Thái hậu Bhutan mơ thấy tiền kiếp, bồi hồi trở về chốn cũ
Năm gần 40 tuổi, bà bắt đầu có những giấc mơ liên tục lặp lại. Khiến mỗi khi tỉnh dậy, bà luôn cảm thấy một nỗi buồn sâu thẳm, nước mắt lăn dài trên gương mặt.
Bhutan, một quốc gia nhỏ bé nằm ở chân núi phía nam dãy Himalaya, với dân số chỉ có 750.000 người, và là một trong những quốc gia có mật độ dân số thấp nhất thế giới. Người Bhutan rất tín phụng tôn giáo, quốc giáo chính của họ là đạo Phật, và hầu hết mọi nhà đều có đền thờ thần.
Nhờ đời sống tín ngưỡng, người Bhutan tuy sống giản dị và không giàu có về vật chất, nhưng họ lại rất dễ dàng cảm thấy hạnh phúc.
Quốc vương hiện tại của Bhutan là Jigme Khesar Namgyel Wangchuck, và mẹ của ông chính là cựu Hoàng hậu Bhutan, tức Vương Thái hậu của Bhutan hiện tại.
Bà tên Dorji Wangmo Wangchuck (12/1955), một phụ nữ xinh đẹp và hào phóng, sinh ra ở làng Nobgang, miền tây Bhutan.
Khi còn trẻ, Vương Thái hậu Dorji Wangmo Wangchuck từng đi du học tại Ấn Độ, vào năm 1979. Sau đó, bà kết hôn với Quốc vương Bhutan là Jigme Singye Wangchuck và trở thành Hoàng hậu.
Dorji Wangmo còn là một nhà văn, và trong cuốn sách giới thiệu về Bhutan có tên “Kho báu Rồng Sấm: Một chân dung của Bhutan”. Bà đã kể về trải nghiệm cá nhân của mình trong tiền kiếp. Ở một đất nước tin vào Phật giáo và chấp nhận khái niệm về luân hồi như Bhutan, thì những trải nghiệm về luân hồi của bà không có gì khiến người khác cảm thấy kỳ lạ.
Dorji Wangmo viết rằng khi bà gần 40 tuổi, bà bắt đầu mơ liên tục, và mỗi khi tỉnh dậy bà đều cảm nhận một nỗi buồn vương vấn sâu thẳm trong lòng, khi đó nước mắt bà giàn giụa trên mặt.
Trong giấc mơ, bà nhìn thấy một ngôi nhà truyền thống ba tầng của người Bhutan, với sân thượng có mái che ở tầng 2. Một người phụ nữ với dáng người cao, mảnh khảnh, độ gần 30 tuổi, đang đứng trên sân thượng và một đứa trẻ đang ngủ trên lưng cô ấy.
Trong giấc mơ, bà thấy người phụ nữ này đang mặc váy Kira, cài trên vai một cặp trâm bạc cổ truyền thống, khuôn mặt của người phụ nữ ấy xen lẫn nỗi phiền muộn và khao khát, như thể cô ấy đang đợi chờ ai đó trở về.
Ngồi trên hiên phía sau lưng cô là hai người phụ nữ đang dệt vải bằng chiếc máy dệt thời ban sơ. Ngôi nhà có một khoảng sân được bao quanh bởi tường rào cùng những cây cam quýt nhỏ trĩu quả chín.
Cô gái này rất có thể là bà chủ của một đại gia đình. Sau khi thái hậu Dorji Wangmo liên tiếp mơ thấy cùng một giấc mơ trong nhiều lần, bà bắt đầu cảm thấy mình chính là người phụ nữ trong giấc mơ kia, bà có thể cảm nhận được cảm xúc và nỗi buồn của người phụ nữ đó, thậm chí bà còn có thể cảm nhận được hơi thở của đứa trẻ cùng cơ thể mềm mại ấm áp của nó.
Cứ liên tục mơ những giấc mơ như vậy, khiến Dorji Wangmo cảm thấy rất phiền lòng. Cuối cùng vào một ngày nọ, bà đã kể với cha mình về ngôi nhà trong giấc mơ có khoảng sân được bao quanh bởi tường rào, cùng những cây cam quýt nặng trĩu quả. Bà hỏi cha mình, liệu ông có biết ngôi nhà nào trong khu vực trồng cam quýt ở Bhutan giống như trong giấc mơ này không.
Sau khi nghe xong, người cha hỏi bà rằng ngôi nhà trong giấc mơ có được sơn màu hay không, Dorji Wangmo trả lời rằng “có”. Người cha liền khẳng định rằng: “Đó là ngôi nhà ở Gangkar Puensum”. Cha đã từng đến đó và nó giống hệt như những gì con nói.”
Mặc dù ngôi nhà được xác định là có tồn tại, nhưng Dorji Wangmo vẫn nghi ngờ liệu ngôi nhà trong giấc mơ của mình có thực sự tồn tại hay không.
Vài tháng sau khi hỏi cha mình, Dorji Wangmo tiếp tục có những giấc mơ tương tự. Vào một ngày năm 1993, khi bà 38 tuổi, bà quyết định đến Gangkar Puensum để tận mắt xem qua ngôi nhà, và cô con gái Sonam Dechen cũng đi cùng bà.
Dorji Wangmo đi đến Gangkar Puensum. Bà đi qua ruộng lúa một đoạn thì từ xa đã nhìn thấy một ngôi nhà. Tới một đập quay nước, bà dừng lại và cẩn thận quan sát ngôi nhà. Không thể tin được, ngôi nhà này giống hệt ngôi nhà bà đã thấy trong mơ.
Bà nhìn thấy một người phụ nữ xinh đẹp đứng ở phía sau của ngôi nhà, người phụ nữ khoảng chừng 60 tuổi, và mặc một chiếc áo tăng ni màu đỏ thẫm. Dorji Wangmo cảm thấy người nữ tăng ni này rất quen thuộc, do đó bà đã bước tới và chào hỏi, “Chúng ta đã gặp nhau bao giờ chưa?” Nhưng câu trả lời của người nữ tăng ni là “Chưa gặp qua bao giờ”, và sau đó nữ tăng ni đã mời bà vào nhà uống trà.
Nữ tăng nói với Dorji Wangmo rằng bà sinh ra ở đây và hiện đang sống cùng với gia đình của con trai mình. Sau khi chồng bà qua đời, bà liền xuất gia làm ni cô, đây được xem là một điều rất bình thường ở đất nước Bhutan.
Dorji Wangmo đi lên tầng hai, từ một khung cửa sổ hẹp nhìn ra ngoài, bà thoáng nhìn thấy trong sân có hai cây cam quýt cổ thụ, và giờ nó chỉ còn lác đác vài quả khô. Tường rào bao quanh sân cũng đã đổ sập, nhưng một góc tường vẫn còn đó, những mảnh vỡ còn lại vương vãi khắp nơi, trong lòng bà chợt dâng lên một nỗi ưu sầu.
Cô con gái Sonam Dechen nhận thấy những biểu hiện kỳ lạ của mẹ mình và hỏi bà rằng có chuyện gì không. Dorji Wangmo nói nhỏ với cô bé rằng “Đó là những cây cam quýt mà mẹ đã nhìn thấy trong giấc mơ của mình – tại sao nó lại trở nên hoang tàn và đổ nát đến như vậy?”
Vị nữ tăng ni mang trà bánh đến để tiếp đãi 2 mẹ con, trong đó có cả trà bơ cùng cơm nghệ tây. Dorji Wangmo ngồi trầm tư, tự hỏi có nên hỏi thêm hay không.
Và cuối cùng, bà đã không kìm lòng được mà cất tiếng nói: “Trong nhà này có người mẹ nào qua đời khi tuổi còn trẻ không?” Vị nữ tăng ni liền trả lời rằng: “Mẹ tôi mất năm 31 tuổi, khi tôi mới 3 tuổi”. Điều này quả thực rất trùng khớp với tuổi tác của người mẹ và đứa bé trong giấc mơ của Dorji Wangmo.
Dorji Wangmo hỏi tại sao người mẹ trẻ đó lại chết? Vị nữ tăng ni trả lời rằng bà ấy chết vì bệnh đậu mùa, và bệnh đậu mùa cũng là nguyên nhân gây chết người chủ yếu ở Bhutan vào thời điểm đó. Vị nữ tăng ni nói rằng một năm sau khi mẹ bà qua đời, thi thể mới được đưa ra khỏi mộ để hỏa táng, bởi vì người ta tin rằng việc hỏa táng bệnh nhân đậu mùa ngay lập tức có thể khiến dịch bệnh lây lan, và sự việc này đã xảy ra cách đây hơn 50 năm trước.
Có lẽ đứa trẻ nằm trên lưng của cô gái năm đó chính là vị nữ tăng ni hiện đang sống trong ngôi nhà này. Dorji Wangmo không tiếp tục hỏi nữa mà yêu cầu vị ni cô đưa mình sang thăm các phòng khác. Bà nhìn thấy những cô cháu gái xinh đẹp thông minh của vị nữ tăng, và bà cũng nhìn thấy sân thượng có mái che trên tầng hai, nhưng bây giờ không có ai dệt vải ở đó nữa, tuy nhiên bà vẫn nhìn thấy những cái lỗ dùng để cố định những chiếc máy dệt thời đầu. Vị nữ tăng ni kể rằng khi bà còn nhỏ, những người thợ dệt đã làm việc ở đó.
Điều khiến Dorji Wangmo cảm thấy có chút khác biệt so với giấc mơ của mình chính là diện mạo của lan can ban công đã thay đổi. Vị nữ tăng ni dường như đã nhìn thấu được suy tư của bà và chủ động nói rằng họ đã thay lan can cũ cách đây vài năm.
Cuối cùng, họ lên đến tầng ba và đi đến phòng đọc kinh Phật. Dorji Wangmo dập đầu 3 cái trước tượng Phật, sau đó xoay người rời đi. Lúc này, bà nhìn thấy một cặp kính viễn vọng cũ bằng đồng thau nằm trên bệ cửa sổ, bà cầm kính viễn vọng lên nhìn và đã nhìn thấy ngôi làng nơi bà được sinh ra – Làng Nobgang. Quả thật, trong cõi u minh này, mọi việc dường như đã được sắp đặt từ trước.
Lúc này, trong lòng Dorji Wangmo gần như tin rằng đây chính là nơi mà kiếp trước bà đã từng sống, nhưng bà cũng không nói cho họ biết về giấc mơ của mình. Từ đó về sau, Dorji Wangmo không bao giờ gặp lại giấc mơ đó nữa, cũng không bao giờ trở lại Gangkar Puensum, và không bao giờ gặp lại ai trong gia đình đó.
Nhưng câu hỏi trong lòng bà vẫn không ngừng nghỉ: Liệu người phụ nữ buồn trong giấc mơ của bà có cầu nguyện được tái sinh ở Nobgang, ngôi làng nhỏ xinh đẹp đối diện với ngôi làng, và ngôi nhà trong tiền kiếp của cô ấy hay không? Cô ấy có thực sự chuyển sinh đến Nobgang vào 20 năm sau cái chết vì bệnh đậu mùa? … Lẽ nào đây chỉ đơn giản là một sự trùng hợp.
Tất nhiên, trong tâm bà Dorji Wangmo tin rằng luân hồi thật sự có tồn tại. Trong sách, bà viết rằng: “Trong số tất cả các nghi lễ trước đây, người Bhutan tin rằng tang lễ quan trọng nhất, bởi vì tang lễ không chỉ đánh dấu sự ra đi của một linh hồn mà còn là sự khởi đầu của hành trình hướng tới sự tái sinh”.
Dorji Wangmo tin rằng con người phải trải qua nhiều lần luân hồi chuyển sinh.
“Chúng ta không thể đoán trước được khi nào và ở đâu chúng ta sẽ được tái sinh, nhưng phẩm chất và tính cách trong kiếp sau của một người. Có thể được quyết định thông qua những công đức tích lũy trong kiếp trước. Ít nhất là ở một mức độ nào đó, bao gồm cả việc người đó có niềm tin thành kính đối với Thần Phật hay không, hay người đó có từ bi và đối xử tốt với mọi người trong cuộc sống hàng ngày không? Những người được đặc ân nhất là những người có trái tim vô cùng thuần tịnh. Cuối cùng họ sẽ đạt được niết bàn mà không cần chuyển sinh”.
Chúc Di
Theo epochtimes.com