Trung Quốc lợi dụng dịch bệnh để kiểm soát người dân 24/24
Với lý do đối phó dịch bệnh, chính quyền Trung Quốc đã tạo ra một ứng dụng trên điện thoại thông minh, nhằm theo dõi và tìm ra di chuyển của những người có nguy cơ bị lây nhiễm COVID-19 cao.
Chính quyền đang lên phương án thực hiện điều này một cách cố định và lâu dài. Động thái đã gây ra nhiều quan ngại tại Trung Quốc, nhất là khi quốc gia này đã từng được cho là không coi trọng quyền bảo mật cá nhân của người dân.
Cuối tuần qua, sự phẫn nộ đã bao trùm khắp các nền tảng xã hội Trung Quốc, sau khi các quan chức phía Đông thành phố Hàng Châu thông báo, có thể thiết kế phiên bản đánh giá sức khỏe trên điện thoại thông minh, vốn ban đầu được phát triển chỉ để hỗ trợ công tác đẩy lùi dịch bệnh Vũ Hán.
Thông báo trên khiến người dùng mạng cáo buộc chính quyền thành phố đang lợi dụng đại dịch để tiến hành đẩy mạnh công cuộc giám sát người dân.
Cuộc tranh cãi xảy ra vài ngày sau khi Lý Ngạn Hoành – CEO của công ty cung cấp dịch vụ tìm kiếm Baidu, đề xuất các quy tắc mới nhằm hạn chế thu thập thông tin cá nhân nhạy cảm thuộc một phần công tác đẩy lùi đại dịch.
Theo dõi tình hình đại dịch qua một ứng dụng trên điện thoại thông minh
Nhằm nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, chính quyền Trung Quốc đã tích cực triển khai phương án giám sát kỹ thuật số. Bên cạnh việc theo dõi những bệnh nhân có nguy cơ mắc COVID-19 thông qua camera đo nhiệt cơ thể và dữ liệu vị trí thu được từ điện thoại, chính quyền còn triển khai những ứng dụng đánh giá sức khỏe dựa trên mã code QR, để quản lý và theo dõi sự di chuyển người dân, hành động này được tiến hành tùy thuộc vào sự đánh giá mức nguy cơ lây nhiễm của mỗi công dân.
Thượng Hải, Hàng Châu là một trong những thành phố đầu tiên tung ra ứng dụng đánh giá sức khỏe. Ứng dụng được phát triển bởi các nhà chức trách, cùng sự giúp đỡ của Tập đoàn Alibaba có trụ sở tại Hàng Châu. Ứng dụng theo dõi tình trạng sức khỏe và lịch sử du lịch của người dân, nhằm tìm ra những người có nguy cơ nhiễm COVID-19 cao.
Ngày 3/7, Ủy ban y tế thành phố thông báo, họ đang phát triển một phiên bản mới cố định ứng dụng đánh giá sức khỏe cho người dân bằng một thang màu, dựa trên việc đối chiếu hồ sơ y tế, kết quả kiểm tra thể chất và các thói quen sinh hoạt, chẳng hạn như tiêu thụ đồ uống chứa cồn và hút thuốc.
Giám đốc Ủy ban Y tế thành phố Hàng Châu – Sun Yongrong cho biết, người dân cũng sẽ được đánh giá sức khỏe trên thang điểm từ 0-100. Sau đó, chính quyền sẽ sử dụng điểm đánh giá này để lập bảng xếp hạng sức khỏe.
Kế hoạch này đã vấp phải làn sóng chỉ trích từ cộng đồng mạng xã hội Weibo Trung Quốc.
“Một khi quyền lực đã được thực thi thì sẽ khó để rút lại nó. Một khi chúng ta từ bỏ những quyền lợi của bản thân trong các tình cảnh đặc biệt, chúng ta sẽ khó có thể lấy lại được nó”, một người dùng mạng bình luận.
Nhiều người dùng mạng đã ví kế hoạch này giống như Black Mirror – một series phim truyền hình nổi tiếng về khoa học viễn tưởng với những kết quả bất ngờ do công nghệ mới đem lại.
Trung Quốc thiếu luật bảo vệ dữ liệu cá nhân
Lý Ngạn Hoành đã đệ trình lên các nhà lập pháp một đề xuất chính thức không ràng buộc, yêu cầu tạm dừng việc thu thập dữ liệu vốn được tiến hành để kiểm soát dịch bệnh COVID-19. Đề xuất kêu gọi đưa ra những quy định rõ ràng về việc quản lý dữ liệu đã được thu thập nhằm hạn chế tối đa nguy cơ tình trạng rò rỉ và lạm dụng thông tin.
Bản thân vị CEO của Baidu cũng không còn xa lạ gì với những tranh cãi liên quan đến việc thu thập dữ liệu. Năm 2018, ông đã gây tranh cãi khi phát biểu tại một diễn đàn cấp cao ở Bắc Kinh rằng, người dân Trung Quốc sẵn sàng “đánh đổi quyền riêng tư vì tính tiện nghi, an toàn và hiệu quả”. Tuy nhiên, sau đó ông khẳng định Baidu chỉ sử dụng dữ liệu cá nhân mà người dùng đã đồng ý cung cấp.
Đầu tháng 7/2020, một cuộc khảo sát được công bố bởi Học viện Trí tuệ nhân tạo Bắc Kinh và Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc phát triển công nghệ nhận dạng khuôn mặt, mà theo các công ty công nghệ cho biết có thể nhận dạng khuôn mặt một người dù họ đang đeo khẩu trang.
Khi các công ty, tập đoàn Trung Quốc và cơ quan chính phủ tìm cách thu thập một lượng lớn dữ liệu, thì đối với người dân Trung Quốc, đặc biệt là tại các thành phố lớn, đó là những mối nguy hại đến quyền riêng tư, thật sự quan ngại.
Trong báo cáo tại cuộc họp thường niên của quốc hội Trung Quốc, nhà lập pháp trưởng Lật Chiến Thư cho biết, chính phủ sẽ thúc đẩy nỗ lực thông qua luật bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhằm cải thiện “an ninh quốc gia và quản trị xã hội”.
Hiện tại, các biện pháp bảo vệ an ninh cá nhân tại Trung Quốc đang rơi vào tình trạng hỗn loạn, với các quy định như bảo vệ người tiêu dùng, an ninh mạng và các quy định khác.
Tuy nhiên, một bộ luật an ninh quốc gia sẽ thay thế các quy định kể trên, buộc các tập đoàn, công ty mạng phải thông qua chính phủ để được tiếp cận một lượng lớn dữ liệu.
Việt Anh (theo Natural News)