Trung Quốc đột nhiên ngừng thu mua, nông dân Việt ngậm ngùi đem dứa cho bò ăn
Trung Quốc đang siết chặt nhập tiểu ngạch, ngừng việc thu mua qua con đường này nên dù Mường Khương, Lào Cai đang vào mùa dứa chín, nhưng dứa được thu hoạch lại chất đống khắp nơi, người dân phải vứt cho trâu bò ăn và thuê cả gần chục xe tải đổ đi.
Những năm gần đây, dứa được trồng nhiều ở Mường Khương, Lào Cai và chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch.
Từ cuối tháng 3 đến nay, các vùng trồng dứa tại nơi đây đang bước vào vụ thu hoạch rộ. Nhưng vì dứa chưa phải mặt hàng xuất khẩu chính ngạch ở Trung Quốc nên khi chính sách siết chặt nhập tiểu ngạch của thị trường này được ban hành dứa đã không xuất đi được.
Thay vì niềm vui được mùa nông dân trồng loại quả này lại rớt nước mắt nhìn dứa chín đầy trên nương rẫy mà không có người thu mua. Giá dứa lại rớt thê thảm.
Một nông dân trồng dứa ở Bản Lầu (Mường Khương, Lào Cai) cho hay rằng, 6 vạn gốc dứa của gia đình chị đang vào đợt chín rộ.
Nhưng thay vì bán buôn cho thương lái ngay tại nương rẫy như những năm trước, dịp này vợ chồng chị phải tự vặt dứa chín ra bán lẻ từng quả ở ven đường. Tuy nhiên, mỗi ngày cũng chỉ bán được vài chục cân dứa, còn lại đều chín thối hết trên nương.
Được biết, Chi phí trồng, chăm bón,… cho 1 ha dứa hết khoảng 30 – 40 triệu đồng. Hiện nay, giá dứa tại Mường Khương, Lào Cai giảm còn chưa đầy 2.000 đồng/kg. Với mức giá này, nếu bán hết thì người trồng dứa vẫn bị lỗ nặng.
Mặc dù đã tìm đủ mọi cách tiêu thụ nhưng do nhu cầu trong nước thấp, nhiều bà con trồng dứa đã phải thuê người đổ bỏ hàng chục tấn dứa với giá 1,5 triệu đồng cho một xe tải 10 tấn.
Một chủ buôn dứa không muốn công khai danh tính cho biết trong ngày 10/3 ông đã phải thuê người đổ 4 xe tải dứa như thế vậy.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Hùng, cán bộ tại chi cục trồng trọt bảo vệ thực vật Lào Cai thừa nhận, người nông dân nơi đây đang gặp tình trạng dứa được mùa nhưng rớt giá.
Ông Hùng chia sẻ thêm rằng, dứa là cây chủ lực của địa phương. Nhưng do chỉ được xuất khẩu tiểu ngạch qua Trung Quốc nên không có tính ổn định và gặp nhiều rủi ro.
Nhằm khắc phục tình trạng trên, hiện tỉnh Lào Cai đang có chủ trương mời các doanh nghiệp chế biến trong ngành về nơi đây liên kết với các hộ nông dân tạo thành chuỗi khép kín từ sản xuất đến chế biến.
Vũ Tuấn (t/h)
Xem thêm: