Phóng viên người Mỹ bị từ chối cấp visa vì phê bình chính phủ Trung Quốc
Trung Quốc đã từ chối cấp visa nhà báo cho một phóng viên người Mỹ vì cô đã viết nhiều bài về việc chính phủ nước này sử dụng các biện pháp nhằm lan tỏa sức ảnh hưởng tại Mỹ. Cô tin rằng chính phủ Trung Quốc làm như vậy là để trả thù những gì cô đã làm.
Bethany Allen-Ebrahimian, nhà báo tự do ở Washington DC, bắt đầu xin visa nhà báo đến Trung Quốc với hãng thông tấn Pháp Agence France-Presse (AFP) vào năm 2018. Nhưng sau vài tháng chờ đợi, AFP nhận được thông báo họ sẽ phải đưa ra một ứng cử viên khác, Allen-Ebrahimian cho biết trong một cuộc phỏng vấn.
Patrick Baert, Chánh văn phòng Bắc Kinh của AFP, đã từ chối bình luận về việc các quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc có đưa ra tuyên bố như vậy về Allen-Ebrahimian hay không, mà chỉ nói AFP đang theo dõi tình hình.
Nói về sự việc này, Allen-Ebrahimian cho biết: “Tôi cảm thấy rất buồn. Tôi yêu người dân Trung Quốc và tôi thực sự rất mong được quay trở lại quốc gia này, cũng như mong được nghe câu chuyện về những người tôi gặp ở đó, rồi viết những bài báo đa sắc thái về những gì đang xảy ra khi đất nước này rơi vào chế độ chuyên chế”.
Allen-Ebrahimian là tác giả của nhiều bài báo về các chiến dịch lan tỏa sức ảnh hưởng của chính phủ Trung Quốc tại Hoa Kỳ, trong đó có viết về Bộ Công tác Mặt trận Thống nhất, một cơ quan thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã trở nên hùng mạnh hơn dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình. Một trong những nhiệm vụ chủ chốt của cơ quan này là tạo tầm ảnh hưởng cho chính phủ Trung Quốc ở nước ngoài.
Được biết, hính phủ Trung Quốc trước đây đã sử dụng thị thực để theo dõi nhà báo và các tổ chức tin tức viết về những nội dung phê bình nước này.
Allen-Ebrahimian tin rằng mình bị từ chối visa là vì chính phủ Trung Quốc muốn trả thù những gì cô đã làm. Cô chia sẻ: “Tôi hiểu khá rõ vì sao họ không thích những bài báo của tôi. Đó là bởi vì tôi đã đưa tin về những điều Đảng này đang bí mật và lén lút thực hiện ở nước ngoài”.
Allen-Ebrahimian nói thêm cô cảm thấy mối quan hệ giữa mình với Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington DC đã xấu đi kể từ khi cô bắt đầu viết về các vấn đề ảnh hưởng của chính phủ Trung Quốc.
Allen-Ebrahimian không phải là trường hợp đầu tiên gặp sự cố này. Paul Mooney, nhà báo kỳ cựu nổi tiếng với việc đưa tin về nhân quyền ở Trung Quốc cũng bị từ chối cấp visa nhà báo vào năm 2013 khi ông nộp đơn đăng ký với tờ Reuters. Sau đó, nhà báo người Pháp Ursula Gauthier cũng bị từ chối visa thường trú của nhà báo vào năm 2015 sau khi cô viết một bài báo về người thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và phải đối mặt với những lời chỉ trích trên tờ Thời báo Hoàn cầu do nhà nước Trung Quốc kiểm soát.
Chính quyền Trung Quốc cũng gây khó khăn cho cả Bloomberg và New York Times trong vấn đề xin thị thực cho các phóng viên của họ sau cả hai ấn phẩm điều tra về sự giàu có bất hợp pháp của các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc. BuzzFeed News thì bị từ chối cấp visa nhà báo sang Trung Quốc vào tháng 5/2018.
Trong một tuyên bố được đưa ra hôm 18/6, Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) gọi việc từ chối visa của chính phủ Trung Quốc là “hành động trả thù”.
“Việc từ chối cấp thị thực cho Bethany Allen-Ebrahimian của chính phủ Trung Quốc là một hành động trả thù các bài báo trước đây của cô về những nỗ lực của chính phủ nước này nhằm truyền bá quyền lực chính trị ra nước ngoài và là một hành động đáng xấu hổ nhằm ngăn chặn những tin tức phê bình Trung Quốc. Trung Quốc nên ngay lập tức giải quyết đơn xin thị thực của Allen-Ebrahimian và cho phép các nhà báo thực hiện quyền quốc tế của họ để có thể đưa tin xuyên biên giới”, Carlos Martinez de la Serna, giám đốc chương trình của CPJ tại New York nói.
Bảo San (Theo Buzzfeed News)
Xem thêm: