Thảm họa này có sức hủy diệt Trái Đất không hề kém chiến tranh hạt nhân
Các nhà khoa học Anh nhận ra thế giới chưa bao giờ đứng trước quá nhiều nguy cơ cùng một lúc có khả năng kết thúc sự sống trên Trái Đất như hiện nay, trong đó có một thảm họa có sức hủy diệt không kém gì chiến tranh hạt nhân.
Các chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu các hiểm họa đe dọa sự sống (CESR) của Đại học Cambridge (Anh) đã thực hiện nghiên cứu mang tên “Trái Đất sẽ kết thúc như thế nào?“.
Họ cho biết, một trong những hiểm họa đang âm thầm đe dọa sự tồn tại của con người và có tính rộng khắp toàn cầu chính là biến đổi khí hậu (Climate Change), nó được sánh ngang với thảm họa hạt nhân và nguy cơ thiên thạch lao vào Trái Đất.
Theo Tiến sĩ sinh học Nguyễn Hữu Ninh, nhà khoa học Việt Nam vinh dự được nhận giải Nobel Hòa bình năm 2007, người có nhiều bài viết nghiên cứu về biến đổi khí hậu, con người bình thường mới đơn giản cảm nhận biến đổi khí hậu trong việc mùa hè nóng hơn và kéo dài hơn trong khi mùa đông thì dần ngắn lại.
Tuy nhiên, dưới con mắt của các nhà khoa học, khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong khí quyển đang ngày càng tăng lên, ấm lên toàn cầu và băng tan… chính là 3 trong những biểu hiện gọi tên biến đổi khí hậu.
Hơn 200 năm kể từ khi cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên diễn ra vào thế kỷ 17, 18 đến hàng loạt các hoạt động khai thác Trái Đất không ngừng nghỉ của con người ngày nay, hành tinh của chúng ta dường như đang phải chịu đựng sự hủy hoại từ chính bàn tay của con người.
Công nghiệp hóa phát triển mạnh mẽ đồng nghĩa với việc chúng ta khai thác nguồn năng lượng hóa thạch đến cùng kiệt. Kết quả là, hàng loạt khí thải độc hại như CO2, nitơ ôxít, mêtan… thải ồ ạt ra khí quyển, tạo thành tấm chăn dày bao bọc và khiến cho Trái Đất ngày càng nóng lên.
Cùng với những yếu tố tự nhiên như núi lửa hoạt động hay bức xạ từ Mặt trời cao thì việc con người khai thác tự nhiên không kiểm soát rồi phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính chính là những nguyên nhân khiến cho toàn cầu đang nóng dần lên.
Các nhà khoa học cảnh báo, đến một giới hạn nào đó, khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên mạnh mẽ, mặc cho con người có ngừng việc phát thải khí nhà kính, thì hậu quả của việc nóng lên toàn cầu sẽ khiến nước ở các đại dương sôi sục; băng ở 2 cực và các dãy núi cao như Himalaya, Alps sẽ cùng tan chảy.
Khi đó, sự sống của mọi sinh vật và chính của con người sẽ bị đe dọa ở mức báo động trên toàn cầu.
“Trái Đất liệu có đang bước vào thời kỳ đại tuyệt chủng thứ 6?” chính là vấn đề khiến giới khoa học toàn cầu lo lắng hơn bao giờ hết.
Trong lịch sử, Trái Đất đã phải trải qua rất nhiều sự kiện tuyệt chủng mang tính chu kỳ. Trong đó, tính từ hơn 500 triệu năm trở lại đây, có 5 cuộc đại tuyệt chủng hủy diệt hơn 50% sự sống trên hành tinh đã diễn ra.
Có một thực tế đáng sợ là Trái Đất đang có nguy cơ bước vào thời kỳ tuyệt chủng mới, thời kỳ đại tuyệt chủng thứ 6 với tốc độ cao gấp 114 lần so với bình thường, tờ Independent (Anh) dẫn lời các nhà khoa học cho hay.
Không phải sự tuyệt chủng đến từ tự nhiên như siêu núi lửa phun trào, thiên thạch lao vào Trái Đất hay băng hà khắp nơi, sự tuyệt chủng đến từ chính bàn tay con người!
Từ việc mất cân bằng sinh thái đến việc ấm lên toàn cầu do biến đổi khí hậu, con người không khác nào đang sống trong thời kỳ “tự sát”.
Ở một khía cạnh khác của vấn đề, một nhà khoa học đã từng nói, để khắc chế được biến đổi khí hậu, có 2 việc con người cần làm đó là: Giảm tác động của biến đổi khí hậu và thích ứng với nó.
Hiện nay, rất nhiều quốc gia tiên tiến ở phương Tây như Mỹ, Na Uy, Pháp… đang thực hiện các dự án khai thác nguồn năng lượng tự nhiên nhằm thay thế năng lượng hóa thạch.
Song song với đó, các nước như Pháp, Nhật Bản đang lên kế hoạch xây dựng các thành phố nổi hoặc thành phố ngầm nhằm đối phó với vấn nạn nước biển dâng…
Rất nhiều nỗ lực đang được con người thực hiện. Việc nhân loại ngày đêm nghiên cứu và tìm kiếm hành tinh khác có thể duy trì sự sống cũng là một trong những cách thể hiện khát khao được di trú đến vùng đất an toàn hơn trong tương lai của con người.
Cũng theo các nhà nghiên cứu thuộc CESR, bên cạnh biến đổi khí hậu, thì các thảm họa to lớn khác đe dọa sự tồn vong của con người và Trái Đất, bao gồm: Sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo (AI); Siêu cơ thể biohacking; Chiến tranh hạt nhân; Thiên thạch đâm vào Trái Đất; Robot sát thủ.
Theo Soha