Thiên dục kỳ vong, tất lệnh kỳ cuồng: Người trong tâm không biết kính sợ Trời đất ắt gặp tai ương
Trong đối nhân xử thế, người ta chỉ cần có sự kính sợ trong tâm thì đều có đường tiến thoái. Học giả Vương Vĩnh Bân thời nhà Thanh trong tác phẩm “Vi lô dạ thoại” đã nói rằng: “Con đường lập thân dù gian nan đến đâu, chỉ cần có lòng kính sợ, thì mọi thứ đều suôn sẻ, thuận lợi”.
Làm người không thể không biết kính sợ
Trên thực tế, người Á Đông chưa bao giờ để mất đi tâm kính sợ của mình.
Khổng Tử nói: “Quân tử hữu tam úy: Úy thiên mệnh, úy đại nhân, úy Thánh nhân chi ngôn”, có nghĩa là, người quân tử có ba sự kính sợ: Sợ Thiên mệnh, sợ người có địa vị cao và sợ lời nói của Thánh nhân.
“Sử ký – Lỗ Chu Công thế gia” viết: “Vâng mệnh triều đình bảo vệ tứ phương, dùng tài năng của mình để bình định thiên hạ. Do vậy người dân nơi nơi không ai là không kính sợ”.
Hàn Dũ đời Đường đã nói trong “Hạ thái dương bất khuy trạng” rằng: “Bệ hạ kính sợ Thiên mệnh, có thể tự khắc chế tâm, tu sửa bản thân”.
Từ xa xưa, trong văn hóa truyền thống của người phương Đông đã nhấn mạnh về sự kính sợ, ví như kính sợ Trời cao, dù sao con người cũng xem lương thực và vạn vật trong tự nhiên là của Trời ban cho nên sẽ có lòng kính sợ.
Thượng Đế là nhân từ, đức dày dung chứa mọi vật. Thượng Đế là công bằng, đề cao cái Thiện và trừng phạt cái ác. Tuy vậy, Thượng Đế cũng nghiêm khắc, nên mới có quan niệm thế này: “Người đang làm, Trời đang nhìn, trên đầu ba thước có Thần linh. Chuyện trái lương tâm không được làm, cả gan bỡn cợt Thượng Thiên ắt sẽ bị trừng phạt”.
• Trong việc mua bán, kinh doanh phải trung thực về giá cả, không lừa già dối trẻ.
• Trong nghiên cứu học vấn, nói thuyết phải có căn cứ.
• Khi làm quan, không tham của dân, không làm tổn hại người vô tội; sống ở đời, không bán đứng bạn bè, không đánh mất lương tâm của mình.
Chính là dựa vào cái tâm kính sợ này, mà nền văn minh của người Á Đông mới có thể trường tồn dù trải qua bao gian khổ.
Một khi con người không còn biết kính sợ gì cả, thì thường sẽ trở nên không kiêng nể bất cứ ai, muốn làm gì thì làm, vô pháp vô thiên, cuối cùng tự mình nhận lấy quả đắng, thậm chí còn liên lụy đến bạn bè thân quyến.
Trong tâm có sự kính sợ, sẽ học được cách khiêm tốn
Khi chúng ta biết kính sợ Trời đất, thì Thiên thượng mới có thể dành cho chúng ta hồi báo đầy đủ.
Lòng kính sợ bắt nguồn từ tín ngưỡng của con người. Chỉ khi trong tâm có tín ngưỡng thì mới có thể vừa tôn trọng vừa e sợ, đồng thời điều chỉnh và ước thúc ngôn hành cử chỉ của mình sao cho phù hợp với các chuẩn mực đạo đức. Những người có lòng kính sợ thường tỏ ra vô cùng khiêm nhường.
Người xưa có tín ngưỡng nên cũng tin vào số mệnh, nhưng số mệnh là gì thì họ không biết, dù sao tốt hay xấu họ đều coi là mệnh. Trước khi làm việc gì cũng đều nghĩ tới tín ngưỡng, cảm thấy trên đầu ba thước có Thần linh, nên không dám tùy tiện làm việc xấu.
Dương Chấn thời Đông Hán được ca ngợi là người công bằng, chính trực và không mưu cầu lợi ích cá nhân. Một lần, ông đi từ Kinh Châu đến huyện Đông Lai (nay là Yên Đài và Uy Hải, tỉnh Sơn Đông) để làm Thái thú, trên đường có đi ngang qua huyện Xương Ấp. Huyện lệnh của huyện này tên là Vương Mật, là một viên quan do Dương Chấn cất nhắc khi ông còn làm thứ sử Kinh Châu, do vậy khi Dương Chấn đến thì Vương Mật vội ra vùng ngoại ô để nghênh đón ân sư.
Buổi tối hôm đó, Vương Mật đến bái kiến Dương Chấn, lúc chuẩn bị cáo từ, Vương Mật đột nhiên lấy vàng từ trong túi áo đặt lên bàn, rồi nói: “Ân sư hiếm khi đến chơi, nên con chuẩn bị một chút lễ vật nhỏ để báo đáp ơn cất nhắc”.
Dương Chấn nói: “Trước kia vì ta biết tài năng thực sự của cậu, cho nên ta mới cất nhắc cậu, hy vọng cậu sẽ là một vị quan tốt. Báo đáp tốt nhất của cậu đối với ta chính là dốc sức phục vụ đất nước, chứ không phải cho cá nhân ta những thứ như thế này.”
Tuy nhiên, Vương Mật khăng khăng nói: “Nửa đêm canh ba, sẽ không ai biết đâu, xin ân sư nhận lấy”.
Dương Chấn lập tức trở nên nghiêm nghị nói: “Cậu nói gì vậy, Trời biết, Đất biết, ta biết, cậu biết, sao có thể nói là không ai biết được? Không có ai ở đây, chẳng lẽ lương tâm của cậu và ta cũng không ở đây nữa sao?”
Vương Mật cảm thấy xấu hổ, nhanh chóng lủi đi và biến mất trong màn đêm dày đặc.
Đây là câu chuyện “Dương Chấn từ chối vàng” nổi tiếng trong lịch sử. Cũng như câu “trên đầu ba thước có Thần linh” – câu nói của Dương Chấn càng khiến lương tâm mỗi người phải kính sợ.
Chỉ khi người ta có sự kính sợ, thì mới có thể nói chuyện lương tâm, nghĩa vụ, trách nhiệm và đạo đức. Đồng thời mới có thể hình thành ý thức trách nhiệm, hết lòng vì sự nghiệp, tinh thần dân tộc, những điều này mới là cảnh giới cao nhất của một con người.
Không sợ gì mới là đáng sợ nhất
Nhân vật Vương Hi Phượng trong “Hồng lâu mộng” đã có lời trăn trối rằng: “Cơ mưu đã tính sẵn đâu vào đấy nhưng không ngờ lại lấy đi tính mạng của ta”, rõ ràng nguyên nhân cái chết của cô chính là do thông minh thái quá mà gây nên.
Kỳ thực, sự thông minh của Vương Hi Phượng không sai. Tuy nhiên rất nhiều người đều cho rằng, cuộc đời Vương Hi Phượng kém may mắn vì sự khôn lanh của mình. Cô ấy sai vì sự vô tri không biết sợ. Gan lớn đến mức không sợ bất cứ điều gì.
Cổ nhân có nói: “Thiên dục kỳ vong, tất lệnh kỳ cuồng”, nghĩa là: Biểu hiện ngông cuồng, lố bịch chính là dấu hiệu của sự diệt vong. Sự ngông cuồng đã khiến Vương Hi Phượng gặp phải kết cục bi thương. Tất nhiên, điều này có mối liên hệ tất yếu với sự giáo dục của gia đình cô.
Khi Vương Hi Phượng còn nhỏ, cha mẹ rất nuông chiều, có thể nói là muốn gì được nấy, nhưng lại không chăm sóc dạy bảo, điều này đã hình thành nên tính cách ngông cuồng, tự cao tự đại của cô sau này.
Ngoài ra, cha mẹ không cho cô được giáo dục trong văn hóa truyền thống của một tiểu thư vương gia cành vàng lá ngọc. Cô lại cũng không biết chữ, chưa từng đọc qua sách Thánh Hiền của Bách Gia Chư Tử. Kể cả các lời giáo huấn của Thánh Nhân cũng không hề biết, hầu như không có chút khái niệm nào về “Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín”. Do đó mà thiếu các chuẩn tắc đạo đức cơ bản nhất để làm người.
Nếu phẩm chất đạo đức cơ bản không được rèn luyện tu dưỡng, ước thúc bản thân, thì sẽ trở nên rất đáng sợ. Lúc đó thì chẳng còn có chút tâm kính sợ nào, cũng không còn gì để nói.
Không có tín ngưỡng thì người ta khó có lòng kính sợ, không có lòng kính sợ thì điều gì cũng dám làm. Người có sự kính sợ ắt thân tâm ngay thẳng, lời nói có phép tắc, không ngừng sửa sai, chỉ cần vượt ra ngoài khuôn phép, tâm sẽ cảm thấy không thoải mái.
Nếu gan quá lớn, lại không biết tiến thoái: Nhỏ thì lầm đường lạc lối, lớn thì mất đi sinh mệnh.
Tâm có sự kính sợ, không lo không sợ
Tăng Quốc Phiên (một Nho gia lỗi lạc trong thời Mãn Thanh) đã viết trong bức thư gửi cho con trai thứ hai là Kỷ Trạch rằng: “Trong sự kính sợ không chứa sự kiêu ngạo và lười biếng”.
Chỉ khi con người tồn tại sự kính sợ, con người mới có thể hành sự thận trọng; không dám tùy tiện khinh suất; cũng có thể trong hoàn cảnh thiên biến vạn hóa, trong xã hội phức tạp và đầy rẫy cám dỗ mà không bị ảnh hưởng, cũng không dễ nổi nóng, không bị tư tâm, tạp niệm quấy nhiễu, không vì lợi ích cá nhân mà mệt mỏi, luôn luôn khiêm nhường và ôn hòa, đồng thời giữ được một tấm lòng ung dung bình thản.
Người càng mạnh mẽ, càng phải khiêm tốn, bởi vì khiêm tốn chính là một sự kính sợ. Mỗi thời mỗi khắc trong tâm đều chứa lòng kính sợ, như vậy sẽ đạt được một cảnh giới bình yên không lo không sợ.
Chỉ khi chúng ta có dũng khí và sự kính sợ, chúng ta mới có thể phán đoán và phân tích sự việc một cách đúng đắn, mới có thể dần dần tiến bước trước khó khăn và đạt được thành công trong cuộc sống.
Thế Di
Theo secretchina.com