Tôn Tư Mạc cởi y phục cứu rồng con, Long vương tặng thuốc quý báo ân
Tôn Tư Mạc là một nhân vật vĩ đại và nổi tiếng thời cổ đại Trung Quốc, được giới y học và trăm họ tôn sùng. Một kiệt tác mà ông để lại chính là cuốn sách Thiên Kim Yếu Phương, nó có liên quan tới một câu chuyện ly kỳ giữa Tôn Tư Mạc và Long Vương.
Trong Liệt Tiên Toàn Truyền có ghi lại một đoạn liên quan đến Tôn Tư Mạc. Tôn Tư Mạc là người Hoa Nguyên. Ông từ nhỏ đã thông minh hơn người. Khi được 7 tuổi, mỗi ngày ông có thể đọc thuộc lòng một ngàn câu trong sách. Bởi vì mỗi ngày có thể đọc thuộc văn chương hơn một ngàn chữ, nên người ta đã gọi ông là “Thánh đồng”. Tới năm 20 tuổi, ông có thể ung dung đĩnh đạc mà bàn luận về học thuyết của Lão Tử, Trang Tử.
Vào thời Chu Tuyên Đế, thời cuộc rối ren, Tôn Tư Mạc ẩn cư trong núi Thái Bạch học đạo, luyện khí dưỡng thần, thông suốt lý luận thiên văn, tinh thông y dược, âm thầm làm không ít việc thiện.
Có một lần, ông nhìn thấy một “con rắn nhỏ” bị chú bé chăn trâu dẫm đạp đến trọng thương, đang chảy máu. Ông liền cởi y phục của mình trao đổi với cậu mục đồng để cứu “rắn nhỏ”. Sau đó, ông đắp thuốc lên chỗ bị thương của ”rắn nhỏ”, rồi thả nó vào trong bụi cỏ.
Hơn mười ngày sau, Tôn Tư Mạc đang đi ở ngoài đường thì có một thiếu niên khôi ngô tuấn tú mặc quần áo trắng cưỡi ngựa chạy tới. Người thiếu niên nhảy khỏi lưng ngựa bái tạ Tôn Tư Mạc và nói: “Tạ ơn ngài cứu đệ đệ của ta!”
Tôn Tư Mạc rất đỗi ngạc nhiên không hiểu người thanh niên này có ý gì, chàng trai này lại nhiệt tình mời Tôn Tư Mạc đến nhà làm khách.
Chàng trai nhường ngựa cho Tôn Tư Mạc cưỡi, còn mình thì dắt ngựa, hai chân của chàng bước nhanh như bay tựa như bay bổng giữa trời vậy.
Trong nháy mắt đã đến một thành quách, bên trong hoa lá đang nở rộ, phòng ốc vàng son lộng lẫy, tràn đầy khí phách vương gia.
Chàng trai mời Tôn Tư Mạc bước vào, có một người mặc y phục màu đỏ, đầu đội một chiếc mão, đi theo sau rất nhiều người hầu, vẻ mặt tươi cười chạy ra nghênh đón Tôn Tư Mạc. Vị này liên tục nói lời cảm tạ Tôn Tư Mạc: “Nhận được trọng ân của ngài, cho nên tôi cố ý phái nhi tử mời ngài đến đây”.
Rồi vị này quay đầu lại chỉ vào một tiểu nam tử mặc y phục màu xanh và nói: “Mấy ngày trước, nó một mình ra ngoài, bị mục đồng đánh bị thương, may nhờ ngài dùng y phục chuộc cứu mới có ngày hôm nay”, rồi bảo cậu bé mặc áo xanh bái tạ Tôn Tư Mạc.
Tôn Tư Mạc lúc này mới nhớ tới sự việc ông từng cứu một con rắn nhỏ vài ngày trước. Ông khẽ hỏi người bên cạnh đây là nơi nào, người đó trả lời: “Đây là Kinh Dương thủy phủ”. Thì ra được ông cứu không phải là “con rắn nhỏ”, mà chính là con của Long vương.
Long vương cho người sắp đặt yến tiệc thiết đãi Tôn Tư Mạc. Thoáng chốc đã ba ngày, Tôn Tư Mạc xin phép trở về. Long vương tặng ông rất nhiều châu báu, gấm lụa, nhưng Tôn Tư Mạc kiên quyết không chịu nhận.
Thế là Long vương bèn lệnh cho con mình lấy 30 phương thuốc của Long cung tặng cho Tôn Tư Mạc và nói: “Những phương thuốc này có thể giúp ngài tế thế cứu người”. Rồi Long vương sắp đặt người ngựa đưa Tôn Tư Mạc về nhà.
Sau khi trở về nhà, Tôn Tư Mạc sử dụng những phương thuốc này, phát hiện chúng quả thực linh nghiệm.
Vì thế, ông đã viết những phương thuốc này vào trong cuốn Thiên Kim Yếu Phương. Người đời sau coi quyển sách là một bộ kỳ thư. Vốn dĩ những phương thuốc này có nguồn gốc từ tiên nhân, cho nên linh nghiệm cũng không có gì là lạ.
Đối với Trung y cổ đại, người hiện đại đã không cách nào lý giải được sự tinh túy của nó, càng không biết được con người mấy ngàn năm trước làm thế nào có được những tri thức thần kỳ như vậy. Trong rất nhiều câu chuyện lưu truyền từ xưa tới nay, những gì tiết lộ ra kỳ thực là thời kỳ lịch sử huy hoàng khi người và Thần đồng tồn tại, chỉ có điều trong mắt người hiện đại, những câu chuyện đó đã trở thành những truyền thuyết thần thoại mất rồi.
Hoàng Sâm, dịch từ epochtimes.com