Trời xuất hiện dị tượng là để cảnh báo con người tu sửa đạo đức
Từ xưa đến nay, rất nhiều người tin rằng, mọi việc con người làm dưới nhân gian đều có trời đất chứng giám. Một khi con người làm ra những chuyện trái với luân thường đạo lý thì sẽ có thiên tượng cảnh báo. Nếu con người không kịp thời tu sửa thì Trời sẽ giáng đại nạn để trừng trị.
Trong cuốn chính sử ‘Hậu Hán Thư’ có ghi lại một đoạn sử về hai cha con là Lang Tông và Lang Nghĩ, 2 cha con đều là những người am hiểu thiên tượng.
Lang Tông là người am hiểu thiên văn, có thể dựa vào thiên tượng mà đoán trước được việc tốt xấu trong tương lai. Lang Tông giữ chức huyện lệnh huyện Ngô dưới thời vua Hán An. Thời bấy giờ trong kinh thành thường xuyên xuất hiện thời tiết bất thường, gió bão thổi đến. Vì thế, Lang Tông dự đoán kinh thành sắp có hỏa hoạn lớn xảy ra. Ông ghi lại thời gian và điều người trực sẵn sàng ứng cứu chữa cháy. Quả nhiên mọi việc xảy ra đúng như những gì mà Lang Tông dự đoán.
Chuyện này đến tai Hoàng đế, nhận thấy Lang Tông là một nhân tài, Hoàng đế bèn ban cho ông một chức quan cao hơn. Nhưng Lang Tông lại cho rằng dựa vào một việc như thế để đối lấy công danh thì thật đáng xấu hổ. Đêm hôm ấy, ông thu xếp đồ đạc, để ấn tín lại nha huyện rồi rời đi.
Con của Lang Tông là Lang Nghĩ cũng tinh thông thiên văn, kế thừa sự nghiệp của cha. Thời vua Hán Thuận, thiên tai thường xuyên xảy ra, triều đình đã triệu Lang Nghĩ đến để hỏi. Lang Nghĩ dâng tấu chương nói rằng Trời giáng thiên tượng bất thường chính là để trách cứ Đế vương, vậy nên khi nào vua Hán Thuận tu sửa hành vi, bồi dưỡng đạo đức thì chính sự mới trở lại bình thường.
Thời ấy, triều đình xa xỉ, không trọng dụng người tài, quan viên buông thả… Lang Nghĩ cho biết thiên tai xảy ra chính là do Trời trừng phạt triều đình đồi bại.
Hoàng đế sau khi xem tấu chương của Lang Nghĩ thì rất tức giận, phái quan Thượng thư chất vấn ông. Tuy nhiên người thật việc thật, Lang Nghĩ không sợ hãi trình bày rõ ràng những điểm hung hiểm sau tai họa và thiên tượng, đồng thời ông cũng đưa ra biện pháp cứu cánh tình hình hiện tại, hy vọng triều đình có thể sớm thực hiện. Ông còn nguyện ý lấy cái chết ra để tạ tội nếu nói sai nửa lời.
Sau khi dâng tấu xong, triều đình ban cho Lang Nghĩ chức quan Lang Trung, nhưng ông cáo bệnh không nhận và về quê sinh sống.
Hoàng đế sau đó cũng không tu sửa khuyết điểm, triều đình vẫn hỗn loạn, buông thả như cũ. Tháng tư năm ấy, động đất, sạt lở xảy ra. Đến mùa hè, hạn hạn khắp nơi, mùa thu tộc Bi quấy nhiễu không yên. Năm sau, tộc Khương xâm chiếm Lũng Tây. Tất cả đều như cảnh báo của Lang Nghĩ, bấy giờ triều đình mới hoảng sợ chiêu mộ Lang Nghĩ, nhưng ông một mực không nhận.
Lời bình
Những người tinh thông thiên văn thời xưa cho rằng, đạo đức con người có liên quan đến sự biến hóa của thiên tượng. Trời sẽ giáng hạ hiện tượng bất thường hoặc tai họa xuống để cảnh báo nếu như thế gian có sự tình vi phạm Thiên lý. Nếu con người vẫn không chịu chính lại lỗi lầm của bản thân thì Trời sẽ giáng xuống đại nạn.
Tuy nhiên trong sử sách cũng chép lại, nếu đạo đức đã đến mức không thể cứu chữa thì thiên tượng cũng sẽ ngừng giáng xuống, đây chính là lúc có họa diệt quốc, vong thân, thay triều đổi đại.
Cổ nhân theo nền văn hóa Thần truyền, luôn mang trong mình lòng kính Trời, không dám làm ra những chuyện trái Thiên lý, luân thường. Rất nhiều người thời xưa tinh thông thiên văn, biết trước tương lai, họ truyền đạt lại thông tin và ý nguyện của Trời. Những chuyện như thế được ghi chép lại trong sử sách và lưu truyền đến ngày nay, đây cũng là bài học để con người hiện đại kịp thời nhìn nhận lại đạo đức, hy vọng sẽ có được tương lai tốt đẹp và bình an.
Yên Yên (Theo Vision Times)