Thần y kỳ ngộ: Nhân quả thiện ác đi với nhau như hình với bóng
Người có tài nhất định phải đi đôi với đức, phải biết hành thiện, kiên nhẫn chịu khổ, đợi đến khi thời vận đã tới thì cái gì đáng được đắc nhất định sẽ đắc.
Trong “Danh hiền tập” có câu: “Vận đi vàng cũng phai màu, tới thời sắt cũng ngời ngời phát quang”. Đây là kinh nghiệm được đúc kết của cổ nhân, cũng chính là lời giải thích cho vận mệnh của đời người. Dù là bậc đế vương, quan chức, hay dân chúng bình thường cũng không ngoại lệ.
Chẳng hạn chuyện Khương Tử Nha phò Chu diệt Trụ, khi thời vận chưa tới dù bán mì, nuôi heo đều thua lỗ, khi thời vận đã đến rồi thì làm quan làm tướng oai phong hơn người. Trong lịch sử Trung Quốc có một vị thần y tên Tôn Tư Mạc, những chuyện mà ông đã trải qua cũng có thể chứng thực cho việc này.
Tôn Tư Mạc ở trên núi cao, theo sư phụ học y nhiều năm, nhờ chịu khó học hỏi, lại cộng thêm y đức hơn người nên được sư phụ khen ngợi và trở thành đệ tử chân truyền.
Khi ông sắp bái biệt xuống núi, sư phụ ân cần nói: “Chuyện trên đời đều có định số, không nên vì khốn khó nhất thời mà từ bỏ nguyện vọng tế thế cứu người. Ta tin rằng con sẽ không làm ra những việc thất đức hại người, bôi nhọ sư môn. Tâm nguyện ban đầu không đổi, tất sẽ đạt thành công”.
Sau khi Tôn Tư Mạc bái biệt sư phụ xuống núi vẫn luôn tuân theo lời dạy của thầy, toàn tâm toàn ý chữa bệnh cho người. Thế nhưng sự đời không như mong muốn, cho dù ông đi đến đâu, chẳng những không chữa khỏi bệnh mà vừa ra tay thì bệnh nhân lại lăn ra chết.
Mọi người chỉ trích ông, mắng chửi ông, còn xua đuổi ông, tránh ông như tránh ôn dịch vậy. Ông không những phải chịu cảnh màn trời chiếu đất, mà còn phải gánh chịu những lời nhục mạ khắc nghiệt. Cuối cùng một ngày kia ông không chịu đựng nổi nữa, bèn trở về núi khóc lóc, kể lại cho sư phụ nghe.
Sư phụ không hề quở trách, hiền từ nhìn ông, nói lời sâu xa: “Những khổ cực mà con phải gánh chịu ta đều biết cả, nhưng đây cũng chỉ là một đoạn đường, đợi đến khi thời vận của con thay đổi thì mọi thứ sẽ khác đi. Đừng nản lòng, khi giày cỏ của con nặng đến bốn cân rưỡi thì mọi chuyện sẽ tốt lên thôi”.
Tôn Tư Mạc lần nữa bái biệt sư phụ xuống núi, cũng lại gặp phải cảnh ngộ giống như trước, nhưng ông không nản lòng nhụt chí, vẫn tiếp tục khích lệ bản thân vượt qua nghịch cảnh.
Có một lần, ông lội qua một vũng bùn khiến đôi giày cỏ bị rách bươm, khó khăn lắm mới ra khỏi con đường lầy lội ấy, ông dựa vào một cây đại thụ, dùng dây mây đan lại đôi giày cỏ của mình. Sau khi đan xong, thấy đôi giày cỏ vừa to vừa nặng, không còn cách nào khác đành phải đi chân đất.
Một lát sau, bỗng nhiên có một đoàn đưa tang khóc lóc đi ngang qua, còn có máu từ trong quan tài nhỏ từng giọt ra bên ngoài. Tôn Tư Mạc đi tới, tỉ mỉ quan sát những vết máu đó, lập tức biết rằng người đó vẫn còn cứu được. Ông bèn chạy theo hô to: “Dừng lại! Dừng lại! Người vẫn còn cứu được, người vẫn còn cứu được…”
Ban đầu người ta còn cho rằng ông là một tên điên ăn nói xằng bậy. Khi ông bảo họ hạ quan tài xuống họ cũng không thèm nghe. Bởi vì phong tục ở địa phương này là trong quá trình đưa tang mà hạ quan tài xuống thì sẽ gặp xúi quẩy.
Không còn cách nào khác, ông đành vừa đi theo bên cạnh vừa nói: “Người này do sinh khó mà chết có đúng không? Chẳng những không sinh được đứa bé, mà người mẹ cũng vì băng huyết mà chết, cho đến khi đưa vào quan tài mà máu vẫn còn chảy. Người này vẫn còn cứu được, mau hạ quan tài xuống, nếu không thì không còn kịp nữa”.
Mọi người nghe ông nói toàn bộ đều chính xác cứ như tận mắt chứng kiến vậy, thế là liền hạ quan tài, mở nắp để ông chữa trị. Tôn Tư Mạc lấy một cây kim bạc châm đúng vào huyệt vị, không bao lâu sau thì nghe thấy sản phụ kia “a” một tiếng rồi tỉnh dậy, người bên ngoài ai nấy đồng thanh hoan hô.
Cũng chính lúc đó, lại nghe thấy tiếng trẻ sơ sinh khóc lớn, cả người lớn và đứa bé đều được cứu, mọi người ai nấy đều mừng rỡ. Từ đó về sau, câu chuyện kỳ tích một cây kim bạc cứu hai mạng người được dân chúng lưu truyền trở thành giai thoại.
Người nhà của sản phụ kia đưa Tôn Tư Mạc về nhà tiếp đãi trọng hậu, họ vừa tạ ơn vừa bái lạy, không biết phải làm thế nào mới có thể báo đáp được ơn cứu mạng của Tôn Tư Mạc.
Ngày hôm sau, Tôn Tư Mạc có ý muốn rời đi, cả nhà không thể giữ lại, bèn tặng một chút bạc xem như là quà tạ ơn nhưng ông không nhận, chỉ nhận lấy một đôi giày mới. Chồng của sản phụ kia muốn mang đôi giày cũ đi vứt, Tôn Tư Mạc lại không nỡ bỏ đi, tìm một cái cân cân thử thì vừa đúng bốn cân rưỡi.
Từ đó ông càng thêm tin tưởng vào lời dạy của thầy mình, ra sức cứu người khốn khổ vì bệnh tật. Nhắc tới cũng thật thần kỳ, từ đó về sau, bất kể chứng bệnh nào qua tay ông cũng đều được chữa khỏi. Đương nhiên, câu chuyện kỳ diệu về “thần y giày cỏ” cũng được lưu truyền ngày càng rộng rãi.
Một ngày kia, Tôn Tư Mạc đang men theo đường mòn leo lên một ngọn núi cao, vừa ngẩng đầu nhìn thì thấy một con hổ đang đứng chắn đường. Lúc này muốn bỏ chạy cũng không kịp nữa, ông không biết làm thế nào, chỉ có thế đứng ngây người tại chỗ.
Không ngờ con hổ ấy không vồ lấy ông, mà lại quỳ bằng hai chân trước, liên tục dập đầu bái lạy, sau đó há to miệng ra cho ông xem. Tôn Tư Mạc thấy con hổ gầy trơ xương, lại thấy nó có những hành động không bình thường, ông đoán chắc rằng nó đã bị bệnh nên đến tìm ông chữa trị
Tôn Tư Mạc lấy hết can đảm tiến lên xem thử, chỉ thấy cổ họng của nó sưng tấy, nhìn kỹ thì ra có một mảnh xương đâm ngang qua hai bên vành họng, ông không ngại nguy hiểm dùng một cây gậy sắt giữ miệng hổ lại, để tránh trong lúc điều trị nó đau quá cắn xuống sẽ bị thương. Sau đó ông rút mảnh xương ra, cắt bỏ phần thịt bị hư hoại, thoa thuốc, rồi lấy gậy sắt ra. Con hổ quay đầu bỏ đi, Tôn Tư Mạc không để ý đến hành động vô lễ của nó, chỉ mỉm cười như trút được gánh nặng.
Ngọn núi này quá lớn, đi cả nửa ngày trời mới chỉ đến chân núi. Lúc đang đi, ông lại thấy một con hổ chạy về phía mình, khi ông còn chưa kịp định thần thì con hổ đã chạy đến trước mặt nhả ra vật mà nó đang ngậm trong miệng, liên tục gật đầu với ông, sau đó quay đầu đi mất.
Ông nhặt vật mà con hổ nhả ra xem, thì ra là cao làm từ bào thai của nai, vật này là một loại thuốc quý hiếm vô cùng, là một báu vật dùng để chữa bệnh rất khó tìm. Cho đến tận lúc ấy ông mới tin hổ là một loài động vật hiểu tính người, nó cũng biết phải làm thế nào để báo ơn.
Lại một ngày kia, Tôn Tư Mạc đang đi trên đường thì đột nhiên mưa to như trút nước. Tiếp theo đó là một tiếng gầm rất lớn, một con rồng to rơi xuống trước mặt ông. Ông kinh sợ trước sự việc xảy ra trước mắt, nhưng không đợi cho ông bình tĩnh lại, con rồng cúi đầu, há miệng, dùng một cái móng chỉ vào miệng của mình như muốn ông xem.
Lúc này mưa gió đã ngừng, hai tay ông nâng lấy đầu rồng, nhìn kỹ bên trong miệng rồng, thì thấy trong cổ họng nó có một cục u to bằng cái bánh bao, hơn nữa còn bị lở loét. Ông quyết định lập tức làm phẫu thuật. Trước tiên ông dùng một cây gậy sắt giữ miệng nó lại, rồi dùng dao cắt đi phần thịt lở loét, sau đó thoa thuốc rồi lấy cây gậy sắt ra. Con rồng lớn há miệng, cảm thấy đã đỡ hơn nhiều, gật gật đầu với ông. Lại một trận mưa lớn đổ xuống, con rồng mượn sức mưa đạp mây bay đi mất.
Hơn một tháng sau vào một buổi nọ, Tôn Tư Mạc đi đến bên bờ sông, thấy nước trong đến mức thấy cả đáy, nước sâu đến nửa thước, nhưng mặt sông rất rộng, xa gần chừng hai dặm. Ông thay quần, cởi giày định lội xuống nước để qua sông.
Lúc đi đến giữa sông, đột nhiên ông nhìn thấy một trận hồng thủy lớn từ thượng nguồn đang cuồn cuộn ập đến, có muốn chạy cũng không kịp nữa. Ông đứng ở đó như tượng đất, quên cả việc bước đi. Đang trong lúc ngàn cân treo sợi tóc, bên tai lại nghe thấy một tiếng hô rất lớn, một con rồng to nằm vắt ngang dòng sông, nước không ngừng dâng lên ở phía thượng nguồn mà không hề chảy xuống hạ lưu.
Lúc này ông không kịp nghĩ gì nữa, nhanh chóng chạy đến phía bờ cao của sông. Ông nhìn về phía “con đê rồng”, nước đã cao như một ngọn núi nhỏ. Đột nhiên con rồng mượn sức nước nhảy lên, con sóng lớn cuồn cuộn chảy về phía hạ lưu. Ông hít sâu một hơi, nghĩ đến việc mình cứu rồng một lần, nó cũng cứu mình một mạng, thiện hữu thiện báo thật sự như hình với bóng.
Tuệ Tâm, theo Kannewyork