Phóng xạ gần Fukushima đang khiến thực vật bị đột biến gen
Bốn năm trước, thảm họa nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Nhật Bản đã gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Tuy nhiên cho đến nay, các chất phóng xạ còn lại xung quanh khu vực này có thể tiếp tục gây ra một thảm họa mới, đột biến gen.
Đó không phải là câu chuyện mà chúng ta từng thấy trên phim hay đọc trong truyện tranh, mà nó đã thực sự xảy ra tại các khu vực xung quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Các tàn dư phóng xạ sau vụ thảm họa 4 năm trước đã khiến các loài thực vật ở đây bị biến đổi gen.
Và dấu hiệu của sự biến đổi này giờ đây đã có thể thấy rất rõ. Một thành viên trên mạng xã hội Twitter đã đăng tải một số bức ảnh chụp những bông hoa cúc bị biến dạng kỳ lạ, tại thành phố Nasushiobara.
Các nhà khoa học gọi đột biến này là fasciation, nó gây ra sự mất cân bằng nội tiết tố trong các loại thực vật. Đây là một loại đột biến hiếm gặp khiến cho cây tăng số lượng các tế bào một cách bất bình thường.
Do đó mà các bông hoa đột biến này ngay từ khi phát triển đã có tới hai đài hoa và trông chúng như hai bông hoa dính lại với nhau. Khi phát triển lớn hơn, chúng bắt đầu có hình dạng khá kỳ lạ.
Được biết đến như fasciation (hoặc cresting) sự mất cân bằng nội tiết tố trong thực vật có mạch là một bệnh hiếm gặp làm cho cây tăng trọng lượng và khối lượng
Theo các nhà khoa học thì đột biến này không phải chỉ xuất hiện ở khu vực nhiễm phóng xạ, mà nó là một dạng đột biến hiếm gặp có thể thấy ở nhiều nơi khác. Tuy nhiên việc các bông hoa ở gần khu vực nhiễm phóng xạ bị đột biến cũng khiến các nhà khoa học lo lắng.
Khu vực xung quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima đã được sơ tán sau thảm họa năm 2011. Hiện tại các công đoạn xử lý phóng xạ vẫn đang được tiến hành trước khi người dân có thể quay trở lại sinh sống bình thường.
Theo ghi nhận thì ngoài trường hợp đột biến ở loài hoa cúc này, thì chưa phát hiện được thêm các trường hợp đột biến khác. Chúng ta biết rằng các chất phóng xạ có ảnh hưởng rất lớn đến các tế bào và có thể gây ra những đột biến gen. Tuy nhiên hầu hết các trường hợp bị nhiễm phóng xạ nặng đều không thể sống sót qua một thời gian dài.
Mặc dù vậy một số trường hợp chất phóng xạ tích tụ bên trong mà không gây ra bất kỳ ảnh hưởng gì, chỉ khi nồng độ này quá mức cho phép hoặc các chất phóng xạ phân rã sẽ bắt đầu gây ảnh hưởng đến các tế bào trong cơ thể.
Ngoài Fukushima thì thảm họa Chernobyl được biết đến như một thảm họa hạt nhân thảm khốc nhất trong lịch sử. Hiện nay tại thành phố này vẫn còn 160 tấn chất phóng xạ nằm trong lòng đất, nhưng đã có nhiều loài động vật quay lại sinh sống tại đây.
Và chưa có báo cáo nào về việc phát hiện các loài động vật đột biến tại khu vực này. Điều kỳ lạ nhất là sau vụ nổ nhà máy hạt nhân tại Chernobyl xảy ra, hầu hết các loài sinh vật đều không thể sống sót. Trừ duy nhất một loài động vật đó là cá trê, loài cá này có thể sống trong môi trường phóng xạ chết người mà các nhà khoa học vẫn chưa hiểu được vì sao.
Theo GenK