UBND TP HCM ban hành kế hoạch nói không với rác thải nhựa ở các doanh nghiệp, cơ quan
Nhằm hạn chế rác thải nhựa độc hại xả ra môi trường, UBND TP HCM đã ban hành Kế hoạch hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa” giai đoạn 2019 – 2021. Yêu cầu các doanh nghiệp, cơ quan, ngưng sử dụng các chai nhựa, ly, ống hút, nilông nhựa… và thay thế bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường hơn.
Trung bình mỗi ngày, mỗi người Việt Nam thải ra 1,2kg rác. Nếu làm tròn dân số Việt Nam là 100 triệu người, thì số lượng rác thải là 120.000 tấn mỗi ngày. Trong số đó, 16% là rác thải nhựa, vị chi mỗi ngày sẽ có gần 19.000 tấn rác thải nhựa bị thải ở Việt Nam và chủ yếu là đi ra đại dương, không còn cách nào khác.
Chúng ta đều được biết, rác thải nhựa cần hàng trăm năm, thậm chí là cả nghìn năm để bị phân huỷ, nhưng chỉ cần một phút để vứt chúng ra môi trường. Chúng ta coi môi trường là “cha chung”, nên thành thử “không ai khóc”, trừ phi nó ảnh hưởng trực tiếp đến chính cuộc sống của một ai đó.
Tuy nhiên, bạn có biết cũng chính đặc tính không tan và khó phân hủy đó nên có hàng nghìn phân tử hạt vi nhựa bị tích lại trong cơ thể thực vật, động vật do bị nuốt phải từ các rác thải nhựa mà chúng ta vẫn vất ra ngoài môi trường và đại dương mỗi ngày. Từ đó khi con người sử dụng chúng làm thức ăn thì các hạt nhựa ấy cũng vì thế mà đi theo vào cơ thể chúng ta như một vòng tuần hoàn.
Chính vì vậy việc chúng ta bảo vệ môi trường tránh khỏi rác thải nhựa không chỉ là một hành động cho bất cứ ai, hay một phong trào tự phát nào đó, mà là cho chính chúng ta và con cháu chúng ta sau này.
Chống rác thải nhựa cần có sự chung tay
Theo Kế hoạch hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa” giai đoạn 2019 – 2021, vừa được UBND TP HCM ban hành, từ ngày 1/8, cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp tại thành phố phải hạn chế dùng nước uống đóng chai (330 ml – 500 ml) và chuyển sang dùng bình nước thể tích lớn (hơn 20 lít), hoặc tự đun nấu, sử dụng các vật dụng chứa có thể dùng nhiều lần, thân thiện môi trường.
Các cơ quan Nhà nước, đoàn thể, trường học, cơ sở y tế trên địa bàn cũng được yêu cầu không dùng ly nhựa, ống hút nhựa… sử dụng một lần trong tất cả hoạt động hàng ngày. Từ năm 2020, Sở Tài chính sẽ không bố trí kinh phí cho các khoản chi trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp để mua những sản phẩm nhựa dùng một lần.
TP.HCM cũng đặt mục tiêu đến hết ngày 31/12/2020 có 100% hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, nhà sách,… sử dụng bao bì thân thiện môi trường thay thế túi nilông khó phân hủy; Tiểu thương tại các chợ dân sinh giảm 50% sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong việc đóng gói, đựng sản phẩm cho khách hàng.
Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, chợ, cửa hàng tiện lợi, nhà sách cần có hình thức khuyến khích người tiêu dùng mang túi khi mua sắm. Hạn chế hoặc không phát miễn phí túi nilông cho người tiêu dùng; hướng đến việc tính phí túi, bao bì đựng hàng hóa đối với người tiêu dùng có nhu cầu sử dụng khi không đem túi khi đi mua sắm. Bên cạnh đó nghiên cứu bố trí điểm thu hồi túi nilông đã qua sử dụng.
Chẳng hạn, vừa qua Big C đã tham gia vào Liên minh Chống rác thải nhựa và đang tích cực triển khai nhiều hoạt động nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong việc bảo vệ môi trường. Đồng thời, các điểm bán này không còn kinh doanh ống hút nhựa, và khuyến khích sử dụng túi nilông phân hủy sinh học làm từ bột bắp và khoai tây.
Ngoài ra, đại diện Big C cho rằng cần thêm thời gian để người tiêu dùng quen với việc sử dụng sản phẩm rau gói bằng lá chuối, các sản phẩm đĩa, tô, hộp, ly… được làm từ bã mía; ống hút từ giấy, gạo…
“Sức mua các mặt hàng thay thế này đã tăng 15% – 20% so với trước thời điểm bắt đầu “nói không” với ống hút nhựa. Một số mặt hàng thay thế khác đang được thử nghiệm như ống hút làm bằng sậy, sản phẩm có nguồn gốc từ bột ngô thay nhựa… cũng có sức mua khá tốt, dần được người tiêu dùng ưa thích” – ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc marketing Saigon Co.op, đánh giá.
Saigon Co.op còn bổ sung vào danh mục hàng nhãn riêng các loại ống hút giấy và găng tay tự hủy sinh học. Bên cạnh đó, tiếp tục phát triển các mặt hàng thân thiện với môi trường như: muỗng, nĩa, dao, ống hút, đũa làm bằng gỗ; túi đựng thức ăn tự hủy; túi vải mua sắm; giấy vệ sinh tái chế 100%; bàn chải đánh răng bằng tre; ống hút bằng giấy, inox, bột cỏ; chai thủy tinh đựng nước… Các chương trình khuyến khích khách hàng hạn chế sử dụng túi ni-lông khi mua sắm như tặng thêm điểm thưởng khi dùng “túi môi trường”; mang chai nước thủy tinh để lấy nước uống… cũng thường xuyên được tổ chức.
Ngoài ra các cửa hàng tiện lợi, cửa hàng ăn uống cần có chính sách giảm giá, tích lũy điểm cho những khách hàng có mang theo sản phẩm để chứa, đựng hàng hóa, thức ăn, nước uống,…
UBND TP cũng yêu cầu đưa nội dung giáo dục về tác hại của chất thải nhựa và túi nilông khó phân hủy đối với môi trường, hướng dẫn phân loại rác thải tại nguồn vào chương trình giảng dạy ở các cấp học trên địa bàn TP.
Bạch Nhật (t/h)