Truyền thuyết Tô Tiên đắc Đạo về trời để lại phương thuốc lá cam thần kì
Trong dân gian có lưu truyền một truyền thuyết kể về vị danh y tu Đạo nổi tiếng tên là Tô Đam, trước khi đắc Đạo thành tiên đã để lại một phương thuốc trị thương hàn: Lá cam và nước giếng, cứu mạng nhiều người, vả lại vẫn rất công hiệu cho đến tận ngày nay.
Thời xa xưa, các danh y của y học Trung Hoa thường được biết đến bởi sự tu dưỡng nhân cách và đạo đức. Họ thường tránh xa danh lợi và nguyện sẽ dành cuộc đời để cứu độ thế nhân.
Tương truyền rằng, dưới thời trị vì của Hán Văn Đế (206 TCN – 220 SCN), có một vị danh y tu Đạo nổi tiếng tên là Tô Đam.
Tô Đam mới 7 tuổi đã hàng ngày lên núi Ngưu Tỳ ở sau thôn để đốn củi giúp mẹ. Ít lâu sau, Tô Đam gặp một vị tiên ông trên núi và theo tiên ông học Đạo thuật. Chẳng bao lâu, ông tiến bộ rất nhanh.
Lớn lên, ông trở thành một lương y rất giỏi, nhưng lại không bao giờ nhận một đồng của người bệnh. Vì phẩm chất cao thượng của ông, mọi người gọi ông là Tô Tiên.
Trải qua bao nhiêu năm tháng tu luyện và hành thiện giúp người, năm thứ 3 triều Hán Văn Đế (tức năm 177 TCN), Tô Đam đạt viên mãn đắc Đạo. Buổi sớm hôm đó, khi Tô Đam đang phụng dưỡng mẫu thân, trên thiên không vang vọng thanh âm thiên nhạc uyển chuyển. Mười con hạc tiên tiếp nối nhau hòa vào làn sương khói mờ tím từ trên không trung giáng hạ xuống.
Tô Đam đưa cho mẹ một chiếc hộp đá, nói rằng: “Những gì mẹ cần ắt sẽ có, nhưng cần phải cẩn trọng”, đồng thời cũng nói:
“Sẽ có một đợt dịch bệnh thương hàn vào năm sau. Rất nhiều người sẽ phải chịu đựng cơn sốt trầm trọng và những cơn lạnh thấu xương. Hãy đun sôi một nồi nước giếng với lá cam, sau đó đưa thuốc sắc cho người bệnh uống. Khi họ được chữa lành, đừng nhận bất kỳ khoản đền đáp nào, giống như con vẫn thường làm”.
Tô Đam đưa cho mẹ một chiếc hộp và dặn dò. (Tranh minh họa: Epoch Times)
Nói đoạn, Tô Đam cưỡi thiên hạc bay thẳng về trời. Từ đó về sau, núi Ngưu Tỳ đổi tên thành Tô Tiên Lĩnh.
Dịch thương hàn xảy ra đúng như dự đoán của Tô Đam. Mẹ ông đã theo chỉ dẫn của ông mà cứu được rất nhiều người bệnh. Hay tin, nhiều người từ vạn dặm xa xôi cũng lặn lội đến để nhận thuốc sắc từ nước giếng đun với lá cam. Phương thuốc của Tô Đam đã cứu mạng rất nhiều người. Bệnh dịch cuối cùng cũng kết thúc.
Ngày nay lá cam được sử dụng trong thảo dược để thanh tẩy gan, giúp lưu thông khí huyết và là một chất tống đờm.
Vì vậy, câu chuyện về nước giếng lá cam của Tô Đam – “Tô Đam quất tỉnh” – đã được lưu truyền từ đời này sang đời khác, và câu thành ngữ “Quất tỉnh tuyền hương” (hương cam nước giếng) hoặc “Long bàn quất tỉnh” (rồng cuộn cam nước giếng) đã trở thành lời khen tặng cho những lương y có phẩm chất cao thượng.
TinhHoa tổng hợp