Tại sao dân gian kiêng kỵ “7 không ra khỏi cửa, 8 không quay về nhà”?
Ý nghĩa của câu nói “7 không ra khỏi cửa, 8 không quay về nhà” có phải là giống như con người ngày nay hiểu hay không? Chúng ta hãy cùng khám phá xem nhé!
Người xưa có câu nói rằng “Thất bất xuất môn, bát bất hồi gia”, tức là “7 không ra khỏi cửa, 8 không quay về nhà”. Câu nói này thường được mọi người giải thích thành: Mùng 7 không đi ra ngoài, mùng 8 không quay về nhà; có người còn tính thêm các ngày 17, 27, 18, 28.
Chính vì vậy mà rất nhiều người cho rằng đây là quan niệm mê tín, là thứ bã trấu bã cám của thời xưa. Thậm chí còn có người nói, nếu ngày 7 không ra khỏi nhà, ngày 8 không về nhà, vậy thì những ngày này các ô tô, tàu hỏa cũng chẳng cần chạy nữa, máy bay cũng khỏi phải bay nữa; trong ngày 7 và ngày 8 này, số người ra khỏi nhà cũng không ít, người trở về nhà cũng rất nhiều, mọi thứ vẫn bình thường chẳng có chuyện gì khác lạ xảy ra cả, v.v…
Tuy nhiên, giải thích như vậy là không đúng.
Thực ra, câu nói “7 không ra khỏi cửa, 8 không quay về nhà” là được tổ tiên lưu lại để giáo huấn con cháu đời sau.
Ý nghĩa thực của câu “7 không ra khỏi cửa” là nói trước khi ra khỏi cửa phải có 7 thứ, nếu bạn chưa có thì không thể ra khỏi cửa.
7 thứ này là “củi, gạo, dầu, muối, tương, dấm, trà”. Bởi vì trước đây, đàn bà phụ nữ không ra ngoài hoặc rất ít khi ra ngoài (đi làm). Người đàn ông là trụ cột gia đình, là chủ nhà. Vì thế, nếu người đàn ông cần ra ngoài thì trước tiên phải lo xếp ổn thỏa những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống cho vợ con, sắp xếp êm xuôi mọi việc vậy thì mới có thể yên tâm đi; trong đó phải đảm bảo được 7 thứ “củi, gạo, dầu, muối, tương, dấm, trà” này.
“8 không quay về nhà”, ý muốn nói, khi bạn ra ngoài phải làm được 8 việc, làm không được thì không thể về nhà. 8 điều này là “hiếu, thuận, lễ, trung, tín, nghĩa, liêm, sỉ”. 8 điều này chính là chuẩn tắc đạo đức làm người của người xưa, nếu phạm phải bất kỳ một điều nào, thì sẽ không còn mặt mũi nào trở về đối mặt với gia đình nữa.
Văn hóa truyền thống là bác đại tinh thâm, mỗi câu cổ thoại được lưu truyền lại đều có hàm nghĩa rất sâu sắc. Vì thế không nên chỉ dựa chữ nghĩa bề ngoài để chụp lên nó cái mũ mê tín và phủ nhận nó.
Khi gặp những tục ngữ và ngạn ngữ như thế này, thì nên nghiên cứu tìm hiểu chúng, chúng ta sẽ hiểu ra được rất nhiều triết lý và đạo lý ở trong đó.
Lê Hiếu, dịch từ NTDTV