Trung Quốc tuyên bố chế tạo thành công động cơ “bất khả thi” trước NASA
Trong khi NASA chỉ mới được tiết lộ rằng đang nghiên cứu chế tạo động cơ không cần nhiên liệu được xem là “bất khả thi” thì các nhà khoa học Trung Quốc đã tuyên bố thành công chế tạo ra công nghệ này.
Tháng 11/2016, một nguồn tin rò rỉ tại NASA tiết lộ cơ quan này đang tìm cách biến động cơ “bất khả thi” trong vật lý trở thành hiện thực. Theo đó, phiên bản động cơ mang tên EmDrive sẽ chẳng cần đến nhiên liệu hay bất kỳ đầu phóng tên lửa truyền thống nào bên trong, mà vẫn đưa được con người lên sao Hỏa chỉ trong vòng 10 tuần.
Trên thực tế nếu không sử dụng nhiên liệu, một động cơ sẽ không thể hoạt động được, vì như vậy là trái với Định luật 3 Newton. Thế nhưng trong buổi hội thảo tại Bắc Kinh gần đây, các chuyên gia của Cast – công ti con thuộc Tổng công ty khoa học hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASC) – tuyên bố rằng họ đã được chính phủ trợ cấp tiền nghiên cứu từ năm 2010, và tạo ra được một thiết bị đang được thử nghiệm trên quỹ đạo của Trái Đất.
Theo tiến sĩ Chen Yue – trưởng bộ phận truyền thông vệ tinh tại Cast: “Các viện nghiên cứu những năm gần đây đã thực hiện nhiều thử nghiệm trên EmDrive. Công bố của NASA mang tính xác nhận lại có tồn tại công nghệ như thế. Chúng tôi thì thành công trong việc xây dựng một số mẫu động cơ rồi“.
“Chúng tôi thực hiện nhiều thí nghiệm để hoàn thành động cơ đẩy ở mức độ siêu nhỏ, cùng một quá trình kéo dài vài năm để tìm ra các nhân tố ảnh hưởng. Kết luận là động cơ dạng này vẫn có thể hoạt động trong vũ trụ“.
Động cơ “bất khả thi” này dự định sẽ được áp dụng lên phòng thí nghiệm không gian Thiên Cung 2.
Tuy nhiên theo Li Feng, giám đốc thiết kế của Cast, phiên bản động cơ của họ mới tạo ra lực đẩy khoảng vài milinewton. Để hoạt động được trên vệ tinh, lực đẩy phải rơi vào tầm 0,1-1 Newton. Tức là họ sẽ phải thiết kế lại động cơ này để giải quyết được toàn bộ các vấn đề còn vướng mắc.
“Công nghệ này đang bước vào giai đoạn tiếp theo, với mục đích đưa nó áp dụng vào các vệ tinh hiện nay càng nhanh càng tốt. Dù khó, nhưng chúng tôi tin mình làm được“, Li Feng hào hứng tuyên bố.
Và nếu thành công, động cơ này sẽ trở thành nền tảng để các chuyên gia tiếp tục chế tạo phương tiện đưa con người du hành đến những hành tinh xa hơn trong vũ trụ.
Thế nào là động cơ “bất khả thi”
Bình thường, động cơ tên lửa truyền thống có sử dụng nhiên liệu để đốt cháy và thải qua ống phản lực. Trong môi trường chân không ngoài vũ trụ, động cơ sẽ phun nhiên liệu qua ống, tạo ra lực đẩy giúp tàu tiến về phía trước.
Vậy nếu như không dùng nhiên liệu nữa, động cơ liệu có thể hoạt động trong vũ trụ? Vật lý học trả lời, điều này là bất khả thi.
Theo GenK