Truyền thông Pháp: ĐCSTQ đã bịa đặt 3 lời nói dối lớn trong cơn dịch bệnh
Ngày càng có nhiều nước trên thế giới lên tiếng truy cứu trách nhiệm của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vì đã che giấu dịch bệnh. Gần đây, một kênh truyền thông của Pháp đã nói rằng, ĐCSTQ đã bịa đặt 3 lời nói dối lớn trong dịch bệnh, cũng chỉ ra rằng, tỷ lệ tử vong ở Pháp cao hơn 90 lần so với Trung Quốc là điều “không bình thường”.
Vào ngày 24/4, tờ “Le Figaro” của Pháp đưa tin, sau khi bùng phát dịch ở Vũ Hán, chính quyền ĐCSTQ đã che giấu ít nhất 3 việc, bao gồm nguồn gốc của virus, quy mô của dịch bệnh, và số ca tử vong trong nước.
Bài báo cho biết, ĐCSTQ đã chính thức đưa tin nói về trình tự gen của virus Vũ Hán gây ra bệnh dịch vào ngày 7/1, chứng minh virus có nguồn gốc từ tự nhiên, không phải là “vũ khí sinh hóa”. Nhưng việc virus đã lây lan bằng cách nào thì chính quyền ĐCSTQ vẫn luôn rất thận trọng.
ĐCSTQ chính thức tuyên bố rằng, chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán là nguồn phát virus, dơi đã lây virus cho người qua vật chủ trung gian là tê tê. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều phân tích khoa học phủ nhận tuyên bố này.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, trong số những ca nhiễm sớm nhất, có người chưa từng đến Chợ hải sản Hoa Nam, chứng minh chợ cũng không phải là nguồn phát virus.
Nhiều người cho rằng, virus có khả năng là do sơ suất của con người, nó đã bị rò rỉ từ Phòng thí nghiệm sinh học Vũ Hán rồi dẫn đến dịch bệnh. Tuy nhiên, chính quyền ĐCSTQ không cho phép các nhà điều tra của các quốc gia khác đến phòng thí nghiệm này để tìm hiểu nguồn gốc của virus.
Gần đây, cơ quan tình báo Mỹ đã bắt đầu điều tra khả năng rò rỉ virus từ Phòng thí nghiệm Virus Vũ Hán. Anh và Pháp cũng tham gia vào cuộc điều tra này, mặc dù cả 2 nước trước đây đã từng hỗ trợ Trung Quốc xây dựng phòng thí nghiệm trên.
Ngoài việc che giấu nguồn phát virus, ĐCSTQ đã liên tục nói dối trong quá trình đối phó với dịch bệnh.
Bài báo cho biết, lời nói dối của ĐCSTQ là thuyết phục công chúng tin rằng, virus có liên quan đến thói quen ăn thịt động vật hoang dã, sau đó chèn ép “người thổi còi” Lý Văn Lượng và 8 bác sĩ khác, mãi cho đến ngày 20/1 mới công khai xác nhận virus lây truyền từ người sang người.
Ca bệnh được chẩn đoán đầu tiên đã được thông báo vào ngày 8/12/2019, nhưng mãi đến ngày 23/1/2020 chính quyền mới phong tỏa Vũ Hán, virus đã lây lan trên diện rộng trong suốt 46 ngày, cuối cùng đã lan truyền khắp thế giới.
Bài báo cho biết, so với châu Âu, Trung quốc với 1,4 tỷ người, nhưng số liệu về dịch bệnh do chính quyền ĐCSTQ công bố thì thật nực cười và đầy nghi vấn. Theo tính toán thì tỷ lệ tử vong do dịch bệnh ở Pháp cao gấp 90 lần so với Trung Quốc.
Mathieu Duchatel, người phụ trách kế hoạch Châu Á tại Institut Montaigne của Viện chính sách Pháp nói rằng, số liệu này là “bất thường”.
Sau khi đối mặt với những nghi ngờ từ ngoại giới, vào ngày 17/4, Trung Quốc đã điều chỉnh để tăng số người tử vong ở Vũ Hán lên 50%, nói rằng lúc trước xảy ra “lỗi tính toán”. Nhưng số liệu này cũng không làm ngoại giới thêm tin tưởng, ngược lại nó càng thể hiện rõ thực tế là ĐCSTQ đã làm giả số liệu dịch bệnh.
Vào cuối tháng 3, Vũ Hán bắt đầu giao hũ tro cốt của những người bị tử vong do dịch bệnh cho người nhà của họ, điều này khiến ngoại giới càng thêm nghi ngờ về số người tử vong thực sự ở Vũ Hán.
Theo các công bố khác nhau trên Caixin, tính theo số lượng hũ tro cốt do 8 nhà tang lễ lớn ở Vũ Hán phân phát, ít nhất 46.000 người ở Vũ Hán đã chết vì virus Vũ Hán.
Tờ Le Figaro cho rằng, con số này đáng tin cậy hơn nhiều so với hơn 4.000 người tử vong được chính quyền ĐCSTQ công bố chính thức trước đó.
Ngày 25/4, Le Figaro đã đăng một bài bình luận khác chỉ ra rằng, ĐCSTQ đã nói dối trong suốt 70 năm.
Bài viết nói rằng, ở Trung Quốc Đại lục, truyền thống cầm quyền dựa vào lời nói dối của Mao Trạch Đông cũng không có mất đi khi ông qua đời. Nói dối để trị quốc đã trở nên phổ biến, đầu tiên đều là tự bịa đặt ra số liệu, bất kể là virus Vũ Hán hay là cái gì khác, đều không có ngoại lệ.
Tần Bằng, một nhà bình luận chính trị và kinh tế tại Hoa Kỳ, đã viết trên Twitter: “Cảm khái với sự thay đổi của thế sự, trong thời đại của Giang Trạch Dân, báo chí cũng từng mù quáng đi theo cơ quan ngôn luận chính thức của ĐCSTQ để công bố tin tức. Với sự thay đổi của thời gian, ĐCSTQ ngày càng lớn mạnh, dã tâm ‘giải phóng toàn nhân loại’ cuối cùng không cần phải che giấu dưới bộ mặt ‘cải tiến’ nữa, thế giới cũng dần nhận ra rồi”.
Tờ Charlie Hebdo, một tờ báo châm biếm nổi tiếng của Pháp, trên trang bìa của số báo mới nhất vào ngày 24/4 là một bức hình minh họa cho thấy Tập Cận Bình đang hút thuốc lá và ôm một con tê tê nằm ở trên giường, phía dưới còn viết “Trung Quốc…thật sự đã khai báo tất cả sao?”, cho thấy nghi vấn rằng ĐCSTQ đã che giấu tình hình thực sự của dịch bệnh.
Minh Huy (Theo NTDTV)