Trang sức bằng vàng – Món đồ thể hiện đẳng cấp của người La Mã cổ đại
Trang sức ở thời La Mã cổ đại rất phong phú và sang trọng, đa phần là để thể hiện địa vị văn hóa của các tầng lớp khác nhau hơn là làm đẹp. Trang sức được làm ra từ vàng, các kim loại quý hiếm, và cả thủy tinh.
Vàng được đánh giá cao nhất vì người ta xem nó là thứ kim loại quý từ những vị thần và có nguồn gốc từ Mặt Trời. Người La Mã rất xem trọng trang phục và đồ trang sức. Để đồ trang sức sáng bóng, họ đã sáng tạo ra nhiều phương pháp làm sạch và đánh bóng bằng các chất tự nhiên và chất lỏng.
Trang sức La Mã cổ đại mang phong cách của Ai Cập và Hy Lạp
La Mã cổ đại đã đánh bại khu vực Địa Trung Hải, Ai Cập, Châu Âu để trở thành một đế quốc hùng mạnh. Do đó, phong cách trang sức của người La Ma cũng bị ảnh hưởng bởi các khu vực khác. Một ví dụ điển hình về ảnh hưởng của Ai Cập và Hy Lạp đối với phong cách La Mã chính là kiểu thiết kế thắt nơ Herakles Knot, dùng để bảo vệ người đeo khỏi con mắt của quỷ dữ.
Dưới sự cai trị của vua Augustus, châu Âu và khu vực Địa Trung Hải đã có một thời kỳ thịnh vượng, được gọi là Thái bình La Mã. Khi đó, các ngành công nghiệp và nghệ thuật phát triển phong phú. Đồng thời, những sản phẩm trang sức quý giá đại diện cho thời kỳ này, đặc biệt là các thiết kế bằng thủy tinh, trở nên phổ biến hơn.
Để chế tạo trang sức, ngoài vàng, người ta còn sử dụng thủy tinh, đồng, đá quý và hạt xương – được khai thác từ các vùng đất xa xôi như Thung lũng Indus, Viễn Đông, Ba Tư…
Thông qua Con đường tơ lụa, ngọc bích, ngọc lục bảo và kim cương đã tìm đường đến với La Mã, góp phần vào sự hùng mạnh và giàu có của nền văn minh này.
Nhẫn
Người La Mã thích đeo nhẫn bản to vì chúng thể hiện địa vị của người đeo và thu hút sự chú ý của mọi người. Quan lại và các nguyên lão thường đeo nhẫn có đính thủy tinh hoặc đá quý lớn.
Những người bình dân chỉ được phép đeo nhẫn làm bằng kim loại. Chỉ có số ít những người bình dân vinh dự được ban nhẫn vàng vì có công lao đặc biệt với nhà nước hoặc vì lòng dũng cảm.
Tuy nhiên, các quy tắc nghiêm ngặt như vậy đã dần bị xóa bỏ trong thời kỳ Justinian I cầm quyền. Lúc này, phụ nữ La Mã bất kể già trẻ được phép đeo các loại nhẫn với thiết kế và chất liệu khác nhau mà không phụ thuộc vào tầng lớp xã hội.
Trâm cài
Trâm cài là món trang sức phổ biến và có giá trị nhất trong thời đại này. Nó giúp thêm thắt điểm nhấn cho quần áo và mang lại sự thanh lịch cho bộ trang phục. Thay vì khâu dính lại với nhau, người La Mã lại chuộng kiểu dùng móc cài được làm bằng vàng và kim loại quý hoặc cài bằng trâm. Mỗi chiếc trâm được tô điểm bằng một viên đá với nhiều phong cách khác nhau.
Vòng tay
Phụ nữ La Mã thường đeo những chiếc vòng tay có hình dạng tương tự như những con rắn cuộn mình lại, được gắn chắc bằng các móc vàng. Thiết kế rắn cuộn mình có ý nghĩa đặc biệt đối với người La Mã bởi vì rắn được coi là động vật có cấu tạo hoàn hảo và đại diện cho sự bất tử. Vòng tay không có giá trị sử dụng thực tế mà chỉ dùng để trang trí. Vòng tay làm từ ngọc trai và vàng được xem là khá hợp mốt ở La Mã thời trung kỳ, và người dân thời đó thường đeo vòng ở cả hai tay.
Bùa hộ mệnh
Trẻ em thường đeo bùa hộ mệnh được gọi là “bulla” từ khi mới lọt lòng. Chúng được coi là một lá chắn chống lại linh hồn và con mắt của quỷ dữ. Bùa hộ mệnh này có hình dạng tương tự như một dây hoặc chuỗi vàng, gồm một bao nhỏ. Đế chế La Mã tin rằng nam giới là giới tính vượt trội, do đó, trẻ trai phải đeo bùa hộ mệnh hoặc bùa may mắn.
Nhẫn đóng dấu
Nhẫn đóng dấu giúp người La Mã cổ đại dễ dàng đóng dấu bằng sáp nóng lên các tài liệu quan trọng. Chỉ có những người đàn ông thượng lưu trưởng thành mới được đeo loại nhẫn này.
Người La Mã cổ đại còn đặc biệt ưa chuộng những chiếc nhẫn vàng mang biểu tượng của các hoàng đế thống trị hoặc có khắc phù hiệu La Mã.
Các cô gái La Mã thích đeo hoa tai, dây chuyền và vòng tay. Tổng số lượng trang sức họ đeo trên tay và cánh tay thường lên đến 7 món hoặc hơn.
Đế quốc La Mã là biểu tượng của những con người giàu có và quyền lực. Sự giàu có của họ được thể hiện thông qua lối sống và đồ trang sức họ mang trên người. Thật không may, một thời kỳ thịnh vượng như vậy lại không kéo dài được lâu vì lòng tham lam và sự tham nhũng đã len lỏi vào và dần ăn mòn các thành tựu mà xã hội này từng tạo dựng nên. Kể từ cuối thế kỷ 4, đế quốc La Mã bắt đầu tan rã do sự xâm lược của các man tộc từ phương Bắc.
Bảo San (Theo Vision Times)
Xem thêm: