Tượng Phật đầu tiên được tạo ra như thế nào?
Cách đây rất lâu về trước, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từng ở trong quốc thổ của vua Ba Tư Nặc, nhận sự lễ bái thành kính của vua Ba Tư Nặc. Tại nơi này, lần đầu tiên bức tượng Phật đã được tạo ra.
Một ngày kia, Đức Phật thăng lên cõi trời Đao Lợi, giảng pháp cho phu nhân Ma Gia, thân mẫu của Ngài, để báo đáp ơn dưỡng dục của bà. Chuyến đi này, đã kéo dài suốt 90 ngày.
Vua Ba Tư Nặc là một Phật tử vô cùng thành kính, suốt 90 ngày không được nhìn thấy Đức Phật, không được nghe Đức Phật thuyết Pháp, ông cảm thấy buồn bã như đánh mất điều gì đó, trong lòng dường như đã không còn chỗ dựa.
Vua Ba Tư Nặc tưởng nhớ Đức Phật, ăn không ngon, ngủ không yên, khẩn thiết mong mỏi có thể sớm ngày được nhìn thấy Đức Phật nhân từ. Cuối cùng, ông không còn chờ đợi thêm được nữa, bèn dùng gỗ chiên đàn trân quý nhất điêu khắc một bức tượng Như Lai.
Tượng Phật này được khắc vô cùng tinh tế, thần thái dung mạo giống hệt như Đức Phật, đôi mắt nhân từ đang chăm chú dõi theo chúng sinh, giống như Đức Phật đang thuyết giảng Pháp vậy, hơn nữa mùi hương tỏa ra bốn phía, thấu tận tâm gan. Vua Ba Tư Nặc nhìn thấy bức tượng Như Lai này, giống như đã thấy được Đức Phật vậy, rất lấy làm vui mừng.
Vua Ba Tư Nặc đặt tượng Phật ở chỗ ngồi của Đức Phật, mỗi ngày cúng dường, lễ bái. Như thế, tấm lòng nhớ nghĩ đến Đức Phật của ông mới được an ủi phần nào.
Lại nói chuyện Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng Pháp cho thân mẫu ở cõi trời Đao Lợi, không ngờ thoáng một cái đã là 90 ngày ở nhân gian. Thân mẫu Ngài bảo Ngài hãy mau trở về, bởi chúng sinh không thể rời khỏi lời dạy của Phật Đà. Đức Phật thấy đúng như vậy, bèn từ biệt phu nhân Ma Gia, về đến tinh xá của mình.
Đức Phật vừa bước vào cửa phòng, chỉ thấy một bức tượng Phật đứng dậy rời chỗ ngồi, tiến đến nghênh đón. Đức Phật dùng pháp nhãn quan sát lai lịch của tượng Phật này, trong lòng thư thái, bèn nói với tượng Phật rằng: “Mời ông ngồi lại chỗ cũ đi”.
Sau đó, Đức Phật nói với chúng đệ tử rằng: “Sau khi thầy nhập Niết Bàn rồi, tượng Phật này sẽ làm hộ Pháp cho bốn nhóm đệ tử, tức là tỳ kheo, tỳ kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di”.
Đức Phật nói xong, tượng Phật kia bèn ngồi về vị trí ban đầu.
Bức tượng Phật này chính là thủy tổ của tượng Phật. Người đời sau phàm là tạc tượng Đức Phật, đều mô phỏng theo tượng Phật này.
Về sau, Đức Phật không còn ở tinh xá ban đầu nữa, mà đặt tượng Phật ở trong tinh xá, còn Ngài thì dời đến một tinh xá nhỏ hơn bên cạnh, cách tượng Phật khoảng 20 bước.
Tinh xá Chỉ Hoàn của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni vốn có bảy tầng, các nước tôn kính Phật Pháp, tranh nhau đến cúng dường Phật, số người đến nghe Đức Phật giảng Pháp càng tấp nập không ngớt.
Một ngày kia, tinh xá có một con chuột lấy trộm dầu, làm đổ đèn dầu, khiến cho tràng phan bị bốc cháy, lửa lớn nổi lên. Trong chốc lát, ngọn lửa lớn đã nuốt chửng bảy tầng tinh xá.
Chúng vương giả và thần dân thấy vậy, không ai không đấm ngực dậm chân, đau đớn không thôi. Ai nấy đều cho rằng tượng Phật thù thắng làm bằng gỗ chiên đàn đó bị hủy là cái chắc, từ nay trở đi sẽ không còn khắc được tượng Phật thứ hai đẹp như vậy nữa.
Ngọn lửa lớn cháy liên tục suốt năm ngày trời. Sau khi lửa tắt, mọi người ngạc nhiên vui mừng phát hiện, tinh xá nhỏ phía đông lại may mắn thoát khỏi kiếp nạn, không có chút vết cháy nào cả. Mọi người mở cửa tinh xá ra, tượng Phật làm bằng gỗ chiên đàn kia vẫn ngồi ngay ngắn ở đó, không có tổn hại gì cả.
Mọi người đều cho rằng đây thật là kỳ tích, trong lòng mừng rỡ, liền lễ bái cúng dường, xây lại tòa tinh xá mới. Tượng Phật đó lại được đặt lại trong tinh xá mới.
Theo Secretchina