Thị nữ nhẫn nhịn chờ đợi thời cơ để giải oan cho Tướng quốc
Cổ nhân vô cùng coi trọng lời hứa, lời một khi đã nói ra, dù có khó khăn thế nào đi nữa cũng phải dốc hết toàn lực để thực hiện. Lịch sử có rất nhiều câu chuyện cho thấy sức nặng trong lời hứa của người xưa, vào thời Đường đã có một thị nữ như vậy.
Tướng quốc đại nhân cảm nhận được nguy hiểm mà ủy thác thị nữ
Vào thời Đường Đức Tông, trong một đêm Tướng quốc đại nhân Đậu Sâm tản bộ trong vườn thì một thị nữ mà ông sủng ái tên là Thượng Thanh, nói nhỏ với ông: “Hiện có chuyện quan trọng muốn bẩm báo đại nhân, mời đại nhân vào nhà”. Sau khi họ vào trong Thượng Thanh mới nói: “Nô tì thấy trên cây trong vườn có bóng người, sợ kinh động ngài, cho nên mời ngài tránh đi một lát”.
Đậu Sâm nghe xong nói: “Trong triều, Lục Tán luôn muốn đoạt vị ta, người ở trên cây sợ là do hắn sai đến. Xem ra ta sắp gặp họa rồi. Việc này dù có tấu lên Hoàng thượng hay không, ta cũng khó mà thoát được. Thậm chí có thể phải chết trên đường đi đày không chừng. Ngươi là tâm phúc duy nhất của ta, nếu như ta có ngày nhà tan cửa nát, sợ rằng ngươi cũng bị phạt làm đầy tớ nhà khác. Nếu có cơ hội gặp được Thánh thượng, thì hãy nói giúp ta vài lời công đạo”.
Thượng Thanh rơi nước mắt nói: “Đại nhân đối với tỳ nữ ân nặng như núi, nếu như quả thật chuyện đến nước đó, nô tỳ nhất định liều chết để giúp ngài, đại nhân hãy yên tâm”.
Sau đó Đậu Sâm đi ra ngoài, hướng lên trên cây nói lớn: “Vị quân tử ở trên cây, ngươi hẳn là do Lục Tán phái đến. Nếu như ngươi có thể bảo toàn tính mạng của ta, ta nhất định sẽ báo đáp”.
Người trên cây sau khi nhảy xuống nói: “Nhà ta có đại tang, mà trong nhà nghèo quá, không đủ tiền để mai táng. Bởi vì ta nghe nói đại nhân đối xử với mọi người rộng lượng, cố tình đến quý phủ xin giúp đỡ, xin đừng trách móc”.
Đậu Sâm nghe xong nói: “Ta nhất định sẽ hết lòng giúp đỡ. Trong nhà có một ngàn tấm lụa cất trong kho, đang định dùng để sửa chữa từ đường, để ta lấy đưa cho ngươi”. Người nọ bái tạ sau đó yêu cầu Đậu Sâm ném một ngàn cuộn vải ra ngoài tường. Đậu Sâm đồng ý làm theo.
Tướng quốc sau đó đúng là bị hãm hại
Ngày hôm sau lúc vào triều, quan tuần sát kinh thành liền tấu với Hoàng thượng chuyện phủ Tướng quốc ban đêm ném một ngàn tấm lụa ra ngoài tường. Lúc ấy Đậu Sâm cũng lập tức bẩm báo chi tiết với Hoàng thượng. Không ngờ Đường Đức Tông nghe bẩm báo xong nghiêm nghị trách cứ: “Ngươi kết giao với quân phản loạn, nuôi dưỡng thích khách. Thân là Tướng quốc, chức quan đã cao đến vậy, còn muốn bày trò gì nữa?”.
Đậu Sâm cuống quít dập đầu tạ tội, nói: “Vi thần vốn là một tiểu quan lo việc công văn, vậy mà lên được làm Tướng quốc, cái này tất cả đều là ân đức của Thánh thượng, hiện tại không may xảy ra chuyện này, e là do có kẻ ghen ghét cố ý hãm hại. Để Thánh thượng tức giận vì chuyện này, vi thần thật sự đáng tội chết vạn lần”.
Đức Tông nghe vậy hạ chỉ để Đậu Sâm tạm thời hồi phủ, chờ xử lý. Một tháng sau, Đậu Sâm bị giáng chức đi đày đến Hồ Nam, Sâm Châu. Lúc này vừa đúng lúc tiết độ sứ Lữu Sĩ Ninh phụng mệnh tuần tra xem xét các quan thanh liêm, thuận tiện tấu với Thánh thượng, kể lại chuyện Đậu Sâm vô tội.
Không ngờ Đức Tông vừa nhìn tấu chương đã nói: “Đậu Sâm kết giao quân phản loạn, tấu chương này cũng đã chứng minh”. Vì vậy Đức Tông lại hạ chỉ đày Đậu Sâm đến Sồ Châu xa xôi hơn nữa, cũng hạ lệnh tịch thu toàn bộ gia sản. Sau đó Đức Tông còn hạ chiếu, lệnh Đậu Sâm phải tự vẫn.
Thị nữ ẩn nhẫn chờ đợi cơ hội giải tội cho Tướng quốc
Sau đó quả đúng như lời của Đậu Sâm, thị nữ Thượng Thanh được thu vào trong cung để phục dịch. Thượng Thanh ở trong cung cần cù vất vả làm các việc tay chân, ngày qua ngày, nén hận nhẫn nhịn chờ đợi. Bởi vì Thượng Thanh lanh lợi giỏi đối đáp, lại có tài pha trà, chưa tới vài năm đã được tuyển đến hầu hạ Hoàng thượng.
Một ngày nọ Đức Tông hỏi gia thế Thượng Thanh, Thượng Thanh nói ra sự thật mình vốn là tỳ nữ của Tướng quốc tiền nhiệm Đậu Sâm. Nghe vậy Đức Tông nói lên tội trạng của Đậu Sâm, Thượng Thanh rơi nước mắt biện hộ: “Đậu Sâm đại nhân từ chức Ngự sử trung, làm tới Độ chi, Hộ bộ, Diêm thiết tam sứ, cho đến vị trí Tướng quốc, trong vòng 6 năm, mỗi tháng tiền nhận được hơn mười vạn, còn thường xuyên được Thánh thượng ban thưởng, số bạc lúc ở Sâm Châu tịch thu từ tài sản Đậu gia chuyển về kinh thành, thực ra đều là từ Thánh thượng ban ân.
Lúc tịch thu tài sản, tỳ nữ cũng có ở đó, tận mắt thấy quan viên châu huyện nghe theo lệnh của Lục Tán, cạo chữ trên ngân lượng, khi chuyển lên kinh thành, còn khắc thành danh hiệu của quân phản loạn, giả tạo thành tang vật, ngang ngược vu cáo Đậu Sâm. Thị tỳ khẩn cầu bệ hạ phái quan viên kiểm tra thực hư, để chứng tỏ lời nô tỳ nói là thật”.
Đức Tông sau khi nghe xong vô cùng chấn động, lập tức hạ chiếu lấy tài sản của Đậu Sâm ở trong kho ra kiểm tra lại, kết quả đúng như lời của Thượng Thanh. Đức Tông sau khi biết chuyện đã nghiêm khắc trách phạt Lục Tán. Sau đó hạ chiếu sửa lại án sai của Đậu Sâm, Lục Tán bị giáng chức đuổi khỏi kinh thành, không được về triều.
Theo Secret China