Lượng rác thải nhựa sẽ “áp đảo” lượng cá trong biển vào năm 2050
Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) vừa công bố một báo cáo dự đoán rằng đến năm 2025 lượng rác thải nhựa trong lòng đại dương sẽ bằng 1/3 lượng cá và tới năm 2050, lượng rác thải sẽ “áp đảo” lượng cá trên các đại dương.
Theo báo cáo này, hầu hết bao bì nhựa đã và đang bị vứt đi sau một lần sử dụng. Chỉ có 14% bao bì nhựa là được thu gom để tái chế.
Hệ quả là mỗi năm các đại dương phải hứng 8 triệu tấn rác nhựa, tương đương mỗi phút lại có 1 xe tải chở rác nhựa đổ xuống biển.
“Nếu thế giới không hành động thì tới năm 2030, trung bình cứ một phút sẽ có 2 xe rác được đổ ra biển và con số này sẽ tăng lên thành 4 xe rác vào năm 2050”, báo cáo viết.
Báo cáo cũng ước tính đến năm 2025, cứ 3 tấn cá trong lòng đại dương sẽ có 1 tấn rác thải nhựa và tới năm 2050, lượng rác thải sẽ “áp đảo” lượng cá trên các đại dương.
Ngoài các tác động “rất lớn” đối với môi trường, việc phần lớn túi nilon bị vứt bỏ sau một lần sử dụng cũng khiến nền kinh tế thế giới mất 80-120 tỉ USD mỗi năm.
Báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tái chế nhựa hiện nay, đồng thời đề xuất thiết lập một cơ chế mới nhằm hạn chế việc vứt bỏ rác thải nhựa ra ngoài thiên nhiên, đặc biệt là các đại dương.
Nhựa đã trở thành một phần thiết yếu của nền kinh tế toàn cầu và sản lượng nhựa đã tăng từ 15 triệu tấn/năm trong năm 1964 lên tới 311 triệu tấn trong năm 2014, và con số này được dự báo sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm tới.
Theo Tuổi Trẻ