Trăm thiện hiếu đứng đầu: Hiếu thuận là gốc rễ nuôi dưỡng sự thiện lương
Hiếu thuận là căn bản của đạo làm người. Cổ nhân có câu: “Bách thiện hiếu vi tiên”, ý rằng trong trăm đức tính tốt thì hiếu đứng đầu. Để trở thành người quân tử, thành bậc nhân đức, thì bước đi đầu tiên là phải làm tròn chữ Hiếu.
Lý Cao, sống vào thời nhà Đường (618–907 sau Công Nguyên), ông không chỉ là bậc hiền tài, mà còn được biết đến là tấm gương lớn về lòng hiếu thảo.
Vào năm 674 SCN, Trung Quốc đã trải qua một năm hạn hán khắc nghiệt. Khiến cho mùa màng thất thu, cây cỏ héo úa. Giá gạo cũng vì thế mà tăng cao, đã có rất nhiều người chết đói. Lý Cao khi ấy giữ chức quan trong triều. Vì phạm tội mà bị giáng chức xuống làm quan Tri phủ cai quản huyện Ôn Châu.
Vụ mùa ở Ôn Châu khi ấy cũng thất bát. Kho lương thực của chính quyền địa phương gần như đã cạn kiệt, chỉ còn lại vài ba tạ thóc. Nhìn cảnh người dân than khóc lầm than, Lý Cao không cam lòng, ông quyết định sẽ phân phát số lương thực ít ỏi còn lại trong kho cho mọi người. Thấy vậy, các thuộc hạ của ông vội khuyên ngăn, sợ rằng ông sẽ bị trách tội, nên nói ông chớ vội vàng hãy chờ lệnh của hoàng thượng.
Lý Cao đáp, “Nếu nhiều ngày trôi qua mà không có thức ăn, mọi người sẽ chết đói. Thời gian hiện đang rất gấp rút! Nếu ta có thể hy sinh mạng sống của mình mà cứu được hàng nghìn sinh mạng khác, thì ta nguyện ý làm.”
Nghĩ thế, nên ông đã ra lệnh phân phát thóc gạo cho dân chúng. Sau đó, ông viết một lá thư bẩm tấu lên hoàng thượng chấp nhận chịu mọi hình phạt. Sau khi đọc xong bức thư của Lý Cao, cảm động trước tấm lòng nghĩa hiệp của ông, hoàng thượng không những không trách tội mà còn khen ngợi và thăng chức cho ông.
Trong một lần khác đến thăm địa phương lân cận, Lý Cao nhìn thấy một cụ bà tóc đã bạc trắng đang ngồi khóc lóc rất thảm thiết. Thấy vậy, ông vội đến hỏi thăm thì cụ bà cho hay, “Hai đưa con trai của bà, Lý Quân và Lý E, hơn 20 năm làm quan triều đình tới nay, chưa từng về thăm bà già này lấy một lần. Bà nghèo đến nỗi không có lấy một thứ gì để ăn.”
Lý Quân và Lý E đều là quan lớn trong triều, vậy mà đối với người mẹ già nuôi nấng mình lại dửng dưng chẳng hề quan tâm. Lý Cao nghe vậy đã rất tức giận. Ông nói: “Khi ở nhà, con cái phải hiếu thuận với cha mẹ. Ở ngoài, thì kính trọng người già. Hiếu là cái gốc của đức, giáo hóa đức hạnh đều do Hiếu sinh ra. Hai anh em họ với tư cách đạo đức thấp kém như vậy sao có thể làm quan chăm lo cho dân chúng?”
Sau đó, ông đã bẩm tấu việc này lên hoàng thượng. Kết quả, hai anh em Lý Quân và Lý E đều bị cách chức.
Bách thiện hiếu vi tiên
“Hiếu thuận cha mẹ” không chỉ là một vẻ đẹp trong văn hóa truyền thống, mà còn là một loại tiêu chuẩn để đánh giá đạo đức con người. Người xưa vì sao lại coi trọng “đạo hiếu”, lại còn giảng “trăm thiện hiếu đứng đầu” như vậy? Bởi vì “hiếu” và “tu thân” có quan hệ mật thiết với nhau, một người con có hiếu tất sẽ có một trái tim thiện lương, mà đây lại là tố chất cần phải có trong đối nhân xử thế, bởi trong đó còn bao hàm rất nhiều phương diện mỹ đức khác như: cảm ân, báo ân, không quên nguồn cội, tôn kính bề trên, suy nghĩ cho người khác,…
Thử nghĩ, nếu như cả với cha mẹ của mình mà cũng không thể dùng thiện tâm để đối đãi, thì làm sao có thể thật sự đối xử tốt với người khác đây? Làm sao có thể “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” được? Vậy nên bắt đầu từ thời nhà Hán, triều đình đã lấy “hiếu liêm” (hiếu thuận song thân, liêm khiết chính trực) làm phương diện khảo hạch quan trọng để tuyển chọn nhân tài.
Vì Lý Cao là người có tấm lòng nhân hậu, lại hiếu thảo với cha mẹ nên ông luôn biết suy nghĩ cho người khác, thậm chí có thể sẵn sàng liều mình cứu người.
An Nhiên
Theo theepochtimes.com