Truyền kỳ về vị cao tăng nhà Đường cùng thần tích khiến hậu thế phải cảm thán
Phan Liễu Quyền là một vị cao tăng nổi tiếng thời nhà Đường, từ nhỏ đã có sự khác biệt với người khác. Sau này, nhờ một lòng hướng tâm tu Phật mà ông đã tạo nên những giai thoại thần kỳ, để lại cho đời sau một di sản vô cùng quý giá.
Linh Quang Tự là một trong bốn ngôi chùa nổi tiếng của Quảng Đông, vốn tên là Thánh Thọ Tự, ban đầu được xây dựng vào thời Đường Ý Tông Hàm Thông (năm 867), vào thời Đại Minh sửa chữa đổi tên thành Linh Quang Tự, đến nay có lịch sử hơn 1100 năm.
Lai lịch khác thường
Tổ sư xây dựng Thánh Thọ Tự là Phan Liễu Quyền (812-861), một cao tăng nổi tiếng vào thời Đường. Theo “Phúc Kiến Thông Chí” ghi lại, Phan Liễu Quyền lúc mới sinh tay trái nắm chặt, không chịu duỗi ra nên cha mẹ gọi ông là “Quyền”. Ba ngày sau, có một tăng nhân đi ngang qua nhà ông, hỏi rằng có thể xem mặt đứa con luôn nắm chặt tay đó không, cha Phan Quyền bèn bế ra cho nhà sư xem.
Nhà sư sau khi nhìn kỹ càng, không ngớt lời niệm “A Di Đà Phật”, lấy bút ghi trên mu bàn tay Phan Quyền một chữ “Liễu”, nắm tay liền mở ra, vì thế lại có tên “Liễu Quyền”. Lúc đó mây lành nổi lên, muôn vàn kim quang sáng chói như Thần Phật đến thế gian. Trước khi chia tay, đứa bé đó cười với nhà sư một tiếng, nhà sư nói: “Mười bảy năm sau gặp lại”. Dứt lời phiêu nhiên mà đi.
Phan Liễu Quyền từ nhỏ đã có sự khác biệt với người thường. Trong “Phúc Kiến Thông Chí” ghi lại, ông “tám tuổi chăn trâu, ngồi thiền trên đá như lão tăng. Dùng cây vẽ một vòng, trâu không chạy mất”. Có một lần, ông vẽ vòng tròn để cho trâu ngồi bên trong đợi, còn mình thì cùng những đứa trẻ khác chạy đi chơi ở khắp nơi, mấy ngày sau trở lại, trâu vẫn còn ở trong vòng, không đi đâu cả, còn ngoan ngoãn ăn cỏ như thường, cứ thế lớn lên béo ú.
Lúc mười bảy tuổi, Phan Liễu Quyền xuất gia làm tăng, bái phỏng danh sư khắp nơi. Một ngày, ông đến núi Âm Na huyện Mai, từ xa nhìn lại, núi non trùng điệp, rừng cây xanh mướt, ráng mây rực rỡ, trông giống như bàn tay thần tiên xuyên thẳng vào đám mây. Phan Liễu Quyền nhận ra dấu hiệu “Liễu Quyền” mà vị thánh tăng xưa từng chỉ điểm, vì thế ở lại nơi này dựng thất tu hành.
Thành tâm tu hành được tiên nhân trợ giúp
Trong một lần Phan Liễu Quyền vân du, từng ở lại chỗ của một gia đình họ Viên. Viên gia có một người con gái, thấy ông ý chí tu hành kiên định nên nhận ông làm đệ đệ, đồng thời ra sức giúp đỡ nguyện vọng xây chùa trên núi của ông.
Núi Âm Na cạnh động Âm Na, núi cao cốc sâu, hoang vu vắng vẻ. Phan Liễu Quyền ở chỗ này phá núi xây chùa, trải qua đủ loại gian khổ. Nghe nói đến tiên nhân cũng cảm động trước sự thành tâm tu hành một lòng hướng Phật của ông, thường xuyên hiện thân giúp đỡ cho ngôi chùa.
Phan Liễu Quyền ngày ngày lên núi lao động chân tay, người chị ở nhà nấu cơm, đưa cơm cho ông ăn. Kỳ quái là, mỗi ngày dù làm bao nhiêu cơm, Phan Liễu Quyền đều ăn hết, thậm chí có ngày ăn cả một đấu gạo. Người chị cảm thấy kỳ lạ, ngày hôm sau lúc đưa cơm, bà buộc con chó hàng ngày theo mình lại ở nhà, tự mình vào chỗ xây dựng chùa.
Lúc đó các tiên nhân trợ giúp xây chùa thấy vậy liền hóa thân bỏ chạy, có hai người chạy không kịp, đã biến thành bù nhìn. Nghe nói hai bù nhìn người này hấp thụ tinh hoa trời đất nhiều năm, mấy trăm năm sau vẫn sừng sững ở đầu tường.
Lại một ngày, Phan Liễu Quyền đốn củi, người chị đến đưa trà cho ông, núi cao rừng rậm, chỉ nghe tiếng cưa búa, không thấy bóng dáng ông đâu. Phan Liễu Quyền từ xa nói chị cứ đổ trà vào trong sơn cốc là ông có thể uống, người chị liền đổ trà vào cái hố trong núi, liền tức thì biến thành hố trà. Địa danh hố trà vì vậy mà xuất hiện, nằm ở gần khu quản lý trà núi Âm Na, đến nay hố ấy vẫn chảy ra màu trà thanh tuyền.
Cảm hóa chúng sinh hiển lộ thần tích
Phan Liễu Quyền thành tâm hướng Phật, ăn chay không sát sinh. Có lần người thợ trong am bắt được cá tươi dưới suối, đang ở trong bếp đun nước, Phan Liễu Quyền nhìn thấy bèn khuyên anh ta thả con cá trong nồi lại về suối, con cá bị nấu nửa chừng kia vậy mà cải tử hoàn sinh, sau đó sinh con đẻ cái. Trong khe suối của núi Âm Na đến nay có một loại cá nhỏ nửa trắng nửa đỏ, người đời gọi nó là “Hỏa thiêu tức”.
Còn có một lần, có tín đồ nhặt được ốc dưới suối định làm đồ ăn. Sau khi chặt phần đuôi ốc, đang chuẩn bị bỏ vào nồi, Phan Liễu Quyền nhìn thấy nói: “Người tin Phật không được sát sanh”, người đó bèn thả ốc về lại suối. Từ đó về sau, loại ốc này trở thành một loài thủy sinh đặc sắc của núi Âm Na.
Phan Liễu Quyền ở núi Âm Na tu hành được 20 năm, tự nhận là trong tâm áy náy không thể phát huy Phật pháp, phổ độ chúng sinh, tự lấy hiệu là “Tàm Quý” (hổ thẹn). Sau khi ông viên tịch, mọi người tôn ông là “Tàm Quý tổ sư”.
Đệ tử muốn khắc tượng của ông, nhưng bởi vì lúc còn sống ông không lưu lại bức tranh nào, thợ thủ công cũng hết cách. Một ngày nọ, người thợ bỗng nhiên trong lúc ngủ mơ gặp một lão tăng nói với mình, muốn khắc tượng tổ sư, cứ nhìn ta là được. Bỗng nhiên trời nổi gió mát, người thợ bừng tỉnh, liền dựa theo tướng mạo của lão tăng trong mộng khắc ra bức tượng tổ sư. Lão hòa thượng trong chùa nhìn thấy, nói quả đúng là tổ sư rồi.
Có một năm nọ, một người Triều Châu đến núi Âm Na để bái lạy, xin đem tượng tổ sư đến Triều Sán cầu mưa, lại mãi không trả, hai địa phương kiện tụng tranh giành, quan phủ phán xử, đem đặt tượng lên thuyền rồi nói với bức tượng, nếu như tổ sư mong muốn ở lại, vậy thì xuôi dòng mà xuống, nếu không muốn, thì ngược dòng mà lên. Lời còn chưa dứt, con thuyền đã trôi ngược dòng, tranh chấp này cuối cùng đã được giải quyết.
Linh Quang Tự là do Phan Liễu Quyền tự tay lập nên, mặc dù đã trải qua sửa chữa, nhưng vẫn còn rất nhiều điều thần kỳ. Phía sau đại điện là núi rừng rậm rạp, nhưng xuân qua thu tới, trên nóc đại điện chưa bao giờ có một mảnh lá rụng.
Hơn 1100 năm trước, Phan Liễu Quyền tự tay trồng hai cây bách ở trước chùa, ngày nay hai cây bách này, một cây cành lá tươi tốt, cao vút trong mây, còn một cây đã chết héo hơn ba trăm năm. Kỳ quái là, cái cây chết héo kia ngoại trừ không có lá xanh, trải qua mưa gió vẫn không mục rữa hư hại, cao lớn y như gốc cây còn sống. Hai cây này được người đời gọi là “Sinh tử bách”.
-
Bí ẩn cao tăng Tây Tạng viên tịch hóa thành ánh sáng cầu vồng thăng thiên
-
Đạo sĩ tu luyện 300 năm trong núi sâu vén mở bí mật về công năng đặc dị
Tuệ Tâm, theo Kan NewYork