Tội ác đằng sau ngành công nghiệp xiếc thú
Đằng sau màn xiếc thú ngoạn mục được tán dương trên sân khấu là một câu chuyện đẫm nước mắt về cuộc đời của những diễn viên động vật này.
Xiếc thú là một trong những chương trình giải trí mà chúng ta từng rất thích khi còn bé. Kể cả khi trưởng thành hơn, chúng ta vẫn không khỏi bất ngờ trước màn biểu diễn ngoạn mục của những chú khỉ đi xe đạp qua dây cthục hay mãnh hổ phóng mình qua vòng lửa.
Trong giây phút thích thú ấy, liệu bạn có bao giờ tự hỏi tại sao chúng có thể làm được điều phi thường như thế không?
Nếu bạn là một fan trung thành của xiếc thú thì câu trả lời này có lẽ sẽ khiến bạn tràn đầy thất vọng. Bởi vì đằng sau ánh hào quang sân khấu là cả một câu chuyện đẫm nước mắt.
Huấn luyện bằng đòn roi và sự sợ hãi
Đầu tiên chúng ta cần phải hiểu rằng động vật sinh ra không tự nhiên biết diễn xiếc mà phải trải qua huấn luyện. Tùy vào độ khó của màn biểu diễn sẽ có cách huấn luyện động vật khác nhau.
Những trò đơn giản như diễn với quả bóng, các con vật sẽ được tiếp xúc, chơi đùa cùng bóng từ khi còn nhỏ và khuyến khích bằng cách cho đồ ăn. Cách huấn luyện này tuy đơn giản nhưng lại mất khá nhiều thời gian.
Đối với những pha phức tạp hơn, phương pháp huấn luyện sẽ khắc nghiệt gấp bội. Để rút ngắn thời gian cũng như đảm bảo hiệu quả, đa số các rạp xiếc sử dụng đòn roi để đe dọa và buộc các con vật răm rắp nghe lời.
Gần đây, một điều tra viên của Tổ chức Bảo vệ Quyền lợi Động vật (PETA) châu Á đã đến thăm 10 rạp xiếc khác nhau và các cơ sở đào tạo động vật ở thành phố Tô Châu. Những hình ảnh lạm dụng động vật mà anh ghi lại là minh chứng hùng hồn nhất cho sự thật đau lòng này.
Tại rạp xiếc, các con thú sẽ được huấn luyện chỉ sau vài tháng chào đời. Những chú gấu con, và cả các loài động vật khác sẽ bị xích vào một chiếc móc treo tường buộc chúng đứng thẳng trong nhiều giờ đồng hồ để huấn luyện cách đi bộ. Nếu không giữ thẳng người, chúng sẽ bị ngạt thở chết.
Thực tế, ép buộc gấu đứng liên tục trong một thời gian dài trên hai chân có thể gây ra các chấn thương vật lí suốt đời. Về lâu dài, nó có thể gây tổn thương khớp vĩnh viễn hoặc thậm chí hoại tử và tê liệt.
Trước những đòn roi của rạp xiếc, các con vật đáng thương chỉ biết khóc lóc, gào thét, gầm gừ, rên rỉ. Những con vật liên tục chống cự, nhưng lại bị huấn luyện viên kéo mạnh dây cổ, nắm lấy lông chúng, quát tháo và buộc chúng phải tiếp tục.
Như trong hình phía trên, cô gấu Doudou đang bị buộc phải trồng chuối trên hai thanh sắt. Cứ mỗi lần suýt rơi, cô gấu phải nhận một cú quất roi đau điếng.
Ngay cả loài thú hung dữ như hổ, báo, sư tử cũng e sợ tiếng roi của con người. Sư tử và hổ bị buộc phải giữ cân bằng trên quả bóng đang lăn bằng hai chân sau. Nếu chống cự, chúng sẽ được nếm đủ một bữa roi kim loại nặng.
Bên cạnh đó, điều tra viên nọ cũng chứng kiến cảnh một con khỉ bị xích vào sừng của một con dê. Con khỉ buộc phải trồng cây chuối trong khi con dê leo lên thang. Khi chú khỉ đang phải vật lộn để giữ thăng bằng, một huấn luyện viên đứng hăm he bên cạnh theo dõi với một chiếc roi kim loại.
Đối xử tàn nhẫn và khắc nghiệt
Đã nếm đủ đắng cay khi huấn luyện, những con vật này còn không có nổi một bữa ăn, chỗ ở tử tế. Sư tử, hổ, gấu và cả khỉ đều là những loài động vật hoang dã và môi trường sống của chúng nên là những cánh rừng già tự nhiên. Song nơi ở của chúng trong rạp xiếc chỉ là một chiếc lồng có không gian chật hẹp.
Chưa hết, để giữ cho chúng yên lặng không đập phá, họ còn xích mõm chúng vào lồng. Chiếc vòng được móc xuyên qua mõm chúng mà không dùng đến bất kì phương pháp giảm đau nào.
Và chúng sẽ được giải thoát khi về già và không còn giá trị sử dụng nữa. Chúng sẽ được tặng cho một chiếc lồng trong phòng kín, không được ai chăm sóc và chờ cho tới lúc thần chết gọi tên.
Tiếng nói công bằng cho động vật hoang dã
Tình trạng lạm dụng và ngược đãi động vật này không chỉ có riêng ở Tô Châu. Bất kì gánh xiếc nào có sử dụng động vật cũng không tránh khỏi các phương pháp đào tạo khắc nghiệt cũng như điều kiện sống chật chội “cằn cỗi” như vậy.
Nhận thức về việc chống ngược đãi động vật đã tăng cao song rất khó để cấm tất cả các rạp xiếc thú ngừng hoạt động. Bolivia, Colombia, Ecuador, Hy Lạp, Mexico, Singapore và nhiều quốc gia khác trên thế giới đã cấm, hoặc đang trong quá trình cấm hành vi lạm dụng động vật hoang dã.
Bên cạnh đó, nhiều nơi đã nói không với những sản phẩm được thử nghiệm trên động vật, đưa ra điều luật phạt tiền, thậm chí phạt tù đối với những hành vi ngược đãi, giết hại thú vật.
Theo Yan