000 năm mới ăn được, trong mùa hạ cằn cỗi lại khó sinh trưởng”. Hoàng đế nghe vậy mới dừng lại.
Đào tiên hoặc cây bàn đào được miêu tả sinh động nhất là trong Tây Du kí. Tôn Ngộ Không đại náo thiên cung khởi nguyên cũng là do Tôn Ngộ Không ăn vụng, lấy trộm đào trên bàn yến tiệc của Vương Mẫu nương nương.
Trong vườn đào của Vương Mẫu nương nương, “có ba nghìn sáu trăm gốc cây. Phía trước có 1.200 gốc cây, quả còn bé, ba ngàn năm mới chín, người thường mà ăn vào thì liền đắc đạo thành tiên, thân thể nhẹ nhàng thoải mái. Ở giữa là 1.200 gốc cây, chi chít quả, sáu ngàn năm mới chín, người ăn vào sẽ nhẹ nhàng bay lên, trường sinh bất lão. Phía sau là 1.200 gốc cây, quả màu vàng tím nhạt, chín ngàn năm mới chín, người ăn vào sẽ trường thọ cùng với trời đất”.
Bởi vì đào tiên có thể kéo dài tuổi thọ, có công dụng trường sinh bất lão, từ đó mà đào dần dần mang ý nghĩa cho sự trường thọ. Hình ảnh Thọ Tinh trong truyền thuyết, thường là một ông cụ luôn cầm trong tay một quả đào tiên.
Quản tử viết “Ngũ ốc chi thổ nghi đào” (5 loại đất thích hợp với đào), cây đào tại Trung Quốc cổ đại đào được gieo trồng rộng rãi. Có rất nhiều câu chuyện cổ xưa đến những tác phẩm thiên cổ văn học được lưu lại, đều có sự góp mặt của “Đào”.
Đào có thể làm thức ăn, làm hoa quả để thưởng thức. Nhìn Đào xanh tốt, thật hòa thuận vui vẻ. Nhà thơ Lý Bạch ở trong vườn đào đã lưu lại cho đời sau bài thơ có tên “Xuân dạ yến chư tòng đệ đào viên tự”. Trong bốn đại tác phẩm nổi tiếng cũng đều có bóng dáng của “Đào”. Hầu như ai cũng thích Tam Quốc Diễn Nghĩa, mở đầu chính là “Yến đào viên anh hùng tam kết nghĩa” (3 anh hùng kết nghĩa vườn đào).
“Táng hoa” chính là một trong những nội dung chính của Hồng Lâu Mộng, hoa được nói đến ở đây là hoa gì? Chính là hoa đào. Hoa đào ở đây chính là cách nói ẩn dụ của hồng nhan bạc mệnh. Mô tả “Trộm cũng có đạo” trong Thủy Hử truyện, tại hồi 5, hòa thượng Lỗ Trí Thâm ở Đào Hoa sơn gần thôn Đào Hoa, đã đụng phải hai tên cướp ở trong rừng từng rêu rao lừa bịp đánh hổ Tương Lý Trung và có ý đồ chiếm đoạt dân nữ … “Đào Hoa sơn”, “Đào Hoa thôn”, tác giả viết như vậy là ám chỉ sự tình phiền phức rắc rối là có liên quan đến phụ nữ.
Theo thống kê sơ bộ, điển cố thi ca có “Đào” hoặc “hoa đào” thì có gần mấy trăm bài, xuất thân từ các học giả tiếng tăm thì ít nhất là 150 bài, đặc biệt có nhiều vào đời Đường. Ví như “Đại lâm tự đào hoa” của Bạch Cư Dị, “Ngư phụ ca” của Trương Chí Hòa, “Huyền đô quan đào hoa” của Lưu Vũ đều là những tuyệt tác thi ca.
Hoàng Sào cho dù giết người như ngóe, khi vịnh cây hoa cúc thì cũng không quên đối đáp cùng “hoa đào”. “Tha niên ngã nhược vi thanh đế, báo dữ đào hoa nhất xử khai”, lộ ra sau câu thơ là một oán khí thấu trời, nhưng bên trong bài thơ “phản thi” này cũng nói lên tư tưởng bất kính với trời đất, cho nên Hoàng Sào tuy rằng phá được Trường An, ý đồ lật đổ nhà Đường, nhưng cuối cùng cũng không thể thay đổi được vận mệnh thất bại.
Đào trước sau đều là loại quả quý. Tại Trung Quốc cổ đại, Đào mộc được xưng là ngũ mộc tinh, là “Tiên mộc”, có thể áp chế tà khí, có tác dụng trấn trạch trừ tà. “Thiên môn vạn hộ đồng đồng nhật, tổng bả tân đào hoán cựu phù”, dân gian thường dùng đào mộc làm bản viết câu đối, cũng chính là dùng bùa đào để trừ tà. Đào mộc thường được dùng làm pháp khí của đạo sĩ. Đứng đầu phải nói đến những ghi chép dùng đào mộc trừ tà trong Tả truyện.
Bởi vậy, đào có thể nói là “Thượng thông thần, hạ trấn quỷ”, là loại quả được Thần linh ban tặng.
Quả táo ngày càng thịnh hành ở Tây phương
Cũng tương tự như đào trong văn hoa phương Đông, quả táo trong văn hóa Tây phương cũng có ý nghĩa sâu xa. Nền văn minh Hy Lạp cổ đại là cái nôi của văn hóa Tây phương, trong những thần thoại của Hy Lạp cổ đại cũng có thể tìm thấy dấu vết của quả táo.
Ví như trong thần thoại Hy Lạp “Chiến tranh thành Troy” chính là do một quả táo vàng gây nên. Chuyện bắt đầu bằng tiệc cưới của vua Hy Lạp Peleus và nữ thần biển Thetis. Tất cả các thần được mời tới dự tiệc, trừ ra Eris (Nữ thần Bất hòa, Xung đột, Lừa dối, Già nua, Buồn phiền), một nữ thần có tính nóng nảy, thường gây ra những tranh cãi giữa các thần. Tức giận, Eris bèn thả một quả táo vàng giữa bàn tiệc, có khắc chữ: “Cho người đẹp nhất!”. Ba nữ thần Athena, Aphrodite và Hera tranh nhau quả táo, cuối cùng xảy tra chiến tranh thành Troy.
Ở những câu chuyện xưa trong Sáng thế kỷ của “Kinh Thánh”, Eva bị ma quỷ (cổ xà) dẫn dụ, không nhớ tới lời căn dặn của Thượng Đế nên đã ăn trái cấm trên cây thiện ác, còn đem trái cây kia cho chồng của nàng là Adam ăn. Adam bởi vì mang trong lòng nỗi sợ hãi, sau khi ăn vội vàng, đã bị nghẹn ở cổ, quả táo bị nghẹn lại ở cổ, sau này trở thành “yết hầu” của người đàn ông. Trong tiếng anh gọi là Adam’ s Apple, là “chứng cứ phạm tội” của việc ăn vụng trái cấm và đã bị Thượng Đế trừng phạt. Có thể thấy lịch sử của quả táo là vô cùng lâu dài.
Quả táo ở Tây phương thường được gieo trồng rất phổ biến, hiện tại có tới khoảng 7.500 giống táo khác nhau. Ăn không hết còn có thể làm thành bánh (Apple Pie), ép thành nước trái cây. Quả táo cũng dần dần trở thành một phần quan trọng trong văn hóa Tây phương, cho nên trong Anh ngữ cũng có rất nhiều những thành ngữ có liên quan đến quả táo.
Lưu truyền rộng nhất có thể phải nói đến câu “An Apple a Day Keeps the Doctor Away”: Mỗi ngày ăn một trái táo thì chằng cần tới bác sĩ nữa. Còn có câu như “One Rotten Apple Spoils the Whole Barrel”, ý nghĩa như câu “Một con sâu làm rầu nồi canh”. The Apple of One’ s Eye, muốn nói quả táo chính là “hòn ngọc quý trên tay”. The Apple Doesn ‘t Fall Far From the Tree (quả táo không rời xa khỏi cái cây), muốn nói là con cái thường theo gương cha mẹ, hoặc trông giống cha mẹ, ý nghĩa như câu “Cha nào con nấy” hoặc “Rau nào sâu nấy”, v.v… Không ít nhưng câu thành ngữ có liên quan đến quả táo như vậy. Ở Tây phương cũng có nhiều tác phẩm văn học mà trong đó có xuất hiện quả táo, mà nổi tiếng là câu chuyện cổ tích, nàng Bạch Tuyết ăn quả táo độc dẫn tới hôn mê.
Năm xưa, Newton vì nhìn thấy hiện tượng quả táo rơi xuống đất mà phát minh và cho ra đời định luật vạn vật hấp dẫn, đây là một trong những khám phá khoa học vĩ đại nhất trong lịch sử. Như vậy, quá táo đối với nghành nghiên cứu khoa học cũng là có công lao lớn.
Còn đâu ý nghĩa của quả đào trong văn hóa Thần truyền?
Tuy rằng các khảo chứng hiện đại nói rằng, quả táo xuất hiện ở Trung Quốc vào thời Hán. Nhưng quả táo trong văn hóa truyền thống Trung Hoa lại gần như không để lại dấu vết gì. Chỉ có tới thời cận đại, khoa học kỹ thuật của phương Tây mới dần dần truyền vào Trung Quốc, quả táo mới được gieo trồng phổ biến ở đây. Hiện giờ sản lượng táo ở Trung quốc chiếm một nửa sản lượng của cả thế giới. Còn đào ở Trung Quốc, lại dần dần tụt dốc, thậm chí còn không có mặt trong bốn loại hoa quả hàng đầu.
Mặc dù Trung quốc cũng có “Tiên đào thị”, Đài Loan còn có “Đào viên huyện”, nhưng không thể so bằng “Big Apple” của thành phố Newyork ở Tây phương. Trùng hợp chính là, vào thời đại công nghệ cao ngày nay, công ty “Apple” lại là công ty nổi danh đình đám, sản phẩm thịnh hành khắp thế giới.
Những so sánh này cũng đã phần nào phản ánh tình trạng văn hóa truyền thống ở Trung quốc ngày nay được đối đãi như thế nào!
Về “Đào”, hiện tại ở Trung Quốc khiến người ta nói đến nhiều nhất chỉ còn lại “đào hoa”, “số đào hoa”. Giờ đây, con người hiện đại lại có cái nhìn về quả đào trong văn hóa Thần truyền một cách lệch lạc như vậy. Có thể nói là không thể đáng buồn hơn!
Bảo An, dịch từ qi-gong.me