Thần tích hội họa thời cổ đại: Vẽ rồng bay lên trời, vẽ cá bơi vào nước
Trung Hoa xưa có rất nhiều danh họa tin vào Phật giáo, Đạo giáo và tu hành, bởi vậy chính bản thân họ đã để lại nhiều câu chuyện kỳ diệu. Ví dụ như Trương Tăng Dao “vẽ rồng bay lên trời”, và Lý Tư Huấn “vẽ cá bơi vào nước”, đều đã được ghi chép vào sử sách.
>>> Thiên Long bát bộ của Kim Dung: 8 nhân vật đối ứng 8 bộ Thần Hộ Pháp
Trương Tăng Dao vẽ rồng điểm mắt
Trương Tăng Dao là hoạ sĩ triều đại nhà Lương, Nam Triều, thuộc thời kỳ Nam Bắc triều của Trung Quốc. Vào năm Thiên Giám (502 – 519) do Lương Vũ Đế trị vì, ông là Thị lang Vũ Lăng Vương, phụ trách việc hội họa trong cung đình mật các, từng đảm nhận chức vụ hữu tướng quân, Thái thú Ngô Hưng.
Theo ghi chép trong “Tục họa phẩm lục”, Trương Tăng Dao “tay không buông khỏi bút, thức thâu đêm suốt sáng, không mệt mỏi không đổ gục, trong mấy chục năm không cần phải nghỉ ngơi”. Ông vẽ rất nhiều bức họa trên giấy và cả trên tường về mọi chủ đề như Đạo, Phật, người, rồng, ngựa, v.v. Trương Tăng Dao cùng với Cố Khải Chi, Lục Thám Vi, Ngô Đạo Tử của nhà Đường được gọi là “Họa trung tứ Thánh”.
Lương Vũ Đế rất sùng Phật giáo, vào thời điểm đó, tất cả các ngôi chùa cần trang trí đều giao cho Trương Tăng Dao chịu trách nhiệm vẽ bích họa (tranh trên tường), những bức tượng Phật được ông vẽ đều có kiểu dáng đặc biệt riêng, và được gọi là “kiểu của nhà họ Trương”.
Theo ghi chép trong “Kiến Khang Thực Lục” của Hứa Tung đời nhà Đường biên soạn, thì có một ngôi chùa tên là “Nhất Thừa Tự” do Thiệu Lăng Vương Vương Luân thời nhà Lương xây dựng, cổng chùa có vẽ “Hoa chìm nổi”, được đoán là tác phẩm của Trương Tăng Dao.
Kỹ thuật được Trương Tăng Dao sử dụng chính là thủ pháp vẽ tán màu của Thiên Trúc, dùng chu sa và màu xanh lá cây để dậm nhiều lớp màu, tạo hiệu ứng dập nổi khi nhìn từ xa, khiến người nhìn trông thấy một hình ảnh sinh động ba chiều, nhưng khi nhìn gần thì đó vẫn là một mặt phẳng. Do vậy nó đã trở thành một nét đặc sắc của ngôi chùa này, người ta cảm thấy nó thật kỳ diệu, nên đã gọi ngôi chùa này là “Chùa chìm nổi”.
Trương Tăng Dao cũng giỏi vẽ rồng, diều hâu, cây cỏ hoa lá, v.v., trong đó câu chuyện được nhắc đến nhiều nhất là vẽ rồng. Rồng do ông vẽ có thể được mô tả bằng 2 từ “thần diệu”, và câu thành ngữ “vẽ rồng điểm mắt” chính là xuất phát từ câu chuyện gắn liền với Trương Tăng Dao.
Trong “Lịch đại minh họa ký – quyển 7” có ghi chép như sau: Một năm nọ, Trương Tăng Dao đã vẽ bốn con rồng trên bức tường của chùa Kim Lăng An Lạc, mỗi con rồng đều được vẽ rất sống động, rất nhiều người hành hương và khách du lịch đã lũ lượt đến xem, và hết lời ca ngợi.
Tuy nhiên, nhiều người nghĩ rằng mặc dù những con rồng này được vẽ một cách rất sinh động, dường như chúng có thể bay đi bất cứ lúc nào, nhưng vẫn có chỗ chưa hoàn hảo là bốn con rồng này đều không có mắt. Thế là có người xin Trương Tăng Dao điểm mắt cho rồng.
Không ngờ Trương Tăng Dao nói: “Nếu vẽ mắt lên, thì rồng sẽ bay đi mất!”. Người ta đều nghĩ rằng lời ông nói thật vô lý, không thể tin được, nên đã khăng khăng yêu cầu ông điểm mắt cho rồng. Cuối cùng, ông không thể từ chối được, đành phải vẽ mắt lên cho hai con rồng.
Kết quả là, khi ông vừa mới vẽ xong thì sấm sét đùng đùng, gió mưa tới tấp, hai con rồng bứt khỏi bức tường, xuyên qua các đám mây bay thẳng lên trời. Những người chứng kiến cảnh tượng này đều hết sức kinh ngạc, còn hai con rồng không được vẽ mắt thì vẫn nằm im trên tường.
Lý Tư Huấn vẽ cá bơi vào nước
Họa gia Lý Tư Huấn thuộc dòng dõi hoàng tộc nhà Đường. Ông giỏi vẽ tranh về Phật, Đạo, non nước, gác lầu, hoa lá cỏ cây, chim thú. Ngoài các chủ đề vẽ thực, ông còn vẽ cung điện lầu gác nguy nga trong triều và các ngọn núi, thung lũng, sông nước tráng lệ kỳ diệu khác.
Ngoài ra, ông còn kết hợp các chủ đề vẽ về Thần tiên, để tạo ra một cảnh quan lý tưởng cho tranh phong cảnh, được gọi là “Câu chuyện đẹp về thần tiên, được ẩn chứa trong sự thanh tao của núi non”. Trong “Đường triều danh họa lục” còn gọi ông là “Quốc triều sơn thủy đệ nhất”.
Đường Minh Hoàng từng lệnh cho Lý Tư Huấn vẽ những bức tranh tường ở Điện Đại Đồng, đã nói với ông rằng: “Những bức họa do khanh vẽ ở Điện Đại Đồng, đêm nghe thấy tiếng nước chảy”.
Trong “Ngọa du ký” ghi rằng: Lý Tư Huấn từng vẽ một con cá, khi vừa vẽ xong còn chưa kịp vẽ nền cây cỏ và nước vào tranh, thì có khách đến thăm nhà. Ông không thể không ra đón tiếp, nhưng khi ông quay lại thì không tìm được bức tranh vừa nãy mới hoàn thành.
Ông liền sai một cậu bé tìm kiếm xung quanh, thì phát hiện được bức tranh bị gió thổi vào hồ nước, khi vớt lên đã biến thành một mảnh giấy trắng. Không lâu sau đó, ông đã tìm thấy một con cá trong hồ nước nhìn giống y như con cá trong bức tranh trước đó ông vẽ.
Ông bèn vẽ thêm vài con cá nữa, và đặt nó vào trong nước, thì thấy rằng tất cả chúng đều rời khỏi giấy và trở thành cá thật, bơi tung tăng trong nước, qua một ngày sau vẫn không biến mất.
>>> Gia Cát Lượng dùng một tuyệt chiêu, ngay lập tức chữa khỏi bệnh cho Chu Du
Tuệ Tâm, theo NTDTV