Cuộc đời cô độc của nghệ sĩ Ánh Hoa: Chồng và 4 người con đều qua đời

03/11/20, 15:40 Cuộc sống

Nghệ sĩ Ánh Hoa (SN: 1941), tại Mỏ Cày (Bến Tre), xuất thân trong gia đình có truyền thống cải lương. Bà vừa qua đời vào trưa 1/11 ở tuổi 79 do tai biến. Sự ra đi đột ngột của bà để lại nhiều luyến tiếc cho những người ở lại. Để tưởng nhớ về một nghệ sĩ tài năng, một nhân phẩm tuyệt vời, chúng ta cùng ôn lại cuộc đời nhiều nốt trầm của bà.

Lắng nghe đời buồn của người mẹ cô độc. (Ảnh qua songlathe)

Xuất thân từ nghệ sĩ cải lương, và mối duyên với ông “Vua xàng xê” Minh Chí

Bén duyên với nghệ thuật ngay từ nhỏ, bà kể rằng, lúc ấy chưa kịp biết nói, bà đã bập bẹ biết hát rồi. Năm lên 7, bà được giao cho vai Nghi Xuân trong tuồng Phạm Công Cúc Hoa, lên 12 thì đóng Na Tra trong tuồng Na Tra lóc thịt. Năm 15 tuổi bà trở thành đào chánh.

Cha mẹ của bà là cố nghệ sĩ Văn Danh và Ánh Nguyệt, đều là những người hát cải lương tài năng, vì thế mà dòng máu chảy trong người bà cũng đậm chất nghệ sĩ. Điều này đã được chứng minh qua chất giọng của bà ngày càng mùi mẫn theo năm tháng, được nhiều người ưu ái gọi là “Út Trà Ôn 2”.

Bà yêu nghề, yêu sân khấu, yêu cải lương, rồi cũng yêu luôn cả người anh đồng nghiệp, chính là chồng bà, cố nghệ sĩ Minh Chí.

Ánh Hoa và ông Minh Chí ngày trẻ. (Ảnh qua baomoi)

Cả hai quen biết nhau từ thời còn đóng vở Đầu xanh vương khổ hận, ban đầu từ sự ngưỡng mộ người anh, rồi dần chuyển thành tình yêu, mặc cho việc ông Minh Chí lớn hơn bà đến 17 tuổi. Sự nghiệp hay tình yêu đối với bà lúc bấy giờ ngọt ngào và tươi đẹp, rực rỡ như ánh nắng trời ấm áp.

Nhưng đời nào có đẹp mãi được, cô thiếu nữ ngây ngô lúc bấy giờ đắm chìm trong hạnh phúc không bao lâu, thì gặp phải trắc trở từ gia đình. Ba mẹ bà không hề muốn bà lấy ông Minh Chí. Thế nhưng, bà vẫn nhất mực lấy người này làm chồng, và năm 16 tuổi, bà đã trở thành vợ ông.

Từ khi lấy chồng, bà từ đào chánh chuyển sang làm bầu gánh, phụ chồng điều hành gánh hát Minh Chí. Để có nhiều thời gian lo việc hậu cần, bà cũng lùi mình lại chỉ nhận làm kép phụ, cốt để làm nền đẩy những kép chính lên thành danh. 

Dù vậy bà cũng không buồn, vì bà hiểu rất rõ mình đang làm gì, ông Minh Chí từng có lần nói với bà rằng, vai phụ cũng là một viên ngọc quý, càng mài càng sáng. Vai phụ cũng có thể rực rỡ, tỏa hào quang trước công chúng. 

Ánh Hoa (phải) và NSND Bạch Tuyết trong “Bên cầu dệt lụa”. (Ảnh qua thongtinngaynay)

Nhưng rồi cuộc hôn nhân cũng không mấy suôn sẻ, cớ sự nào đó không rõ mà ba của bà đâm đơn kiện ông Minh Chí ra tòa, khiến Minh Chí phải ngồi tù, lúc đó bà Hoa đã mang thai con gái đầu lòng của ông 6 tháng. Chịu đựng cảnh mẹ con côi cút, bà cắn răng lặng lẽ một mình sinh con, chờ đợi chồng về. 

Rồi ngày đó cũng đến, ông về thì cả hai cũng bắt đầu gây dựng lại sự nghiệp. Nhưng lúc này, do tai tiếng từ chuyện tình cảm của mình, sự nghiệp của ông Minh Chí suy sụp thảm hại. Hai lần lập lại gánh hát nhưng vẫn tan rã, ông đau buồn, nhưng chưa một lần oán trách hay đổ lỗi cho bà Hoa.

Có lẽ chính điều này mà đến tận mấy chục năm sau ngày ông mất, bà vẫn giữ nguyên tình yêu dành cho ông, và thường ca ngợi ông trước mặt người khác khác rằng, ông hồi trẻ là một người hiền lành, tài giỏi, và rất đẹp. 

Bén duyên nghề diễn

Bám trụ với gánh cải lương một thời gian, chật vật lắm vợ chồng bà Hoa mới mua trả góp được một căn nhà nhỏ gần cầu chữ Y (Quận 8, TP.HCM). Sau đó, bà nghỉ hát dựng quầy bán cơm tấm kiếm sống qua ngày.

Nhờ tay nghề bà nấu ngon, nên quán cơm ngày càng nổi tiếng, không ai là không biết đến.

Rồi một hôm, bà bỗng nhận được lời mời từ đạo diễn Jean Jacques Annaud, tham gia bộ phim Người tình, và bà đã đồng ý. Từ vai diễn đó, tiếp nối đến các vai diễn khác như Mùi đu đủ xanh (đạo diễn Trần Anh Hùng) ở Pháp.

Nghệ sĩ Ánh Hoa trong phim Mùi đu đủ xanh. (Ảnh qua TTO)

Thu nhập từ đóng phim có thể giúp bà trả nợ dần tiền nhà, bà cảm thấy cuộc đời còn ưu ái mình lắm. Ánh sáng vẫn tiếp tục le lói, bà vẫn được tỏa sáng với nghiệp diễn, mặc dù nó không phải sân khấu cải lương. 

Vậy mà 2 tháng sau, ông Minh Chí đột ngột đổ bệnh nặng, bác sĩ bảo ông bị xơ gan, 10 ngày sau thì mất. Bà thất thần, đau đớn, ánh mắt buồn đượm bẩm sinh, nay lại càng buồn thêm. Nhưng bà không trách số phận, không oán trách vì sao đời bà lắm bất công.

Sau khi chồng mất, lần lượt từng người con của bà cũng qua đời, từ một người phụ nữ có tất cả yêu thương, có người chồng tuyệt vời, và 4 đứa con ngoan ngoãn. Nhưng rồi đột ngột, từng người một đều ra đi trước sự chứng kiến của bà. Chính tay bà đã chôn cất cho từng người một.

Đầu tiên là con gái đầu mất năm 10 tuổi, con thứ hai mất năm 2016 do bệnh tim; còn con trai thứ ba qua đời năm 50 tuổi và người con út thì mất lúc 24 tuổi đều bị bệnh nan y.

“Cái chết ập đến gia đình tôi bao giờ cũng choáng váng, đột ngột và thảng thốt. Tôi nhớ gương mặt non nớt, xanh xao của đứa con gái lên 10 với ánh nhìn trân trối ám ảnh. Nó đau 5 ngày rồi ra đi lặng lẽ”, bà từng nói về sự ra đi của con gái đầu, mất hôm 30 Tết.

May mắn là bà vẫn còn người em gái thương chị, thấy bà Hoa sống một mình nên rủ bà về sống chung, ở căn nhà cho thuê nằm trên đường Trần Xuân Soạn (Quận 7, TP.HCM). Trong nhà, bà Hoa ở riêng tầng 1 còn em gái cùng chồng, con trai, con dâu và cháu nội thì ở tầng trệt. 

Ngoảnh nhìn lại cuộc đời như giấc mộng…

Sau chừng ấy đau khổ, mất mát, chia ly, bà chợt nhận ra kiếp người chỉ như giấc mộng. “Ngoảnh nhìn lại cuộc đời như giấc mộng. Được, mất, bại, thành bỗng chốc hoá hư không”, đây là hai câu thơ mà bà thích nhất, bởi nó phản ánh đúng những gì mà bà cảm nhận.

Quả thật trong cuộc đời bà, không hề có chữ tham lam, bà không đòi hỏi người khác bất cứ thứ gì, cũng như không đòi hỏi số phận bất cứ điều gì. Bà sống hiền hòa, chấp nhận. Bà nhã nhặn với những người xung quanh, chăm sóc và yêu thương con cháu. Đối đãi với đồng nghiệp cũng khiêm nhường, kính trọng. Chả ai phàn nàn được gì về cách sống của bà. 

“Tiền bạc, danh vọng, quyền lực… tất cả với tôi cuối cùng trở thành vô nghĩa. Có ý nghĩa chăng là những gì tôi sẽ để lại với thế giới màn nhung. Nếu Được – Mất là những thứ mang theo bên mình, thì tôi mãn nguyện vì đã được sống hạnh phúc bên ông nhà tôi, chết chắc chắn tôi sẽ theo về với ngôi nhà mà ổng đã dựng cho tôi ở một nơi không còn đau khổ”, bà ôn tồn nói.  

Có câu tướng tại tâm sinh, và đúng là gương mặt bà cũng được nhiều người nhận xét là phúc hậu. Thế nhưng, đôi mắt bà sao buồn quá, không cần diễn cũng đã thấy buồn… Vậy nên các đạo diễn, cũng ưu ái thường giao cho bà toàn những vai người mẹ khắc khổ, bi thương… 

Đạo diễn Xuân Phước là người luôn ưu tiên mời bà Hoa vào vai mẹ trên phim của mình.

“Tôi biết ở tuổi này má còn phải làm việc để tự nuôi sống bản thân nhưng má rất tự trọng. Chưa bao giờ má nhắn gửi kêu có phim gì thì gọi má. Nhưng má luôn là lựa chọn số 1 của tôi.

Đã mời má là yên tâm, đến phim trường y bon giờ giấc, hòa đồng với bạn diễn, không tỏ ra mình là người lớn. Quay đến khi nào đạo diễn bảo hết vai mới về chứ không hối. Nhớ một lần xế chiều là vai má đã xong, tôi lu bu công việc không để ý, đến tối đi qua một góc phim trường thấy má nằm ngủ chèo queo.

Tôi hết hồn kêu anh em mời má về, mình lỡ quên không nói hết vai vậy là má cứ chờ, hình ảnh đó cứ làm mình ray rứt và thương hoài…”.

Đôi mắt buồn của bà Hoa. (Ảnh qua Hatgiongtamhon)

NSƯT Lê Thiện, phó giám đốc nhà hát chia sẻ: “Nghệ sĩ Ánh Hoa không có một sự nghiệp rực rỡ nhưng chị có độ bền. Chị là người yêu nghề, hiền lành, nghiêm túc và đặc biệt luôn trân trọng những cơ hội được giao dù lớn dù nhỏ. Chính vì vậy nên với một vai diễn có thể nhiều người diễn được nhưng đạo diễn sẽ luôn nhớ và ưu tiên mời chị”.

NSƯT Mỹ Uyên, từng đóng chung với bà trong phim Trúng số, nói: “Má Ánh Hoa cực kỳ hiền. Ở hậu trường mọi người rộn ràng, đùa giỡn nhau, má ngồi im im. Ai chọc má, má chỉ cười. Có bữa quay xong tôi chạy xe ra về, thấy má đứng xớ rớ đầu đường tôi hỏi: ‘Đợi gì đó má?’, má cười hiền nói má kiếm xe ôm về nhà. Tôi la lên: ‘Trời ơi, sao không kêu con chở về cho’, má nói: ‘Vậy hả, được không con?’. Tánh má sợ làm phiền người khác lắm!”.

Ai đó nói, vai diễn của bà khổ quá, khổ đến mức nó vận vào người bà. Nhưng bà chỉ bình thản trả lời: “Đời người nhiều bi kịch lắm, tôi chỉ sợ mất niềm tin vào cuộc sống”.

Người phụ nữ có sức sống kiên cường chính là bà, một người mẹ mất đi cả thảy 4 người con, mất cả người chồng yêu thương, nghe thôi đã thấy bi kịch, thấy thật khó để chịu được nỗi đau đó. Vậy mà bà vẫn sống, vẫn cười, vẫn lương thiện.

Mỗi ngày cứ đúng 4h30, bà thường thức dậy để tụng kinh, rồi pha ly cà phê cúng chồng, còn bà cũng tự thưởng cho mình một ly, vừa nhâm nhi vừa tâm sự cùng tấm di ảnh, như thể ông sẽ nghe được những lời bà nói. 

Nhưng tuổi ngày càng lớn, sức khỏe của bà cũng theo đó ngày càng yếu đi, không đóng được những phim dài tập. Bà nhận những vai diễn nhỏ trong các MV cho những ca sĩ trẻ. 

Và rồi một ngày, cũng đột ngột như sự ra đi của những người thân trước của bà. Bà đã mất mà không ai hay biết, cho đến khi người thân gọi bà xuống nhà, thì mới phát hiện bà đã nằm lạnh ngắt trên giường.

Cả gia đình đều lặng người khi bà mất, những đồng nghiệp cũng lặng người khi hay tin. Ai cũng khóc, ai cũng đau.

Con nuôi của bà Hoa đến dự đám tang mẹ, chị nghẹn ngào nói: “Nhìn má đi thế chị xót lắm, nghe em gái má kể lại mà chị bủn rủn, má nằm trên tầng đến lúc con cháu lên kêu xuống nhà thì thấy má nằm thổ huyết và bất tỉnh rồi. Báo tin ai nấy bủn rủn chân tay không ngờ nổi luôn, hậu sự chỉ biết chông cậy vào bên tang lễ chứ không ai còn tâm trí mà làm nữa. Chẳng nói với con cháu lời sau cuối nào luôn”.

Bà Nở em gái của bà Hoa, đau đớn cho biết: “Chị tôi sống lạc quan, thảnh thơi, hòa đồng với tất cả mọi người. 

Trước đây chị có nhà nhưng phải bán đi, rồi về ở cùng gia đình tôi. Hai chị em đi mướn nhà suốt. Nhà này mới chuyển đến ở được 4 tháng. Tiền thuê nhà là 10 triệu, chị cũng góp chút từ việc đóng phim. 

Trước đây sức khỏe chị vẫn bình thường, lai rai đi đóng phim. Mỗi lần chỉ được 1-1,5 triệu là hết mức rồi, ai thương thì cho thêm thôi, đóng phim ít tiền nhưng chị vẫn làm hoài.

Đến lúc chị bị té, rồi bị tai biến. Đi ra đi vô bệnh viện khoảng 20 ngày rồi đột ngột qua đời”.

Bà Nở, em gái cố nghệ sĩ Ánh Hoa. (Ảnh: Vietnamnet)

Được biết, từ sau khi bỏ cải lương để theo nghề diễn, trong gần 35 năm nay, bà đã có gần 250 vai diễn, riêng vai bà mẹ đã có hơn 210 vai.

Chúc Di (t/h)

Ad will display in 09 seconds

Tinh Hoa kể chuyện: Lý Ký trảm xà

Ad will display in 09 seconds

LÀM GÌ KHI ĐỐI DIỆN VỚI KHÓ KHĂN ?

Ad will display in 09 seconds

Sự biến mất 13 hộp sọ kì dị nhất thế giới

Ad will display in 09 seconds

Chỉ cần không lo, không sợ thì đã là người quân tử rồi sao

Ad will display in 09 seconds

Vì sao chiều chuộng cháu mình nhưng người em lại bị anh trai kiện

Ad will display in 09 seconds

Vì sao TT Trump bị một số người gọi là “kẻ ngốc”?

Ad will display in 09 seconds

Vì sao Phật chỉ nhận cúng dường của cô gái nghèo

Ad will display in 09 seconds

Lấy của người giàu chia cho người nghèo là tốt hay là xấu?

Ad will display in 09 seconds

Luân hồi 3 kiếp: "Cuối cùng tôi cũng được thân người"

Ad will display in 09 seconds

Ác nghiệp khi phá thai, xem xong đừng khóc!

  • Tinh Hoa kể chuyện: Lý Ký trảm xà

    Tinh Hoa kể chuyện: Lý Ký trảm xà

  • LÀM GÌ KHI ĐỐI DIỆN VỚI KHÓ KHĂN ?

    LÀM GÌ KHI ĐỐI DIỆN VỚI KHÓ KHĂN ?

  • Sự biến mất 13 hộp sọ kì dị nhất thế giới

    Sự biến mất 13 hộp sọ kì dị nhất thế giới

  • Chỉ cần không lo, không sợ thì đã là người quân tử rồi sao

    Chỉ cần không lo, không sợ thì đã là người quân tử rồi sao

  • Vì sao chiều chuộng cháu mình nhưng người em lại bị anh trai kiện

    Vì sao chiều chuộng cháu mình nhưng người em lại bị anh trai kiện

  • Vì sao TT Trump bị một số người gọi là “kẻ ngốc”?

    Vì sao TT Trump bị một số người gọi là “kẻ ngốc”?

  • Vì sao Phật chỉ nhận cúng dường của cô gái nghèo

    Vì sao Phật chỉ nhận cúng dường của cô gái nghèo

  • Lấy của người giàu chia cho người nghèo là tốt hay là xấu?

    Lấy của người giàu chia cho người nghèo là tốt hay là xấu?

  • Luân hồi 3 kiếp: "Cuối cùng tôi cũng được thân người"

    Luân hồi 3 kiếp: "Cuối cùng tôi cũng được thân người"

  • Ác nghiệp khi phá thai, xem xong đừng khóc!

    Ác nghiệp khi phá thai, xem xong đừng khóc!

x