Trương Tam Phong phục sinh sau 7 ngày, làm thơ dự ngôn sau 2 năm trở thành sự thực
Trương Tam Phong là người sáng lập ra Võ Đang, cả đời lưu lại vô số thần tích, nổi tiếng là một vị Thần tiên sống. Theo sách sử ghi lại, Trương Tam Phong đã từng tiên đoán bản thân sắp qua đời, không ngờ sau khi “chết” 7 ngày thì liền sống lại, cũng để lại cho đệ tử một bài thơ dự ngôn, 2 năm sau thì lời tiên đoán đã thành sự thực.
Trương Tam Phong tiên đoán nhà Nguyên bị tiêu diệt, nhà Minh hưng thịnh
Trong “Minh sử – Phương kỹ truyện” có ghi lại, Trương Tam Phong là người ở Ý Châu, Liêu Đông, tên là Toàn Nhất, lại cũng có nơi gọi là Quân Bảo, hiệu là Tam Phong. Trương Tam Phong khi hơn một trăm tuổi vẫn có phong thái mạnh mẽ, bất kể nóng lạnh chỉ mặc một cái áo vá; mỗi bữa có thể ăn mấy đấu cơm, cũng có thể mấy ngày, thậm chí mấy tháng không ăn; leo núi nhanh nhẹn như bay, trời rét vẫn có thể nằm ngủ trong tuyết, ngáy to như sấm.
Trương Tam Phong từng ở tại núi Trần Thương tu đạo, về sau lại ẩn cư ở Kim Đài Quán của núi Lăng Nguyên mấy năm. Một ngày, Trương Tam Phong ngẫu nhiên nhìn thấy ba ngọn núi cao xuyên qua mây rất đẹp, ông liền tự đặt hiệu cho mình là “Tam Phong cư sĩ”. Trương Tam Phong đã trở thành cái tên được lưu truyền rộng nhất của ông.
Những năm cuối triều đại nhà Nguyên, mùa Thu năm Chí Chính thứ 26 (năm 1366), Trương Tam Phong tại Kim Đài Quán dự cảm chính mình sắp qua đời, vì vậy làm thơ xướng tụng rồi qua đời.
Nhưng không ngờ chỉ 7 ngày sau, ngay lúc các đệ tử chuẩn bị đem “di thể” của ông đi chôn cất, Trương Tam Phong lại bất ngờ sống lại, rồi đưa cho đệ tử Dương Quỹ Sơn một bài thơ: “Nguyên khí mang mang phản thái thanh, hựu tùy chu tước hạ dao kinh. Bác sàng thất nhật hồn lai phục, thiên hạ tề khán nhật nguyệt minh“.
Trương Tam Phong trong bài thơ đã đưa ra lời tiên đoán: “Vận số triều Nguyên đã hết, thiên hạ để cho triều Minh làm chúa tể“. Khoảng chừng hai năm sau, lời tiên đoán của ông đã thành sự thực. Lúc ấy, nghĩa quân chống nhà Nguyên có thanh thế rất lớn, trong đó có Chu Nguyên Chương đã tiến hành Bắc phạt diệt Nguyên, lập nên nhà Minh.
Về chuyện Trương Tam Phong “chết mà sống lại“, thật ra là nguyên thần của ông rời khỏi cơ thể sau đó lại “hoàn hồn“, đây chính là tiên thuật của Đạo gia. Ông vốn có thể thoát khỏi sự ràng buộc của thân người để ngao du thiên hạ, sau đó lại thần bí trở về, dường như là ở nhân gian vẫn chưa hoàn thành xong sứ mệnh.
Lời tiên đoán Võ Đang hưng thịnh
Năm Hồng Vũ thứ nhất triều đại nhà Minh, Trương Tam Phong khi đó đã 130 tuổi, đi lên núi Võ Đang, tại Thiên Trụ Phong tế bái Huyền Vũ Đại Đế, thể hiện sự cảm tạ và cung kính đối với vị chủ Thần của một phương.
Núi Võ Đang từng là thánh địa của Đạo giáo, nhưng lúc đó gần như hoang phế, Trương Tam Phong an nhiên ở lại trong núi mà tĩnh tu.
Trong quá trình ẩn cư ở trên núi, đạo pháp của Trương Tam Phong ngày càng lan xa, hấp dẫn rất nhiều người đến bái sư học đạo. Ông ngoài truyền thụ Đạo pháp, cũng dẫn các đệ tử tu sửa Ngũ Long, Tử Tiêu, Nam Nham. Bọn họ phải dọn sạch cỏ gai, gạch ngói vụn, từ đống hoang tàn mà dựng lên phòng xá đơn giản, đã thay đổi hoàn toàn diện mạo của núi Võ Đang.
Về sau danh vọng của Trương Tam Phong đã truyền đến triều đình, năm Hồng Vũ thứ 17 triều đại nhà Minh, Hoàng Đế hạ chiếu cầu kiến Trương Tam Phong, lúc đó ông đã 137 tuổi, nhưng ông không đến. Thẩm Vạn Tam chân thành mời 18 năm nhưng ông cũng không đi. Đến năm Hồng Vũ thứ 23 (năm 1390), Trương Tam Phong ‘mất tích’, từ đó thong dong tự tại, không biết tung tích nơi đâu.
Trước khi rời đi, Trương Tam Phong dặn dò mấy đệ tử trông coi cung điện cẩn thận, ông dự đoán trong tương lai không xa, Võ Đang sẽ phát sinh một sự kiện huy hoàng. Trong “Minh sử – Phương kỹ truyện” có ghi lại, Trương Tam Phong có nói: “Núi này tương lai tất nhiên hưng thịnh“.
Mà việc đại sự này là để cho Minh Thành Tổ hoàn thành, cũng mang đến sự thịnh vượng cao nhất cho núi Võ Đang và tín ngưỡng Đạo giáo trong lịch sử văn minh Trung Quốc.
Theo sách sử ghi lại, Minh Thành Tổ khi vẫn còn là Phiên Vương, bởi Kiến Văn Đế tiến hành tước bỏ thuộc địa, nên Minh Thành Tổ khởi binh chống lại hoàng đế. Trước khi ra quân, trong doanh trại quân đội của Thành Tổ phát sinh một chuyện lạ. Ngày 5 tháng 7 năm Kiến Văn thứ nhất (năm 1399), Thành Tổ ở trước quân tế cờ, trên trời bỗng nhiên mây đen kéo đến dày đặc, các binh sĩ đứng gần cũng không nhìn thấy mặt nhau.
Thành Tổ buông tóc dài, tay mang trường kiếm, thần thái cực kỳ giống đại thần trên núi Võ Đang. Mọi người nhờ thế mới biết, Thành Tổ chính là Huyền Vũ Đại Đế hóa thân, ông với tư cách là chiến thần dẫn đầu quân đội đánh một trận oanh liệt và đương nhiên giành thắng lợi.
Thành Tổ cử binh chỉ 800 người, đối kháng với toàn bộ triều đình, là một trận chiến ác liệt với thực lực cách xa nhau. Nhưng trong quá trình giao chiến, quân của Thành Tổ được thần Huyền Vũ phù hộ, trên chiến trường nhiều lần xuất hiện cuồng phong nổi lên, cát bụi mù mịt, làm thế trận chuyển hướng có lợi cho Thành Tổ. Ba năm sau, Thành Tổ chiến thắng, ông liền đăng cơ xưng đế, khai sáng “Vĩnh Lạc thịnh thế”.
Năm Vĩnh Lạc thứ chín đến thứ mười hai (năm 1411 – năm 1424), Thành Tổ bỏ ra rất nhiều tiền của, triệu tập hơn 30 vạn quân cùng thợ thủ công, tiến hành tu sửa lại Võ Đang. Bọn họ căn cứ theo câu chuyện tu hành của Huyền Vũ Đại Đế, xây dựng chín cung, tám quán, cùng với 33 tòa cung điện khác nhau, làm nên “Hoàng thất gia miếu”, “Trị thế huyền nhạc” để cho thế nhân kính ngưỡng.
Trương Tam Phong bay lên từ kim điện
Trong “Trương Tam Phong toàn tập” có ghi, năm Vĩnh Lạc thứ 14, Minh Thành Tổ lệnh cho đệ tử của Trương Tam Phong là Tôn Bích Vân đến núi Võ Đang chờ Trương Tam Phong, cũng gửi đi thư mời. Trong thư nói, Thành Tổ “kính ngưỡng chân tiên đã lâu, khát khao gặp mặt nên xin đường đột“, ngưỡng mộ Trương Tam Phong “Vượt qua muôn vạn, hòa hợp tự nhiên“.
Nhưng mà Trương Tam Phong ẩn đi không gặp, để lại một bài thơ, đưa cho đệ tử Tôn Bích Vân về trao lại cho Thành Tổ, nói với Thành Tổ “Phúc đức vô cương“, mong rằng bệ hạ có thể “Thống trị với tâm sáng, loại trừ dục vọng mà tôn sùng đức“, bí quyết trường sinh chính là ở “Tâm sáng ít dục“. Minh Thành Tổ sau khi đọc thơ, phong cho Trương Tam Phong làm Võ Đang Chân Nhân.
Cũng năm đó, Minh Thành Tổ lệnh cho thượng thư Hồ Quảng tiếp tục tìm kiếm. Hồ Quảng đang đêm đi đến Võ Đang, dâng hương khóc lóc cầu xin. Trương Tam Phong thấy Hồ Quảng quá thống thiết, mới phi thân mà bay đi. Thành Tổ đang ở triều đình, nhìn thấy Trương Tam Phong, liền tới bái kiến. Trương Tam Phong vì vậy mà hát một câu ‘tìm Đạo cầu Chân đi về phía chân trời’, hát xong bỏ đi, thong dong đi xuống bậc thang. Bỗng đâu xuất hiện mây ngũ sắc, lan khắp cả điện đình, thật lâu sau mới tan đi. Trương Tam Phong phi thân mà đi, quân thần đều tán thán, trên đời này quả là có chân tiên.
Chân Chân (Theo NTDTV)