Phát hiện xe đạp Trung Quốc dán nhãn ‘made in Vietnam’ chuẩn bị xuất sang Mỹ
Ngày 21.10, Cục Hải quan Bình Dương phối hợp với Cục Kiểm tra sau thông quan – Tổng cục Hải quan kiểm tra, đã phát hiện một lô hàng xe đạp xuất khẩu giả mạo có dán xuất xứ Việt Nam.
Cụ thể, lô hàng bị phát hiện sai phạm có 313 chiếc xe đạp, tổng trị giá trên 26.000 USD, tương đương khoảng 603 triệu đồng của Công ty TNHH xe đạp E., và đang chuẩn bị xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Theo đó,công ty TNHH xe đạp E. là một doanh nghiệp của Trung Quốc, và mở tờ khai hải quan tại Chi cục Hải quan Khu công nghiệp Sóng Thần (Cục Hải quan Bình Dương). Theo khai báo ban đầu của doanh nghiệp này, toàn bộ sản phẩm linh kiện được nhập từ Trung Quốc về và chỉ thực hiện công đoạn lắp ráp giản đơn cuối cùng tại Việt Nam.
Hiện cơ quan chức năng đã tạm giữ lô hàng để điều tra. Đây là vụ tráo xuất xứ đầu tiên liên quan đến mặt hàng xe đạp được Cục Hải quan Bình Dương phát hiện và ngăn chặn.
Theo đó, gần đây tình trạng lượng xe đạp điện từ Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Châu Âu bất ngờ tăng mạnh sau khi xe đạp điện Trung Quốc bị áp thuế chống bán phá giá, Bộ Công Thương đã lên tiếng cảnh báo nguy cơ xuất hiện hành vi làm giả xuất xứ Việt Nam để gian lận thương mại.
Bộ Công Thương đã đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam cho mặt hàng xe đạp điện, trong đó đặc biệt lưu ý tới khả năng xuất hiện hành vi làm giả xuất xứ Việt Nam.
Cũng theo Bộ Công Thương, hàng hóa nước ngoài có xu hướng mượn xuất xứ Việt Nam để hưởng lợi “miễn phí” và bất hợp pháp từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam tham gia hoặc sử dụng xuất xứ hàng hóa làm phương tiện lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại của nước nhập khẩu.
Việc gian lận ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam không những gây hậu quả trực tiếp đến sản phẩm cụ thể, ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn có tác động không nhỏ đến ngành hàng trong nước, làm giảm uy tín và tính cạnh tranh của hàng sản xuất tại Việt Nam.
Một chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam thực sự chưa có quy định rõ ràng nào là hàng hóa “Made in Vietnam”. Những khái niệm về hàng sản xuất tại Việt Nam chỉ được nhắc tới mờ nhạt và rời rạc trong các văn bản của Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Luật Thương mại, Nghị định 43/2017/NĐ-CP… Song việc xác định xuất xứ hàng hóa theo nguyên tắc nào, quy tắc nào thì đến nay chưa có hướng dẫn rõ ràng. Đây chính là kẽ hở để các doanh nghiệp lợi dụng gắn mác hàng “Made in Vietnam”.
Với hành vi này, doanh nghiệp không chỉ vi phạm pháp luật, mà còn vi phạm đạo đức, văn hóa kinh doanh, không có trách nhiệm xã hội”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh.
Hà My (t/h)
Xem thêm:
Trung Quốc chuyển hàng qua Campuchia để trốn thuế quan Mỹ?
Hàng TQ nhập về ghi sẵn ‘Made in Vietnam’ đánh lừa người dùng và tránh thuế quan