Philippines gửi 2 công hàm phản đối hành động của Trung Quốc trên Biển Đông
Bộ Trưởng Bộ Ngoại giao Philippines cho biết, công hàm thứ nhất phản đối việc súng rađa Trung Quốc chĩa vào tàu Hải quân Philippines trên vùng biển của nước này. Công hàm thứ hai nói về việc Trung Quốc tuyên bố ‘các phần lãnh thổ Philippines thuộc về tỉnh Hải Nam’, đồng thời khẳng định việc làm trên của Trung Quốc là vi phạm luật pháp quốc tế.
Cụ thể, vào ngày 22/4, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin đã đăng tải trên Twitter cho biết, nước này vừa gửi 2 công hàm tới Đại sứ quán Trung Quốc ở Manila nhằm phản đối các hành động phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông.
Theo Ngoại trưởng Philippines, Đại sứ quán Trung Quốc đã nhận hai công hàm phản đối trên vào 5h17 cùng ngày (22/4).
Công hàm thứ nhất nói về việc súng rađa Trung Quốc chĩa vào tàu Hải quân Philippines ‘ở vùng biển Philippines’. Công hàm thứ hai là về việc Trung Quốc tuyên bố ‘các phần lãnh thổ Philippines thuộc về tỉnh Hải Nam’.
Theo Ngoại trưởng Locsin thì cả hai hành động trên của Trung Quốc “đều vi phạm luật pháp quốc tế và chủ quyền Philippines”.
Xác nhận thông tin trên, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết thêm về công hàm phản đối thứ nhất, theo ông thì vào ngày 17/2, tàu tuần tra BRP Conrado Yap của Hải quân Philippines đã bị chiến hạm Trung Quốc chĩa rađa khóa mục tiêu tấn công trên biển.
Về công hàm phản đối thứ hai, ông Locsin không nêu rõ Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền trên các phần lãnh thổ nào của Philippines, tuy nhiên trang Rappler đã trích dẫn một số nguồn tin nói về việc Trung Quốc gần đây đặt tên cho hai chính quyền quản lý Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông.
Quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, nhưng Philippines cũng tuyên bố chủ quyền một phần ở Trường Sa.
Trước đó vào ngày 18/4, mạng truyền hình toàn cầu Trung Quốc đã đưa tin về việc chính phủ nước này vừa mới phê duyệt việc thành lập hai quận huyện quản lý quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa) và quần đảo Trường Sa (Trung Quốc gọi là Nam Sa) vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Sau đó, ngày 19/4, Chính quyền Trung Quốc lại ngang nhiên công bố cái gọi là ‘danh xưng tiêu chuẩn’ cho 25 đảo, bãi đá cùng 55 thực thể địa lý dưới biển ở Biển Đông. Trong số này cũng có các thực thể nằm trong quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Trong tuyên bố đưa ra hôm 19/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã lên tiếng phản đối, yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ quyết định sai trái này…
“Yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hủy bỏ các quyết định sai trái liên quan đến những việc làm đó và không có những việc làm tương tự trong tương lai”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu.
Vũ Tuấn (t/h)