Trung Quốc: Hàng loạt các nhà máy điêu đứng vì phải hoạt động dưới công suất
Tốc độ tăng trưởng của các nhà máy Trung Quốc đang suy yếu dần, do nhu cầu toàn thế giới vẫn ở mức ảm đạm. Trong khi đó, đại dịch Vũ Hán đang tái bùng phát mạnh mẽ tại Bắc Kinh, cùng sự gia tăng số lượng ca lây nhiễm toàn cầu đang đe dọa đến khả năng phục hồi kinh tế của Trung Quốc.
Reuter đưa tin, theo dự đoán trung bình của 29 nhà kinh tế, chỉ số quản lý mua hàng (PMI) công bố ngày 30/6 giảm nhẹ từ 50.6 trong tháng 5 xuống còn 50.4. Ngưỡng chỉ số trên 50 cho thấy sự tăng cường mở rộng các hoạt động kinh tế.
Tháng 4/2020, Vũ Hán – vùng tâm chấn dịch bệnh đầu tiên đã được gỡ bỏ lệnh cấm du lịch, Trung Quốc về cơ bản đã bước vào giai đoạn phục hồi sau nhiều tuần thi hành lệnh phong tỏa nghiêm ngặt, tê liệt kinh tế.
Tuy nhiên, nhu cầu xuất khẩu vẫn ở mức yếu, do số ca nhiễm COVID-19 còn đang gia tăng trên toàn thế giới. Một số người lo ngại rằng, một cuộc suy thoái kinh tế toàn thế giới sẽ xảy ra tệ hơn dự kiến, nếu một đợt bùng phát COVID-19 thứ 2 nổ ra và buộc nhiều quốc gia phải “tái thi hành lệnh phong tỏa chặt chẽ”.
Đầu tháng 6, một ổ dịch COVID-19 mới đã bùng phát tại Bắc Kinh, theo báo cáo của phía chính quyền, đến nay đã có thêm hơn 200 ca nhiễm mới, điều này là mối đe dọa đến nền kinh tế hiện nay của Trung Quốc.
Ngày 29/6, ngân hàng đầu tư Morgan Stanley đã thông báo, “chúng tôi nhận được một nhắc nhở nghiêm ngặt vào tuần này rằng, cuộc chiến chống lại dịch bệnh COVID-19 vẫn chưa kết thúc, số ca nhiễm mới trên toàn thế giới đã đạt đến mức đỉnh dịch mới cao gấp 3 lần”.
Không còn nhiều cơ hội
Trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng ở mức ảm đạm, và những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã khiến các nhà máy tại Trung Quốc, và nhiều nơi khác phải hoạt động dưới công suất.
Hu Yanhong – một nhà nghiên cứu tại Công ty TNHH Yingda Securities cho biết, “Công tác tái hoạt động tại Trung Quốc đang ở mức ổn định. Tuy nhiên, không còn quá nhiều cơ hội [để phục hồi] như những tháng trước được nữa”.
Vào tháng 5, tỷ trọng xuất khẩu của Trung Quốc đã nằm ngoài dự kiến khi chỉ giảm 3,3% do nhu cầu cung ứng y tế vì ảnh hưởng của dịch bệnh. Tuy nhiên, Capital Economics nhấn mạnh rằng, tình hình tăng trưởng này “có thể sẽ không kéo dài do quá trình chuyển đổi sang hình thức làm việc tại nhà, công tác dự trữ khẩu trang và các thiết bị bảo hộ khác đang dần chậm lại”.
Về những căng thẳng dai dẳng trong khâu sản xuất, mức giá sản phẩm tại Trung Quốc vào tháng 5 cũng đã sụt giảm với tốc độ nặng nề nhất trong hơn 4 năm vừa qua.
Chính quyền Bắc Kinh đã công bố một loạt các phương án thúc đẩy nền kinh tế, và hỗ trợ việc làm. Hội đồng chính phủ nhà nước trong tháng 6 cũng đã lập ra một số kế hoạch, để tận dụng nhiều hơn các công cụ tiền tệ như cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc ngân hàng (RRR), tái cho vay để giúp các doanh nghiệp được hưởng các khoản vay rẻ hơn.
Chỉ số quản lý mua hàng của Caixin/Markit trong lĩnh vực tư nhân, và các doanh nghiệp có định hướng xuất khẩu quy mô nhỏ, dự kiến sẽ giảm nhẹ xuống mức 50,5 trong tháng 6, so với tháng trước là 50,7. Cuộc khảo sát nội bộ chỉ số quản lý mua hàng được dự kiến sẽ công bố vào ngày 1/7/2020.
Việt Anh(theo Epoch Times)