Trung Quốc: Giới trẻ rộ lên trào lưu mặc Hán phục
Cùng với sự tăng trưởng của nền kinh tế, các khía cạnh khác của nền văn hoá truyền thống Trung Hoa vốn bị đàn áp trong một thời gian dài nay lại một lần nữa trở lên phổ biến. Hán phục, trang phục truyền thống của người Hán vào thời Trung Quốc cổ đại đang dần trở thành một ‘cơn sốt trong giới trẻ, đồng thời cũng được chính phủ TQ quảng bá như một phần của bản sắc dân tộc.
Cơn sốt Hán phục
Phong trào phục hưng Hán phục – trang phục truyền thống của dân tộc Hán vào thời Trung Quốc cổ đại, được cho là bắt đầu vào năm 2003 khi một vài người khởi xướng việc công khai mặc trang phục thời Hán. Dần dần, mọi người cũng bắt kịp theo xu hướng này và các trường đại học bắt đầu có những câu lạc bộ dành riêng cho Hán phục…
Hán phục là trang phục cổ đại được ưa thích phổ biến nhất, so với trang phục từ các triều đại Tống, Minh và Đường.
Điều thu hút mọi người, đặc biệt là phụ nữ, đối với Hán phục là họ có thể cảm nhận được vẻ đẹp của bản thân sau khi mặc nó.
“Thay đổi lớn nhất đối với cá nhân tôi là tôi trở nên tự tin hơn khi mặc Hán phục, tôi cảm thấy như mình là người đẹp nhất thế giới”, một người phụ nữ nói với báo Reuters.
Ngoài ra, các cô gái trẻ thường đến thăm những nơi có kiến trúc cổ xưa trong những bộ trang phục từ thời Hán để chụp ảnh đăng lên mạng xã hội. Các hoạt động và trò chơi theo chủ đề Hán phục cũng đang dần phổ biến trong các tổ chức giáo dục.
Một bộ Hán phục đơn có thể có giá từ 30 đến hàng ngàn đô la tùy thuộc vào chất lượng của vật liệu được sử dụng. Ước tính thị trường Hán phục có hơn 2 triệu khách hàng trên khắp Trung Quốc với quy mô thị trường hơn 1,4 tỷ USD.
“Ở một mức độ nào đó, sự hồi sinh của Hán phục chính là sự hồi sinh của văn hóa từ thời Hán, và sự hồi sinh của văn hóa từ thời Hán cũng lại là sự hồi sinh của văn hóa Trung Quốc… ”, ông Trần Trẫm Băng, chủ tịch Hiệp hội Hán phục Trung Quốc nói.
Vấn đề gây tranh cãi
Mặc dù vậy nhưng cũng có những vấn đề gây tranh cãi xung quanh sự quảng bá về Hán phục ở nước này. Trong khi trang phục của dân tộc Hán đang chiếm ưu thế, chiếm 90% dân số Trung Quốc. Như vậy, trang phục truyền thống của các dân tộc khác được cho là sẽ bị thiệt thòi.
“Nó chỉ là trang phục, tại sao lại phải chính trị hóa nó? Nếu Hán phục là quốc phục của chúng ta thì các dân tộc thiểu số sẽ nghĩ gì?” Cao Chỉ Lạc, một nhiếp ảnh gia đến từ Lạc Dương ở miền trung Trung Quốc, tỉnh Hà Nam nói.
Một báo cáo nhân quyền năm 2018 đề cập đến việc Bắc Kinh đang tích cực ngăn cản người Duy Ngô Nhĩ mặc trang phục truyền thống của họ trong trường học. Thay vào đó, người Duy Ngô Nhĩ buộc phải mặc Hán phục như một phần của quá trình đồng hóa.
Nhiều người lo rằng việc tập trung quá mức vào việc biến Hán phục thành quốc phục có thể sẽ gây ra xung đột sắc tộc. Một số người còn cảm thấy rằng mặc trang phục cổ trang hàng ngày trong thế giới hiện đại là không thực tế, chẳng hạn mỗi ngày mọi người chúng ta vẫn tranh nhau lên xe buýt hay chúng ta có lúc phải di chuyển bằng xe đạp, mà mặc Hán phục như vậy rất có thể sẽ gây khó khăn trong sinh hoạt.
Phong trào phục hưng Hán phục còn có sự góp phần của những người theo trào lưu chính thống – họ coi bất kỳ sự sửa đổi nào đối với trang phục truyền thống đều là một sự xúc phạm.
Ví dụ, một số người ủng hộ Hán phục truyền thống họ khẳng định rằng trang phục truyền thống vốn không có túi. Những ai thay đổi truyền thống sẽ bị xem là những kẻ dị giáo theo quan điểm của những người theo chủ nghĩa Hán phục thuần túy.
Thiên Hoa biên dịch