Thấy có người trộm đồ ăn nhà mình, vì sao vị “đại thiện nhân” này lại trốn đi?
Nếu phát hiện ai đó ăn cắp đồ ăn trong vườn nhà mình, bạn sẽ hô lớn để bắt trộm, hay lặng lẽ trốn đi? Có lẽ nhiều người sẽ chọn cách hô hoán, tuy nhiên trong lịch sử, thực sự có người lại chọn cách im lặng, để cho kẻ trộm lấy đủ thức ăn mình cần.
Câu chuyện của vị “đại thiện nhân” này đã được ghi lại rõ ràng trong sử sách, ông chính là Thẩm Đạo Kiền, sống vào thời Nam Bắc triều, được người đời gọi là “Khiêm Hòa ẩn sĩ”.
Thẩm Đạo Kiền, người Vũ Khang, Ngô Hưng, nhà ở dưới chân Thạch Sơn phía Bắc huyện Thành. Ngay từ khi còn trẻ ông đã bộc lộ là người giàu lòng nhân ái, còn rất thích đọc “Lão Tử”, “Kinh Dịch”, cũng rất tín ngưỡng vào Phật Pháp, cho nên ở trong vùng này ông cũng có chút danh tiếng.
Năm 402, Tôn Ân khởi binh phản Đông Tấn nhưng thất bại, cuối cùng phải nhảy xuống biển tự sát. Sau cuộc phản loạn, rất nhiều nơi xuất hiện nạn đói, ngay ở vùng Thạch Sơn chỗ Thẩm Đạo Kiền ở cũng gặp hoàn cảnh tương tự.
Lúc đó, Huyện lệnh Dữu Túc Chi vì ngưỡng mộ nhân cách của Thẩm Đạo Kiền, liền sắp xếp cho ông được chuyển tới phía Nam huyện Thành, còn xây dựng cho ông một ngôi nhà nhỏ. Nơi đó sơn thủy hữu tình, rất thích hợp để sinh sống.
Tuy nhiên, Thẩm Đạo Kiền cũng không vì điều kiện sống được cải thiện mà quên đi họ hàng làng xóm cũ. Ông thường trở về nhà cũ ở Thạch Sơn và chia sẻ một ít tài vật cho những đứa trẻ mồ côi. Bất kể giàu nghèo thế nào ông cũng không thay đổi tiết tháo của mình. Quận phủ và Châu phủ từng 12 lần mời ông ra ngoài làm quan, nhưng ông đều từ chối.
Thấy người trộm đồ lại đi trốn
Tấm lòng nhân ái của Thẩm Đạo Kiền thì người người đều biết đến và kính trọng. Có một lần, ông phát hiện có người đang trộm đồ ăn trong vườn nhà mình, ông vội lặng lẽ trốn đi, sợ làm kinh động tới đối phương, đợi đến khi người kia lấy đủ đồ ăn rồi rời đi, ông mới quay trở lại. Có thể nói, trong thời buổi loạn lạc, cái đói đã khiến con người ta phải làm những chuyện đáng xấu hổ như vậy. Thẩm Đạo Kiền sở dĩ trốn đi, vì không muốn người ăn trộm kia cảm thấy khó xử.
Một lần khác, ông phát hiện có người nhổ măng phía sau nhà của mình, liền vội tới khuyên can, nói: “Những cây măng này sắp mọc thành rừng rồi, nhổ đi thật đáng tiếc. Ta sẽ tặng cho cậu những cây măng tốt hơn”. Nói rồi liền nhờ người đi mua măng tươi tặng cho kẻ trộm, nhưng người trộm măng cảm thấy xấu hổ nên không dám nhận, Thẩm Đạo Kiền đành sai người đưa măng đến tận nhà cho anh ta.
Thẩm Đạo Kiền lúc ẩn cư, thường lấy việc lượm lặt (nhặt những thứ người khác không cần, những thứ bị vứt bỏ) làm sinh kế. Một lần, có hai người trong nhóm lượm lặt vì một chút lúa mà xảy ra tranh chấp, Thẩm Đạo Kiền lên tiếng khuyên bảo mà không được, ông liền lấy đồ mình nhặt được chia cho hai người, khiến bọn họ đều cảm thấy xấu hổ. Về sau lại xảy ra tranh chấp tương tự, hai người vội bảo nhau: “Thôi bỏ đi, việc này đừng để Thẩm cư sĩ biết!”.
Đến mùa đông, Thẩm Đạo Kiền không có quần áo chống rét, con trai của người bạn tốt Đới Quỳ là Đới Ngung biết chuyện, liền đưa ông về nhà, may cho ông một bộ quần áo cho mùa đông, còn tặng ông một vạn tiền. Sau khi Thẩm Đạo Kiền về nhà, liền đem quần áo mùa đông cùng tiền tài trên người chia hết cho mấy đứa trẻ mồ côi, còn bản thân mình cam tâm tình nguyện chịu đựng rét lạnh.
Những đứa trẻ ở quê nhà cũng thường tìm đến ông để cầu học, nhưng Thẩm Đạo Kiền rất nghèo, thường ăn không đủ no, không thể đảm bảo thời gian lên lớp. Huyện lệnh Vũ Khang là Khổng Hân Chi biết chuyện, liền phái người đưa tới rất nhiều vật tư để ông an tâm dạy học. Sau này, trong đám học trò của ông cũng có rất nhiều người công thành danh toại.
Tống Văn Đế Lưu Nghĩa Long sau khi nghe chuyện về Thẩm Đạo Kiền, cũng sai sứ đến thăm hỏi, còn ban thưởng 3 vạn tiền, 200 hộc gạo. Thẩm Đạo Kiền lại đem toàn bộ những thứ này cho người khác. Triều đình lại triệu ông làm Viên ngoại Tán kỵ Thị lang, nhưng ông vẫn như trước mà xin được làm thường dân.
Nhiều thế hệ trong gia đình Thẩm Đạo Kiền đều tín phụng Phật Pháp. Từ thời ông nội đến đời cha của ông, đều tích cực tu sửa chùa miếu. Thẩm Đạo Kiền khi về già ăn chay sống thanh đạm, mặc dù thường không có tiền bạc để duy trì cuộc sống, nhưng ông vẫn lấy việc chơi đàn đọc sách như là thú vui. Tống Văn Đế cảm kích sự nhân nghĩa của ông, nên hạ lệnh cho quan viên quận huyện tùy thời tiếp tế cho ông.
Năm Nguyên Gia thứ 26 (449), Thẩm Đạo Kiền qua đời, hưởng thọ 82 tuổi. Một đời cư sĩ ẩn dật đã trở về với cát bụi, nhưng đức hạnh mà ông tích lũy trong suốt cuộc đời chắc hẳn sẽ đưa ông đến những nơi tốt đẹp nhất.
Tuệ Tâm (Theo Epoch Times)