Thành ngữ “Bán đồ nhi phế” – Bỏ cuộc nửa chừng
“Cắt đôi tấm vải” là một câu chuyện để minh họa thành ngữ “Bỏ cuộc nửa chừng” và tầm quan trọng của việc kiên trì làm một việc gì đó từ đầu đến cuối.
Thành ngữ “Bỏ cuộc giữa chừng” (bán đồ nhi phế) (半途而廢), là thành ngữ nói về tình huống bỏ dở một cái gì đó khi chưa hoàn thành, bắt nguồn từ “Trung Dung”, một trong bốn bộ sách kinh điển của Nho giáo.
Câu chuyện như sau: Trong thời kỳ Chiến Quốc (475-221 TCN), có một người đàn ông tên là Nhạc Dương Tử sống với vợ ở nước Việt.
Một ngày nọ, Nhạc Dương Tử nhìn thấy một miếng vàng trên đường và nhặt nó lên. Anh đem về nhà và đưa cho vợ.
Vợ anh nhìn vào miếng vàng và nói: “Thiếp nghe nói rằng một người có phẩm hạnh sẽ không uống nước của một tên trộm và một người đàn ông liêm chính sẽ từ chối chấp nhận của bố thí. Chàng nghĩ gì về việc nhặt lên một vật bị rơi mất của người khác và sở hữu nó cho riêng mình?”
Nghe điều này, Nhạc cảm thấy xấu hổ và đem nó trở lại nơi mà anh đã tìm thấy nó. Nhạc sau đó quyết định tìm kiếm các thầy dạy học để làm phong phú thêm kiến thức của mình. Nhận được sự ủng hộ từ vợ, Nhạc bắt đầu cuộc hành trình.
Một năm sau đó, Nhạc đột nhiên trở về nhà. Vợ anh, khi đó đang dệt vải lụa, quỳ xuống để chào đón anh ta và ngạc nhiên hỏi: “Chàng chỉ mới ra đi cầu học có một năm. Tại sao giờ lại trở về rồi? ”
Nhạc trả lời: “Ta trở về nhà để gặp nàng bởi vì ta nhớ nàng rất nhiều”.
Không nói thêm một lời nào, người vợ nhặt một cây kéo và đi đến khung cửi nơi cô đang làm công việc.
Chỉ vào tấm thổ cẩm thêu còn đang dang dở, cô nhẹ nhàng nói: “Đây thổ cẩm được dệt từ tơ tằm tốt nhất. Thiếp đã đan từng sợi nối tiếp nhau để dệt ra nó. Bây giờ nếu thiếp cắt nó, tất cả các công việc nãy giờ của thiếp sẽ trở thành vô ích. Đó cũng tương tự như sự học hành của chàng. Chàng chỉ có thể tiếp thu kiến thức thông qua sự cần mẫn. Bây giờ, chàng đã dừng lại nửa chừng. Không phải là nó cũng giống như cắt vải trên khung cửi này sao?”
Nhạc đã xúc động sâu sắc bởi những gì người vợ nói. Anh rời khỏi nhà một lần nữa; lần này với quyết tâm rằng sẽ không bỏ cuộc giữa chừng trong việc học hành của mình. Vài năm sau đó, Nhạc đã trở thành một người đàn ông rất uyên bác.
Thành ngữ này được dùng để chỉ một việc làm mà bị bỏ dở ở giữa quá trình. Nó nhắc nhở rằng những nỗ lực của một ai đó, tất cả sẽ trở thành vô ích nếu người ta không thể cố gắng theo đuổi làm mọi thứ từ đầu đến cuối.
Chú thích:
Người ta cho rằng “Trung Dung” được viết vào khoảng năm 450 trước Công nguyên bởi cháu nội của Khổng Tử. “Trung Dung” (中庸) ban đầu được coi là một thiên trong tác phẩm “Kinh Lễ” của Khổng Tử. Sau đó, nó được coi là một trong bốn bộ sách kinh điển Nho giáo. “Trung Dung” cũng còn được dịch là “Lý thuyết của thế cân bằng”, “Trung Đạo” và “Lý thuyết của sự hài hòa”.
Theo Vietdaikynguyen